Nghệ An: 4 năm chờ tái định cư

GD&TĐ - Là dự án cấp bách, tuy nhiên sau 4 năm, khu tái định cư cho 17 hộ dân bị ảnh hưởng do thủy điện xả lũ (tại huyện Tương Dương, Nghệ An) vẫn chưa hoàn thành. Nhiều gia đình không đủ kiên nhẫn phải tự đi tìm nơi ở mới.

Gia đình ông Tạo là hộ đầu tiên và duy nhất lên xây nhà tại khu tái định cư.
Gia đình ông Tạo là hộ đầu tiên và duy nhất lên xây nhà tại khu tái định cư.

“Sống mòn” bên dòng Nậm Nơn

Tương Dương là huyện miền núi có nhiều công trình thủy điện nhất tỉnh Nghệ An với 5 nhà máy đang hoạt động. Cuối tháng 8/2018, một trận mưa lũ lớn đã xảy ra tại đây. Nước từ thượng nguồn sông Nậm Nơn đổ về nhiều khiến nhà máy thủy điện Bản Vẽ phải xả lũ với lưu lượng lớn, lên tới 4.200 m3/giây.

Mưa lũ cộng với thủy điện xả nước đã gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Nậm Nơn, cuốn trôi nhiều nhà cửa của người dân các bản Minh Phương, bản Xốp Mạt (thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương). Không còn nhà, nhiều gia đình phải dựng lều lán để ở tạm. Một số khác phải đi ở nhờ nhà người thân.

Trước thực trạng cấp bách, năm 2019, UBND huyện Tương Dương đã lập đề án xây dựng khu tái định cư cho 17 hộ dân bị ngập lụt, sạt lở đất xã Lượng Minh với kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng. Khu tái định cư mới có diện tích rộng khoảng 14.000m2, nằm bên sườn một ngọn núi ở bản Minh Phương.

Đến giữa năm 2020, khu tái định cư cơ bản được hoàn thành, UBND xã Lượng Minh đã tổ chức cho người dân bốc thăm chọn vị trí. Tuy nhiên, do khu tái định cư nằm bên sườn núi nên chỉ sau vài trận mưa lớn bờ kè mái taluy phía trên bị nứt, sạt lở.

Lo ngại tình trạng sạt lở có thể tái diễn, UBND huyện Tương Dương yêu cầu người dân tạm thời chưa dựng nhà để cơ quan chức năng có thời gian thăm dò địa chất, đánh giá mức độ sạt lở của mái taluy và nền đất.

Qua thăm dò cho thấy, các vết nứt chỉ nằm ở khu vực bề mặt không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của công trình. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tương Dương sẽ tiến hành sửa chữa, gia cố mái taluy để người dân yên tâm đến dựng nhà.

Ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - cho biết, địa phương có diện tích rất lớn nhưng quỹ đất có thể làm được nhà lại rất eo hẹp. Chính vì thế, khi có chủ trương xây dựng khu tái định cư nhiều gia đình bị mất nhà cửa trước đó rất đồng tình và vui mừng.

Theo ông Phúc, năm 2020, do ảnh hưởng của mưa bão, khu tái định cư sắp hoàn thiện thì bắt đầu xuất hiện các vết nứt, sụt lún mái taluy dương. Ngay sau đó, UBND xã Lượng Minh đã báo cáo sự việc với cấp trên, đồng thời yêu cầu các hộ tạm dừng việc vào ở khu tái định cư, chờ kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Điều đáng nói, mặc dù là dự án cấp bách nhưng do thời gian quá lâu nên 11/17 hộ gia đình quyết định không chờ đợi khu tái định cư nữa mà tự tìm nơi ở mới. Còn 6 hộ không tìm được nơi ở nào khác đành chấp nhận vào tái định cư.

“Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tương Dương mới đây có thông báo, kết quả kiểm tra cho thấy khu tái định cư vẫn đảm bảo an toàn, người dân có thể yên tâm lên dựng nhà. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 6 hộ lên đó, họ đang chờ phía huyện sửa chữa lại các hạng mục rồi sẽ vào ở”, ông Phúc chia sẻ.

Vợ chồng ông Tạo chuyển đồ đạc lên nhà mới ở khu tái định cư.

Vợ chồng ông Tạo chuyển đồ đạc lên nhà mới ở khu tái định cư.

Mong mỏi sớm ổn định cuộc sống

Cùng vợ mang đồ đạc lên nhà mới, ông Lô Văn Tạo (SN 1954, trú bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh) cho biết, sau khi bốc thăm chia đất tại khu tái định cư, gia đình ông đã vay mượn tiền bạc của người thân lên đây xây nhà kiên cố.

Theo ông Tạo, mặc dù nhà xây xong trước Tết nhưng vì chờ huyện Tương Dương kết luận tình trạng sạt lở nên gia đình ông tiếp tục ra túp lều dựng tạm bên bờ sông Nậm Nơn để ở. Đầu năm 2022, khi cán bộ huyện thông báo khu tái định cư đã an toàn thì vợ chồng ông Tạo mới dám chuyển đồ đạc lên nhà mới.

“Trước đây, khu tái định cư chia cho 17 hộ nên diện tích đất của mỗi hộ rất nhỏ, chỉ vừa dựng căn nhà 3 gian. Tuy nhiên, sau khi chỉ còn 6 hộ thì diện tích đất được tăng lên, gia đình tôi cũng có thêm không gian để chăn nuôi con gà, con vịt. Hiện tại ở đây mới có một mình gia đình tôi lên dựng nhà, lại nằm tách biệt với bản làng nên cũng rất buồn”, ông Tạo nói thêm.

Cùng nằm trong diện được chia đất tại khu tái định cư, tuy nhiên sau 4 năm chờ đợi ròng rã, bà Lô Thị Tuyết (SN 1967, trú bản Minh Phương, xã Lượng Minh) quyết định tìm kiếm, thuê máy múc cải tạo một khoảng đất khác để dựng nhà. Ngoài lý do chờ đợi quá lâu, bà Tuyết còn lo lắng tình trạng sạt lở sẽ tái diễn nên đã không nhận đất.

“Chờ tái định cư quá lâu nên gia đình tôi phải đi tìm nơi ở mới. Đến nay, chúng tôi đã 3 lần chuyển nhà, trâu bò bán hết và phải vay mượn tiền để làm nhà. Mong rằng Nhà nước, chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân phần nào để cuộc sống ổn định trở lại”, bà Tuyết tâm sự.

Ông Nguyễn Trung Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Tương Dương - cho biết, hiện nay tại xã Lượng Minh, UBND huyện đang bố trí xây dựng 2 khu tái định cư.

Khu thứ nhất được xây dựng ở bản Minh Phương để bố trí cho 17 hộ dân nhưng sau khi công trình hoàn thành thì xảy ra hiện tượng sụt lún, xuất hiện các vết nứt nên chưa thể bố trí cho người dân vào ở.

Vừa qua, UBND huyện Tương Dương đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát mức độ sạt lở, độ cứng nền đất tại khu tái định cư. Kết quả kiểm tra cho thấy các vết nứt chỉ nằm ở khu vực bề mặt không ảnh hưởng đến mức độ an toàn của công trình nên thời gian tới Ban Quản lý Dự án sẽ sửa chữa và đưa các hộ vào tái định cư.

Theo ông Sơn, khu vực tái định cư thứ hai được xây dựng năm 2019 tại bản Lạ để bố trí cho 34 hộ bị ảnh hưởng sạt lở ven sông Nậm Nơn. Hiện tại, công trình đã hoàn thành nhưng UBND xã đã bổ sung thêm 12 hộ vào tái định cư nên diện tích bình quân cho mỗi hộ xây nhà chỉ khoảng 200m2.

“Do diện tích đất nhỏ nên các hộ dân đang kiến nghị chính quyền địa phương mở rộng diện tích. Một trong những khó khăn lớn của các dự án này là nguồn vốn bố trí còn ít. Dù hai dự án đã gần như hoàn thành nhưng vốn chỉ mới bố trí được khoảng 50%”, ông Sơn thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.