Nghệ An: Giáo viên hợp đồng hơn 10 năm chờ tuyển dụng đặc cách

GD&TĐ - Sau hơn 10 năm giảng dạy hợp đồng tại Trung tâm GDTX huyện Thanh Chương, Nghệ An, cô Nguyễn Thị Khánh rơi vào cảnh thất nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Khánh trình bày nguyện vọng được tiếp tục công việc dạy học.
Cô Nguyễn Thị Khánh trình bày nguyện vọng được tiếp tục công việc dạy học.

Lý do đơn vị này thực hiện sáp nhập và chuyển thành Trung tâm GDTX-GDNN, giao cho UBND huyện quản lý cùng số nhân sự biên chế. Những lao động khác sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Gần đây, khi có cơ chế tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng đóng BHXH từ năm 2015 về trước, cô Khánh gõ cửa các cơ quan chức năng tìm cơ hội quay lại nghề. 

Giáo viên hợp đồng dang dở sau sáp nhập đơn vị

Trong kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền, cô Nguyễn Thị Khánh trình bày nguyện vọng được tuyển dụng đặc cách vào cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn huyện Thanh Chương. Liên quan đến nội dung này, báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An thông tin, cô Nguyễn Thị Khánh có thời gian công tác 16 năm.

Trong đó có 12 năm công tác tại Trung tâm GDTX huyện Thanh Chương do Sở GD&ĐT quản lý và 4 năm công tác tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - GDTX huyện Thanh Chương do UBND huyện quản lý. 

Cô Khánh có 2 bằng tốt nghiệp cử nhân Vật lý và cử nhân Tin học. Cùng với việc tham gia đóng bảo hiểm, cô Khánh đủ điều kiện để được xem xét, tuyển dụng đặc cách theo Văn bản số 5378 của Bộ Nội vụ. Vì vậy, Sở Nội vụ Nghệ An đề nghị UBND huyệnThanh Chương rà soát lại biên chế, có thể xem xét, tiếp nhận và bố trí công tác giảng dạy hợp lý cho giáo viên trên.

Tuy nhiên, phía UBND huyện Thanh Chương lại nhận định trường hợp cô Khánh không đủ điều kiện để được tuyển dụng đặc cách. Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Chương được thành lập tháng 5/2017.

Đơn vị này được sáp nhập bởi Trung tâm dạy nghề, Trung tâm GDTX, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp. Sau sáp nhập, trung tâm được giao cho UBND huyện Thanh Chương quản lý cùng với toàn bộ nhân sự biên chế là 26 người. 

Ngoài ra, Trung tâm GDTX còn có 2 hợp đồng do Sở GD&ĐT ký, trong đó có trường hợp của cô Khánh. Với những trường hợp này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở GD&ĐT chấm dứt hợp đồng trước khi giao về cho huyện quản lý. Ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho hay, năm 2017, huyện đã có công văn đề nghị chấm dứt hợp đồng và thực hiện trước khi UBND tỉnh phê duyệt đề án sáp nhập các trung tâm.

Như vậy, cô Khánh là lao động thuộc diện đã chấm dứt hợp đồng trước khi huyện Thanh Chương nhận bàn giao quản lý. Vì thế, thời điểm này, cô Khánh không thuộc đối tượng rà soát của huyện Thanh Chương để thực hiện tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng.

Sẽ tuyển dụng vị trí phù hợp

Theo ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, trước đây, Sở ký hợp đồng với cô Nguyễn Thị Khánh làm việc tại Trung tâm GDTX huyện Thanh Chương. Thời điểm đó, trung tâm đang thuộc Sở quản lý.

Tuy nhiên, từ năm 2017, các trung tâm GDTX thực huyện sáp nhập và giao cho UBND cấp huyện quản lý. Đối với huyện Thanh Chương, để chuẩn bị cho sáp nhập, từ năm 2010 đến 2017 không được tuyển thêm biên chế. 

Khi thực hiện đề án sáp nhập và bàn giao, UBND tỉnh Nghệ An chỉ giao 18 biên chế cho Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thanh Chương. Trong khi đó tổng nhân sự biên chế sau sáp nhập là 26 người. Để giải quyết tình trạng thừa giáo viên, UBND huyện đã rà soát các văn bản và động viên 5 người nghỉ hưu theo chế độ.

Số còn lại chuyển về các trường tiểu học dạy học vì có chuyên môn phù hợp. Hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên lại chỉ giao 16 biên chế, hiện có 15 biên chế, còn thiếu 1 biên chế giáo viên môn Toán. 

Đối với giáo viên hợp đồng như cô Khánh, theo quy định phải chấm dứt hợp đồng từ tháng 5/2017. Nhưng trên thực tế, cô Khánh vẫn tiếp tục giảng dạy cho đến tháng 5/2020 và có đóng BHXH. Về vấn đề này, ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương lý giải, cô Khánh vẫn được bố trí công việc là do huyện mong muốn tạo điều kiện cho cô được làm việc và đóng BHXH. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện này cũng đã chấm dứt từ năm học 2020 – 2021.

Tại phiên tiếp công dân tháng 3/2021, trước nguyện vọng được tuyển dụng đặc cách của cô Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đã chỉ đạo các cấp ngành liên quan xử lý. Cụ thể giao UBND huyện Thanh Chương chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát lại cơ cấu vị trí việc làm, tuyển dụng viên chức đối với cô Nguyễn Thị Khánh phù hợp, đảm bảo quy định pháp luật. Giao Sở Nội vụ quan tâm phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Thanh Chương trong quá trình giải quyết vụ việc.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Thanh Chương đã thực hiện giải quyết, bố trí việc làm cho cô Nguyễn Thị Khánh. Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết thêm, giáo viên có quá trình công tác, giảng dạy lâu năm, nên huyện cũng cố gắng xem xét, giải quyết nguyện vọng vừa có tính nhân văn nhưng phải đúng quy định.

Cô Khánh có 2 bằng cử nhân Vật lý và Tin học là một yếu tố thuận lợi. Bởi hiện nay triển khai Chương trình GDPT 2018, từ lớp 3 trở lên môn Tin học là môn bắt buộc. Trong khi đó, trên địa bàn đang thiếu giáo viên Tin học trầm trọng, nhất là bậc tiểu học.

Hướng giải quyết là sẽ bố trí cô Khánh về trường tiểu học giảng dạy chuyên môn phù hợp. “Vì vậy, mong cô Khánh bình tĩnh chờ đợi thêm một thời gian nữa. Trong quy hoạch mạng lưới trường lớp thời gian tới, huyện sẽ xin định biên đối với vị trí giáo viên Tin học. Khi đó, cô Khánh sẽ được ưu tiên tuyển dụng và bố trí việc làm”, ông Nguyễn Văn Chiến khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.