Đề bám sát cấu trúc đề thi minh họa
Thầy Nguyễn Minh Chiến - Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) cho biết đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay có cấu trúc giống đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố ngày 31/3. Trong đề có một số câu hỏi ra hay, phân hóa thí sinh.
Nhiều thí sinh Nghệ An phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội. |
Phân tích cụ thể hơn đề thi, thầy Chiến cho rằng:
- Về phạm vi kiến thức:
+ Đề thi có 40 câu trắc nghiệm, 38 câu thuộc khối kiến thức Địa lý 12 và 2 câu kỹ năng thuộc kiến thức lớp Địa lý lớp 11 (bài 11).
+ Kiến thức lý thuyết môn Địa lý lớp 12 có 21 câu chiếm 52,5 %, tương ứng với 5,25 điểm của bài thi gồm các chuyên đề: Địa lý tự nhiên có 4 câu. Địa lý dân cư có 2 câu, địa lý các ngành kinh tế có 8 câu, địa lý vùng kinh tế có 7 câu.
+ Kỹ năng Địa lý có 19 câu chiếm tỷ lệ 47,5% tương ứng 4,75 điểm của bài thi trong đó: 15 câu yêu cầu sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.
- Về độ khó và sự phân bố kiến thức:
+ Câu hỏi được sắp xếp với mức độ từ dễ đến khó tăng dần, từ câu 71 trở đi phân hóa rõ rệt, đảm bảo mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong đề có 75% câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 25% kiến thức nâng cao ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.
+ Phần kiến thức nâng cao tập trung chủ yếu vào 2 chuyên đề địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động, giải pháp…gắn liền với từ “chủ yếu” có trong câu hỏi.
Thí sinh muốn đạt điểm giỏi cần phải nắm chắc và sâu kiến thức, kỹ năng cơ bản từ sách giáo khoa Địa lý, vận dụng tư duy liên hệ tổng hợp, tìm ra các mối liên hệ nhân quả giữa các yếu tố địa lý đồng thời tích cực cập nhật các thông tin địa lý hiện hành của vùng và quốc gia để làm tốt câu hỏi trong đề thi có từ chìa khóa “hiện nay”. Như câu 74 của mã đề thi 321 cần đọc kỹ đề, chú ý một số cụm từ đặc biệt để “tránh bẫy” vì mỗi câu hỏi đưa ra phải có 1 đáp án chính xác. Đây là câu hỏi khó nhất trong đề thi, chiếm nhiều thời gian làm bài của thí sinh.
Đề thi đặt ra yêu cầu đổi mới dạy học Địa lý
Thầy Nguyễn Minh Chiến dự đoán phổ điểm môn Địa lý là trên 7.0 điểm, cao hơn năm 2021. “Hiện nhiều trường đại học kết hợp điểm bài thi đánh giá năng lực đầu vào của sinh viên và kết quả bài thi tốt nghiệp THPT. “Đề thi như vậy sẽ phân hóa điểm số, chất lượng thí sinh. Đề thi này buộc giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy học, ôn tập để đạt kết quả cao”, thầy Chiến nói.
Cùng chung đánh giá, cô Hồ Thị Hợi – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho hay, đề thi Địa lý năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông. Các dạng câu hỏi và phạm vị kiến thức hầu hết đã được các nhà trường ôn tập kỹ lưỡng cho học sinh.
Giờ ôn thi môn Địa lý của cô Hồ Thị Hợi và học trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An. |
Thí sinh sẽ dễ ăn điểm trong khoảng 30 – 35 câu hỏi đầu tiên, trong đó có nhiều câu khai thác tốt Atlat Địa lý là đã có thể làm đúng. Vì thế, với học sinh thi tổ hợp KHXH chỉ để xét tốt nghiệp, thì đề Địa lý năm nay vừa sức, thoải mái. Các em có thể đạt từ 6 – 7 điểm nếu nắm vững kiến thức cơ bản.
Tuy nhiên, ở mức độ vận dụng cao, thì đề Địa lý năm nay phân hóa rất rõ học sinh ở mức giỏi và xuất sắc. “Những câu hỏi này, học sinh ngoài học kiến thức sách giáo khoa, còn phải có tư duy tổng hợp, phân tích, so sánh để đưa ra đáp án chính xác nhất. Sẽ không ít thí sinh sẽ nhầm lẫn, đưa ra đáp án sai nếu không chú ý đọc thật kỹ đề, trọng tâm của câu hỏi. Với đề thi này, dự kiến sẽ có ít điểm 10, và thí sinh đạt điểm tuyệt đối là những em rất xuất sắc”, cô Hồ Thị Hợi cho hay.