Nghệ An chủ động quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục

GD&TĐ - Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục cần tính đến quyền tiếp cận của người học và đáp ứng cơ sở vật chất, giáo viên.

Nghệ An hiện còn nhiều điểm trường lẻ ở vùng sâu vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồ Lài
Nghệ An hiện còn nhiều điểm trường lẻ ở vùng sâu vùng xa, học sinh dân tộc thiểu số. Ảnh: Hồ Lài

Sắp xếp mạng lưới trường lớp hiệu quả, phù hợp

Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An vừa có buổi làm việc với Sở GD&ĐT Nghệ An về quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Nội dung làm việc đặt trong bối cảnh khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 1.507 trường phổ thông và mầm non (trong đó có 84 trường ngoài công lập, tăng 6 trường so với năm học 2020-2021); có 19 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX); 1 trung tâm GDTX - hướng nghiệp; 1 trung tâm GDTX tỉnh; 412 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã. Có 6 trường đại học và 35 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

quy-hoach-truong-lop-nghe-an.jpg
Trong 5 năm, Nghệ An tăng 8 trường ngoài công lập, góp phần giảm áp lực cho trường công lập. Ảnh: Hồ Lài

Trong giai đoạn năm học 2020-2021 và 2024-2025, Nghệ An đã sáp nhập, giảm 31 trường công lập; 200 điểm trường công lập mầm non và phổ thông; giảm 1 trung tâm tỉnh; giảm 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An vào Trường đại học Kinh tế Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, dù đã có nhiều nỗ lực sắp xếp, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn nhiều điểm trường lẻ bậc mầm non và tiểu học. Mạng lưới trường lớp manh mún sẽ ảnh hưởng đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và môi trường giáo dục hạn chế, nhất là ở vùng cao. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là môn tiếng Anh, tin học theo đó gặp nhiều hạn chế…

Bám sát chủ trương của trung ương và địa phương

Theo các thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An, việc quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp cần tính đến yếu tố đặc thù của giáo dục. Cụ thể, việc sắp xếp, giảm trường công lập, điểm trường lẻ có tác động, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận giáo dục của người học ở vùng sâu, vùng xa cũng như việc đáp ứng về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần định hướng quy hoạch, sắp xếp để khắc phục tình trạng chồng chéo trong đào tạo, phân tán về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên… Qua đó nâng cao số lượng, chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh và cả nước…

quy-hoach-truong-lop-nghe-an-2.jpg
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Trù (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Các thành viên đoàn giám sát cũng quan tâm đến phương án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo như thế nào khi tỉnh thực hiện chính quyền 2 cấp, bỏ đơn vị hành chính cấp huyện.

Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng cơ sở vật chất các trụ sở xã khi thực hiện sáp nhập, có thể chuyển đổi công năng làm nhà công vụ giáo viên, nhà bán trú cho học sinh….

Ông Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đề nghị, trong thời gian tới ngành giáo dục tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp học hệ thống trường phổ thông và mầm non, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Trên cơ sở bám sát các quy hoạch và chủ trương của Trung ương, của tỉnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp cần huy động tối đa các nguồn lực từ chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Nghệ An. Đồng thời, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hoá, nhằm hiện thực hoá các quy hoạch theo hướng lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm…

Theo Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT cần tiếp tục rà soát các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh liên quan đến giáo dục - đào tạo để tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển giáo dục - đào tạo. Đặc biệt quan tâm việc nhân rộng các mô hình trường nội trú, bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ