Đại lễ do Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với tỉnh đoàn, Sở NN&PTNT tổ chức vào chiều tối ngày 9/6.
Địa điểm tổ chức ngay tại công trình Cống Hiệp Hòa từng xảy ra vụ đất đá vùi lấp làm 98 thanh niên tử nạn.
Thân nhân các nạn nhân trong vụ tai nạn cùng rất nhiều bà con huyện Đô Lương và nhân dân trong tỉnh đã có mặt tại từ trước đó, thắp nén nhang tưởng nhớ những người đã ngã xuống cách đây 40 năm.
Cống Hiệp Hòa được xây dựng từ năm 1934, là một hạng mục quan trọng trong công trình đập Bara trên sông Lam. Công trình này được khởi công vào năm 1934 và cơ bản hoàn thành vào năm 1937.
Cống dài khoảng 180 mét, tròn, đường kính 3,8 mét, riêng phần cửa nhận nước rộng hơn 4 mét. Cống được làm bằng bê tông, độ dày trên 10 cm, không có cốt thép. Theo thiết kế, lưu lượng nước qua đây là 32,5 m3/s (32,5 khối 1 giây). Nước dẫn từ Bara Đô Lương qua hệ thống các nông giang nhằm tưới tiêu cho những cánh đồng các huyện Đô Lương, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Trải qua thời gian bị lắng cặn và chiến tranh tàn phá, lưu lượng nước qua đây không đủ để tưới tiêu cho Diễn - Yên - Quỳnh nên phải mở rộng cống.
Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh chủ trương nạo vét, sửa chữa sông Đào và mở rông khai thông cống Hiệp Hòa do bom Mỹ đánh phá hư hỏng nặng, dòng chảy bị thu hẹp, không đủ cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Để kịp có nước tưới cho vụ chiêm xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh đã huy động 21.000 dân công, thanh niên xung phong của 7 huyện cùng với sự hỗ trợ của bộ đội Quân khu IV.
Tuy nhiên, khi công trình gần hoàn thành thì lúc 12h5 ngày 3-1-1978, một tiếng động lớn vang lên trên công trường thủy lợi cống Hiệp Hòa. Trong giây lát, một khối lượng bùn, đất đá khổng lồ đổ ập xuống vùi lấp hàng trăm người.
Tai nạn khủng khiếp chưa từng có đã làm rúng động cả tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ làm 98 người chết, 132 người bị thương.
Những người tử nạn, độ tuổi chỉ mới mười sáu, đôi mươi. Và xanh mãi tuổi thanh xuân ở đó… Đọc điếu văn tại buổi lễ, Bí thư tỉnh đoàn Phạm Tuấn Vinh xúc động: “Hơn 40 năm qua, dòng nước mát từ cống Hiệp Hòa vẫn ngày đêm cuộn chảy, tưới tắm cho những cánh đồng thêm những mùa màng bội thu, góp phần tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an cho quê hương”. Đồng chí cũng cho biết, tới đây, ban tổ chức sẽ kêu gọi các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm góp sức, xây dựng bia chứng tích Cống Hiệp Hòa.
Tại đại lễ cầu siêu, hàng ngàn ngọn nến hoa đăng được thắp sáng dọc 2 bên triền đê và thả xuống dòng sông Đào từ cống Hiệp Hòa. Chở nặng những tri ân không nói thành lời, những xúc động, tưởng nhớ và ghi ơn mãi mãi…
Một ngôi miếu nhỏ được dựng lên gần khu vực cống |
Những người đã mất, hầu hết ở lứa tuổi đôi mươi, chỉ có một vài người còn lại di ảnh |
Giáo hôi Phật giáo cùng các ngành chức năng làm lễ cầu siêu cho anh linh các thanh niên tử nạn |
Thân nhân, gia đình của người mất xúc động trong lễ cầu siêu |
Rất đông người dân đã đến thắp hưởng tưởng nhớ |
Thắp nến hoa đăng tri ân những người ngã xuống đem lại dòng nước tưới tiêu cho vùng quê xứ Nghệ |