Theo đó, Nghệ An có 17/21 huyện với 50% học sinh tiểu học và mầm non tham gia chương trình.
Đề án “Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015- 2016” được triển khai từ tháng 12/2015. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, qua gần 6 tháng thực hiện, đề án đã được triển khai tại 17/21 huyện, thành thị với sự tham gia của 215.851 học sinh (đạt 50% học sinh trong toàn tỉnh và 58,25% so với tổn số học sinh các huyện tham gia).
Kết quả kiểm tra sức khỏe cũng cho thấy ở các trường mầm non, suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm từ 1,16% đến 4,77% , suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm từ 0,32% đến 4,32%. Ở các trường tiểu học, suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi giảm từ 0,29% đến 4,45%; Suy dinh dưỡng chiều cao giảm từ 0,26% đến 3,6%. Tổng số tiền phụ huynh đóng góp mua sữa là hơn 53,8 tỷ đồng, phía Công ty TH hỗ trợ cho trẻ hơn 30,3 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã tổ chức 18 lớp tập huấn cho hơn 2.255 học viên là đội ngũ cốt cán của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cấp phát nhiều tài liệu về sữa học đường về các địa phương, nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh cũng như ý nghĩa, vai trò quan trọng của việc đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong độ tuổi học đường của các em học sinh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những khó khăn, bất cập cần khắc phục trong quá trình triển khai. Cụ thể, đó là vấn đề vận chuyển và bảo quản sữa; sự thiếu thống nhất giữa đơn vị cung cấp sữa và các nhà trường, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên chưa bố trí được kho, kệ sữa đạt chuẩn, phát sinh thêm công việc cho giáo viên, nhiều nơi điều kiện phụ huynh còn khó khăn nên khó nhân rộng.
Một số huyện nghèo như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương…chưa thực hiện được dù là huyện thí điểm và học sinh thuộc đối tượng hộ nghèo được trợ cấp là rất đông.
“Trong điều kiện kinh tế xã hội đặc thù như: đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của phụ huynh có một số hạn chế, địa hình xa xôi, cách trở, vì thể chương trình chậm, chưa triển khai được chứ không thể triển khai. Trong thời gian tới, huyện sẽ cố gắng để tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương tham gia đề án cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc chữ in hạn sử dụng sữa trên các sản phầm mờ, dễ xóa bỏ bằng tay. Đề nghị phía nhà máy sữa chú ý hơn về vấn đề này, nhằm tạo sự tin tưởng, yên tâm của nhân dân về chất lượng sản phẩm sữa.
Nghệ An tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện chương trình sữa học đường năm học 2015-2016 |
Ông Trịnh Hữu Thành - Phó CT UBND huyện Tân Kỳ - bày tỏ: Mặc dù không phải là huyện thí điểm chương trình sữa học đường, nhưng Tân Kỳ là một huyện miền núi, còn nhiều trẻ em suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao. Vì vậy, Tân Kỳ đã đề xuất với Sở GD&ĐT để được triển khai chương trình sữa học đường.
Tuy nhiên, để chương trình được triển khai tốt, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh, tỉnh cần quản lý sữa trôi nổi trên thị trường, đảm bảo sữa chất lượng đến với học sinh. Trích ngân sách mua sắm một số vật dụng để bảo quãn sửa.
Ngoài ra, không cần tính 100% học sinh trong lớp đăng ký tham gia, mà chỉ cần đảm bảo gần 2/3 học sinh là có thể triển khai, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh có nhu cầu.
Ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo đề án - khẳng định sau 1 năm thực hiện, chương trình Sữa học đường đã đạt được nhiều kết quả vượt qua sự mong đợi.
Quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, thời gian tới, để chương trình được triển khai hiệu quả, ông Lê Minh Thông yêu cầu các đơn vị và công ty cung ứng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông. Có chính sách khuyến khích giúp đỡ các gia đình thuộc diện khó khăn, hộ nghèo đông con.
Đồng thời, đề nghị phía TH cũng như các đơn vị cung ứng sữa cần có trách nhiệm hợp tác để giải quyết các vấn đề phát sinh. Ban chỉ đạo giao các cơ quan, sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch đề án mang tính lâu dài đến năm 2020.