Học sinh, nhà trường yên tâm
Trường THPT Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) năm nay có gần 400 học sinh lớp 12. Theo thầy Dương Văn Sơn – Hiệu trưởng cho biết, nhà trường đã 2 lần tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh theo hình thức học đến đâu ra đề đến đó.
Qua các lần thi thử để học sinh tự đánh giá năng lực của mình, cố gắng ôn tập và đưa ra lựa chọn, nguyện vọng phù hợp tại kỳ thi. Ngoài ra, nhà trường cũng có căn cứ để điều chỉnh ổn tập như: bồi dưỡng thêm cho học sinh khá, có nguyện vọng thi đại học, và tăng cường phụ đạo cho học sinh yếu theo từng môn.
Vì vậy, theo thầy Dương Văn Sơn, kỳ thi Tốt nghiệp THPT giữ ổn định, sẽ tạo thuận lợi cho các nhà trường và học sinh dạy – học, ôn thi theo kế hoạch đề ra.
Hiệu trưởng nhà trường cũng bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có đề thi minh họa để tạo điều kiện cho các trường thuận lợi tổ chức cũng như điều chỉnh kế hoạch ôn thi cho phù hợp. Bởi năm học trước, do dịch Covid-19 học sinh phải nghỉ học thời gian dài, nên chương trình học và kiến thức trong đề thi được giảm tải. Năm học này, thầy và trò kỳ vọng đề thi vừa phù hợp với học sinh trong xét tốt nghiệp và vừa có sự phân hóa để giúp cho những thí sinh khá, giỏi xét tuyển vào các trường đại học.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Bình – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cũng khẳng định, việc giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh yên tâm ôn tập, không bị xáo trộn tâm lý. Đặc biệt học sinh của trường chủ yếu là người dân tộc thiểu số, xa nhà ở trọ đi học. Kỳ thi được đưa về tổ chức tại từng điểm ở các huyện, thị cũng tạo thuận lợi, an toàn, tiết kiệm cho học sinh và phụ huynh.
Năm học này, trường có hơn 400 học sinh lớp 12. Theo cô Bình, ngay từ khi vào lớp 10, học sinh đã được phân loại vào từng lớp theo tổ hợp môn có năng lực. Các lớp học được duy trì và có thay đổi, điều chỉnh theo nguyện vọng của học sinh vào cuối năm lớp 11. Cụ thể có khoảng 30 em chuyển từ lớp thường sang lớp chọn và ngược lại.
Còn lên lớp 12, các em đã cơ bản xác định rõ tổ hợp mô tự chọn, mục tiêu tại kỳ thi. Trong đó, qua nắm bắt ban đầu, khoảng 30% học sinh có nguyện vọng vào đại học, còn lại chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.
“Hiện bên cạnh tập trung dạy kiến thức, ôn thi, nhà trường chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp để học sinh có được lựa chọn phù hợp sau lớp 12. Vì tỷ lệ học sinh phân luồng của trường chiếm đa số”, cô Nguyễn Thị Bình cho hay.
Địa phương chủ động chuẩn bị
Năm học 2020 – 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, tại Nghệ An việc dạy học đang được duy trì ổn định. Đến nay, các trường đều đảm bảo chương trình năm học diễn ra theo kế hoạch. Đối với các trường THPT, việc ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp đang bước vào giai đoạn khẩn trương, quan trọng.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định cũng tạo thuận lợi cho địa phương trong khâu tổ chức, chuẩn bị.
Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, là tỉnh có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức kỳ thi chung, vì vậy, địa phương sẽ không gặp lúng túng, khó khăn trong thực hiện trọng trách trên. Với kỳ thi này, đội ngũ giám thị là giáo viên THPT của địa phương. Vì vậy, để đảm bảo tính khách quan, an toàn, chính xác của kỳ thi địa phương phải tăng cường tính tự chủ và tựu chịu trách nhiệm từ người đứng đầu đến từng cán bộ coi thi, người làm công tác thi.
Quy chế thi Tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ sửa đổi, bổ sung một số vấn đề kỹ thuật liên quan hội đồng thi, xếp phòng thi; sử dụng thiết bị, ban chấm thi, thanh tra kiểm tra bài thi... Sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, Nghệ An sẽ tăng cường tập huấn nhiều lượt, cụ thể đối với cán bộ làm công tác thi.