Thị xã Cửa Lò, Nghệ An hiện đang triển khai dạy học trực tuyến do trên địa bàn tiếp tục ghi nhận các bệnh nhân Covid-19 mới. Tất cả trường học đang tạm dừng hoạt động.
Trước dự báo thời tiết bão số 8 đổ bộ vào Nghệ An, Phòng GD&ĐT thị xã đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục chủ động rà soát cơ sở vật chất. Cắt tỉa cây xanh tránh nguy cơ gãy đổ. Chằng níu, khóa cửa sổ và cửa phòng học; di chuyển máy tính, thiết bị dạy học đến nơi an toàn, tránh hư hỏng, thiệt hại do mưa gió.
“Về vấn đề dạy học, giáo viên vẫn đang tích cực hỗ trợ học sinh đảm bảo chương trình năm học theo kế hoạch. Cửa Lò có thuận lợi là 100% học sinh có thiết bị dạy học trực tuyến. Vì vậy, dù vất vả hơn so với dạy học trực tiếp, nhưng các em vẫn tiếp nhận kiến thức cơ bản đầy đủ”, ông Phùng Đức Nhân – Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò cho hay.
Tại huyện Diễn Châu, việc dạy học trực tiếp đang được triển khai bình thường ở cả 3 cấp phổ thông. Thầy Hồ Trường Sơn – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 4 cho biết: “Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, chúng tôi chủ động theo dõi diễn biến thời tiết. Nếu mưa to, gió lớn, không đảm bảo an toàn, nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ học. Hiện trời có mưa nhỏ, nên chúng tôi vẫn tiếp tục tranh thủ thời gian vàng dạy học”.
Trong khi đó, tại huyện Kỳ Sơn, thời tiết chưa có mưa. Tuy nhiên, ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, hiện đang là mùa mưa ở miền núi, nên Phòng đã sớm chỉ đạo các trường sẵn sàng biện pháp phòng chống mưa lũ, sạt lở. Trong đó, có một số địa bàn dọc sông, thường xuyên xảy ra lũ quét các năm trước như: Mường Típ, Mường Ải cần chuẩn bị thêm phương án sơ tán học sinh.
“Một thuận lợi của Kỳ Sơn là hầu hết trường tiểu học, THCS đã tổ chức bán trú cho học sinh bản lẻ. Vì vậy, không còn tình trạng học sinh phải đi xa, vượt sông suối đến trường. Các em sẽ ở trường từ thứ 2 đến thứ 6 và về nhà vào cuối tuần. Nhưng thời điểm này, dự báo ảnh hưởng của bão số 8, Phòng yêu cầu các trường giữ học sinh bán trú, nội trú ở lại, chưa cho về nhà nếu chưa đảm bảo an toàn”, ông Phan Văn Thiết nói.
Ứng phó với diễn biến của bão trong bối cảnh dịch Covid19 đang diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã có văn bản yêu cầu Trưởng phòng GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chủ động biện pháp phòng chống.
Cụ thể, chủ động phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, công trình trường học trong trường hợp xẩy ra bão mạnh, mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, bão để có các giải pháp ứng phó kịp thời; triển khai lực lượng xung kích, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Giữ mối liên hệ thường xuyên với ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, yêu cầu lực lượng cứu hộ địa phương hỗ trợ khi cần thiết
Chủ động di dời máy móc, thiết bị dạy học, sách vở, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi an toàn, đặc biệt là các khu vực thấp trũng, khu vực thường xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất..., hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian mưa bão, duy trì thông tin liên lạc, thông báo ứng cứu kịp thời. Chủ động cho học sinh nghỉ học tùy theo diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.
Đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, trong trường hợp có học sinh ở lại tại trường thì phải quản lý chặt chẽ học sinh, tuyệt đối không để học sinh tự ý ra khỏi khu vực trường trong mưa bão.
Đối với các trường thuộc hạ lưu thủy điện cần sẵn sàng các phương án ứng phó trong các trường hợp nhà máy Thủy điện xả lũ, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống
Tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em khi học sinh ở nhà, không di chuyển đến nơi nguy hiểm, qua cầu tràn, sông suối vớt củi, bắt cá khi mưa lũ.
Các trường kịp thời báo cáo cụ thể về số lượng, mức độ thiệt hại về các cấp có thẩm quyền. Trong trường hợp khẩn cấp, cần báo cáo nhanh bằng mọi cách cho cơ quan cấp trên để được hướng dẫn xử lý. Sau bão, tổ chức dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, bảo đảm các điều kiện để tổ chức các hoạt động của nhà trường.