Nghệ An giải đáp những băn khoăn liên quan đến mô hình trường tiên tiến

GD&TĐ - Từ năm học 2022-2023, Nghệ An sẽ triển khai mô hình trường học tiên tiến đối với một số trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn TP Vinh. Lãnh đạo ngành Nghệ An có những trao đổi, chia sẻ và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc về việc thực hiện mô hình trên.

Với mô hình tiên tiến, ngoài chương trình GDPT, học sinh sẽ được học thêm chương trình tăng cường như Tin học, Ngoại ngữ, kỹ năng sống... với cam kết đầu ra.
Với mô hình tiên tiến, ngoài chương trình GDPT, học sinh sẽ được học thêm chương trình tăng cường như Tin học, Ngoại ngữ, kỹ năng sống... với cam kết đầu ra.

Xu thế tất yếu

Việc triển khai mô hình trường tiên tiến tại Nghệ An được thực hiện theo Quyết định 147/QĐ – UBND phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế giai đoạn 2021-2030.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, để triển khai đề án, ngành giáo dục tỉnh đã chuẩn bị trong hơn hai năm qua. Ngành đã lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, phụ huynh trước khi được UBND tỉnh thông qua và ra quyết định phê duyệt Đề án.

Mục tiêu của mô hình trường tiên tiến là giáo dục toàn diện, hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành cho học sinh những kỹ năng hiện đại, tư duy toàn cầu để chuẩn bị cho công dân toàn cầu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Qua đó thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, xem Nghệ An là trụ cột của khu vực Bắc Trung bộ, cũng như thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định, Đề án triển khai là cơ sở để một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông 2018. Mô hình tiên tiến cũng là xu thế tất yếu để đưa giáo dục Nghệ An phát triển đột phá, đáp ứng nhu cầu người học,…

Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành đề án, Sở GD&ĐT cũng đã có nhiều cuộc họp với các địa phương và nhà trường để bàn kế hoạch thực hiện và xem xét những thuận lợi, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tiết đọc sách tại thư viện thân thiện, Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Tiết đọc sách tại thư viện thân thiện, Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh, Nghệ An.

Trên cơ sở xem xét điều kiện thực tế, trong năm học tới 2022 – 2023, mô hình tiên tiến tại Nghệ An được triển khai thí điểm tại 5 trường gồm Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Lê Mao, Trường THCS Đặng Thai Mai, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường Thực hành Sư phạm Vinh, Trường Thực hành Sư phạm (thuộc Trường Đại học Vinh).

Các trường đã xây dựng đề án, kế hoạch tuyển sinh và công khai chương trình dạy học, mức học phí dự kiến và chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh đầu tiên. Tuy nhiên, trong khi mô hình trường tiên tiến ở bậc mầm non và trường THPT được phụ huynh học sinh ủng hộ, thì việc triển khai ở 2 trường Tiểu học Lê Mao và THCS Đặng Thai Mai còn một số băn khoăn. Những lo lắng của phụ huynh chủ yếu xuất phát từ nhiệm vụ phổ cập giáo dục của 2 đơn vị này.

Cụ thể, Trường THCS Đặng Thai Mai vốn là trường trọng điểm của TP Vinh. Những năm trước, trường được giao chỉ tiêu gồm 2 khối: thi tuyển đối với học sinh toàn thành phố và khối phổ cập cho học sinh của phường Hưng Phúc. Nhưng năm học tới, toàn bộ 9 lớp của khối 6 đều thực hiện mô hình tiên tiến, kể cả khối thi tuyển lẫn tuyển thẳng. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện mô hình tiên tiến, ngoài chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, nhà trường sẽ tổ chức thực hiện 7 chương trình giáo dục tăng cường và tổ chức học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho học sinh.

Triết lý của mô hình trường học tiên tiến là giáo dục toàn diện hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành kỹ năng công dân toàn cầu cho học sinh.

Triết lý của mô hình trường học tiên tiến là giáo dục toàn diện hướng đến sự thành đạt của người học và hình thành kỹ năng công dân toàn cầu cho học sinh.

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Mao trong năm học 2022-2023 sẽ triển khai chương trình tiên tiến dành cho toàn bộ học sinh khối 1 (gồm 6 lớp). Cô giáo Phạm Thị Trường Giang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Mao thông tin: Học sinh học theo chương trình trường tiên tiến sẽ có những ưu thế riêng về chương trình đào tạo nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, phát huy tính sáng tạo, năng khiếu, sở trường của học sinh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, quy mô mỗi lớp cũng chỉ có 35 học sinh/lớp tạo điều kiện học tập thuận lợi. Nhà trường cũng lựa chọn những giáo viên có đủ kinh nghiệm, có chuyên môn tốt để chủ nhiệm các lớp tiên tiến và liên kết với các đơn vị có uy tín để dạy chương trình tăng cường và có cam kết đầu ra với phụ huynh học sinh.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có nhu cầu hoặc đáp ứng đủ yêu cầu về mức học phí cho con em học mô hình tiên tiến. Điều này dẫn đến học sinh phải phổ cập ở xã/phường khác vì trên địa bàn không còn trường bình thường nữa, mà đã chuyển sang mô hình tiên tiến.

Đảm bảo phổ cập giáo dục cho tất cả học sinh

Trước khi xây dựng kế hoạch trường tiên tiến, Sở GD&ĐT Nghệ An đã yêu cầu các phòng chuyên môn hỗ trợ nhà trường xây dựng chương trình, cho ý kiến về các mức thu, khoản thu. Hiện, mức thu trung bình của các trường tiên tiến dao động từ 2,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng (bao gồm có cả tiền bán trú) và thu theo văn bản hướng dẫn.

Qua tìm hiểu nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 và lớp 6 của hai phường Lê Mao và Hưng Phúc, phần lớn đồng tình với mô hình trường tiên tiến. Tuy nhiên, với mức học phí, cao gấp 2, gấp 3 so với trước đây thì việc theo học mô hình trường tiên tiến là điều khó khăn với nhiều gia đình. Trong khi đó, nguyện vọng của gia đình là cho con học ngay tại phường để thuận tiện đưa đón và quen thuộc bạn bè từ nhỏ.

Ông Lê Thanh Hải, Bí thư kiêm khối trưởng khối Tân Tiến cho hay: Bà con mong muốn con em được học tại trường của phường bởi thực tế, việc chuyển các cháu sang phường khác sẽ có những khó khăn như phải xin trái tuyến, đưa đón không thuận lợi. Ông Lê Thanh Hải nêu ý kiến tổ chức song song chương trình hiện hành và theo chương trình tiên tiến để phụ huynh đăng ký theo nhu cầu.

Nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh năm học 2022-2023 tại Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An.

Nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh năm học 2022-2023 tại Trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An.

Tại phường Hưng Phúc, qua khảo sát của Trường THCS Đặng Thai Mai, có gần 200 học sinh thuộc diện phổ cập, trong đó có 135 học sinh học lớp 5 tại Trường Tiểu học Hưng Phúc. Qua họp của phụ huynh lớp 5, nhiều ý kiến đồng tình cho con học tiếp tại Trường THCS Đặng Thai Mai. Nhưng một số phụ huynh có điều kiện kinh tế gia đình bình thường, hoặc con cái có lực học trung bình thì vẫn cân nhắc. Một mặt do học phí cao, mặt khác sợ con không theo kịp chương trình dạy học của trường tiên tiến.

Về vấn đề học phí, lãnh đạo 2 trường THCS Đặng Thai Mai (phường Hưng Phúc) và Tiểu học Lê Mao (phường Lê Mao) cho hay, thực tế trước đây, ngoài học chính khóa ở trường, học sinh học thêm buổi chiều ở trường hoặc học chương trình Tiếng Anh tăng cường cũng phải nộp thêm tiền theo thỏa thuận. Số tiền này đều là các khoản thu ngoài. Ví dụ Trường TH Lê Mao có 4 lớp Tiếng Anh tăng cường, và học sinh phải nộp thêm chi phí để được thụ hưởng chương trình giáo dục cam kết đầu ra. Vì thế, với mô hình trường tiên tiến, học sinh sẽ không phải đóng các khoản thu ngoài, mà nộp chung trong mức thu học phí. Số tiền thực nộp không chênh lệch quá nhiều.

Còn về đảm bảo quyền lợi phổ cập cho học sinh, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh khẳng định: Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho học sinh phổ cập của 2 phường Lê Mao và Hưng Phúc có thể đăng ký bất cứ trường nào trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ trực tiếp chuyển hồ sơ cho các cháu trên phần mềm tuyển sinh và phụ huynh có thể ngồi ở nhà đăng ký cho con học theo hình thức trực tuyến.

Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An khẳng định, nếu phụ huynh 2 phường Lê Mao, Hưng Phúc không có nhu cầu cho con em học trường tiên tiến, có thể chuyển phổ cập đến bất cứ trường công lập nào trên địa bàn TP Vinh.

Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An khẳng định, nếu phụ huynh 2 phường Lê Mao, Hưng Phúc không có nhu cầu cho con em học trường tiên tiến, có thể chuyển phổ cập đến bất cứ trường công lập nào trên địa bàn TP Vinh.

Bà Hoàng Phương Thảo cũng nói thêm, thành phố đã cân nhắc thực hiện trường tiên tiến toàn bộ hay một vài lớp. Tuy nhiên, nếu chỉ triển khai một vài lớp sẽ có những khó khăn nhất định trong việc tổ chức dạy học như chương trình, chất lượng dạy học không đồng đều, bố trí giáo viên. Hơn nữa, ở lứa tuổi tiểu học và THCS, trong cùng khối dạy theo hai chương trình sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Thành cũng cho biết ngành giáo dục đã cân nhắc rất kỹ lưỡng. “Trong 1 trường học, đặc biệt là cấp tiểu học và THCS, các em chưa có độ chín về nhận thức và tâm lý xã hội. Nếu chia 2 mô hình như vậy, sẽ gây ra sự phản cảm trong tuổi ấu thơ của học sinh. Một bên nộp tiền để được học chương trình hiện đại gồm thể dục thể thao, hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống, nghệ thuật… còn một bên lại không tham gia. Chưa kể sẽ có sự khập khiễng nhau trong chỉ đạo chuyên môn, dạy học. Chế độ, tiền lương cho giáo viên dạy chương trình tiên tiến cũng phải khác. Chỉ khi triển khai toàn trường, mới có thể đảm bảo chương trình tiên tiến thành công”, ông Thái Văn Thành nói.

Cần sự hỗ trợ, đồng hành từ nhiều phía

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, mô hình trường tiên tiến đã được nhiều thành phố lớn triển khai. Tại Nghệ An, mô hình này được xây dựng theo 9 tiêu chí. Khác với mô hình tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gồm 5 tiêu chí bám theo kiểm định chất lượng, tiêu chí của Nghệ An đáp ứng chương trình GDPT 2018 và hội nhập quốc tế, nên hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu người học và mục tiêu của giáo dục địa phương.

Đề án xây dựng trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế được xây dựng gồm 9 tiêu chí nội dung: sứ mệnh tầm nhìn, nội dung chương trình giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, đội ngũ quản lý cán bộ, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, hệ thống đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số trong quá trình dạy học, chuẩn đầu ra...

Tại các trường tiên tiến, năng lực của học sinh đối với các môn văn hóa, cũng như Tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống khác... đều phải cam kết đầu ra với phụ huynh, nếu không nhà trường phải dạy lại cho đến khi đạt yêu cầu mục tiêu.

Tại các trường tiên tiến, năng lực của học sinh đối với các môn văn hóa, cũng như Tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống khác... đều phải cam kết đầu ra với phụ huynh, nếu không nhà trường phải dạy lại cho đến khi đạt yêu cầu mục tiêu.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, để giáo dục địa phương không thua kém các tỉnh thành khác cũng vươn ra tầm quốc tế, thì phải triển khai trường học tiên tiến. Theo hình thức cuốn chiếu, sau 3 – 4 năm nữa, các trường được chọn thí điểm sẽ hoàn toàn là trường tiên tiến đối với tất cả khối lớp. Nhưng để làm được điều này, thời gian đầu nhà trường cũng sẽ vất vả, và chính phụ huynh cũng vất vả. Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An mong muốn được chia sẻ, đồng hành của phụ huynh, học sinh trong giai đoạn khó khăn này. Với vai trò của ngành, Sở sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các nhà trường trong quá trình triển khai, về xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ giáo viên…

Tất cả trường tiên tiến, từng năng lực của học sinh đối với các môn văn hóa cũng như Tin học, Ngoại ngữ phải cam kết đầu ra với phụ huynh và với ngành. Nếu không đạt, nhà trường phải tổ chức dạy lại, để học sinh khi tốt nghiệp phải đạt được các mục tiêu đề ra. Đồng thời, giao Hiệu trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng của người học, của nhà trường.

Khi thành công, trường tiên tiến sẽ là đầu tàu để thúc đẩy giáo dục chung trên địa bàn cùng phát triển. Cụ thể, về phía giáo viên của trường tiên tiến được nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Theo chu kỳ 5 năm, khi luân chuyển giáo viên, thì các trường phổ cập cũng được hưởng thành quả của mô hình tiên tiến.

Hiện giáo viên tại các trường được chọn thí điểm cũng chưa đáp ứng 100% chương trình giáo dục tiên tiến, mà phải thuê chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ… Vậy thì chính giáo viên của trường cũng được bồi dưỡng, học hỏi, nâng cao năng lực, phương pháp dạy học từ chuyên gia. Đổi lại, những giáo viên này có vai trò bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm đến giáo viên đại trà.

Mục tiêu trong tương lai, mỗi huyện, thị của Nghệ An đều có ít nhất 1 trường tiên tiến. Và phấn đấu tất cả trường học trên địa bàn tỉnh đều là môi trường giáo dục tốt cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.