UBND tỉnh Nghệ An vừa có Báo cáo số 296/BC-UBND sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến họat động “tín dụng đen”.
Theo báo cáo, trong thời gian qua tại tỉnh Nghệ An có nhiều ổ nhóm tội phạm hoạt động tín dụng đen được triệt phá; nhiều vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh.
Qua hình thức phát giác tội phạm, quần chúng nhân dân đã cung cấp hơn 860 tin báo cho cơ quan điều tra. Qua đó, lực lượng chức năng đã giải quyết 470 vụ tại cơ sở, làm rõ 290 vụ, 530 đối tượng vi phạm liên quan đến các hành vi cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, đòi nợ, xiết nợ… liên quan đến hoạt động vay tiền, cầm cố tài sản.
Theo đánh giá, tỷ lệ điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cao.
Từ ngày 15/4/2019 đến giữa tháng 4/2022, cơ quan chức năng Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 121 vụ, 227 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử lý hành chính 21 vụ, 23 đối tượng.
Bên cạnh đó, bắt khởi tố 5 vụ, 6 bị can về các hành vi có liên quan đến tín dụng đen như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…
Kết thúc điều tra, cơ quan chức năng đã chuyển 109 vụ, 138 bị can đến Viện kiểm sát nhân dân các cấp để truy tố. Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 102 vụ, 184 bị can. Tòa án nhân dân thụ lý 112 vụ, 198 bị can (gồm cả án giai đoạn trước chuyển qua); đưa ra xét xử 107 vụ, 191 bị can.
Liên quan đến hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, đưa vốn đến tận tay người dân. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tín dụng tiện ích.
Theo đánh giá, trong thời gian tới, tình hình hoạt động tín dụng đen tại Nghệ An tiếp tục tiềm ẩn phức tạp; các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm đối phó, trốn tránh việc điều tra, xử lý của các lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh với tín dụng đen. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đa dạng hóa các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ vụ ngân hàng.
Cơ quan công an cần triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm tín dụng đen. Làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An đang kiến nghị Quốc hội đánh giá lại tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội này và nâng khung hình phạt đối với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đảm bảo tính phòng ngừa, răn đe của pháp luật.
Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp cho vay tiền không có cầm cố tài sản; có hướng dẫn rõ hơn về hoạt động tham gia phường, hụi.