Tham dự Đại lễ cầu siêu có đại diện Đại sứ quán Việt Nam và một số hội đoàn, đông đảo Phật tử và bà con trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan.
Cầu siêu anh linh các liệt sỹ Gạc Ma. |
Tại buổi lễ Phật tử Viên Đạt đã đọc văn tế các liệt sỹ hy sinh tại đảo Gạc Ma, nêu rõ: Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải cùng tàu hải quân Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các đảo Côn Lin, Gạc Ma và Len Đao thì bị đoàn tàu chiến Trung Quốc tấn công.
Sau đó lính Trung Quốc đã đổ bộ đánh chiếm đảo Gạc Ma. Trong cuộc chiến không cân sức này, 64 chiến sỹ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc cho đến người cuối cùng. Sự hy sinh anh dũng của các anh sẽ mãi là là tấm gương cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Phật tử Viên Đạt nhấn mạnh, từ đó đến nay, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược lấn chiếm nhiều đảo trên Biển Đông, khiêu khích, tấn công các tàu thuyền của ngư dân ta. Trung Quốc cũng đã đưa nhiều tàu chiến, máy bay quân sự và vũ khí ra Trường Sa.
Gần đây nhất Trung Quốc đưa tên lửa phòng không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Các hành động của Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế, đe dọa an toàn, an ninh hàng hải và hòa bình, ổn định trong khu vực.
Buổi lễ diễn ra trong hơn hai giờ đồng hồ với các nghi thức tôn giáo trang trọng như lập đàn cầu siêu, đọc văn tế, tiến hành các nghi lễ tiếp linh, thỉnh Phật, triệu linh, cúng cháo, chúc thực, dâng hương, dâng hoa...
Cộng đồng người Việt cũng tổ chức lễ thắp thắp nến ngoài trời để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sỹ và 64 chiến sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Lễ cầu siêu thể hiện lòng thành kính của các phật tử và bà con trong cộng đồng người Việt tại Ba Lan đối với các liệt sỹ đảo Gạc Ma, đồng thời, nhắc nhở thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Ba Lan luôn ghi nhớ rằng biển đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.