Bà Thìn gọi Hoài ra nhà ngoài, vừa vuốt mấy sợi tóc xõa xuống mặt con, bà vừa nói:
- Năm nay cậu mợ cho con về quê nghỉ Hè.
Nghĩ đến Nga con bác Ninh, bạn thân của Hoài cả một thời thơ ấu, Hoài hỏi:
- Nga con bác Ninh có về không ạ?
Bà Thìn mỉm cười hiền hậu, nhìn con:
- Hôm nọ bác có bàn với mợ. Nga sẽ về sau các con khoảng một tuần.
- Thế ạ.
Ông bà Thìn coi năm học là học và nghỉ Hè là nghỉ, hầu như chẳng bao giờ dùng nghỉ để học, vì ông bà cho rằng không phải cứ chúi đầu chúi mũi vào học là mọc cánh đại bàng bay thẳng lên đỉnh núi. Vì thế, mỗi năm ông bà xếp cho con cái nghỉ theo một cách có ích nhất, một cơ hội được tiếp cận với truyền thống, thiên nhiên và hoạt động.
Về quê. Gặp lại cái cổng làng, qua quán nước bà Hán, ao đình với cây si ngả nghiêng trên mặt nước, bụi tre bên con đường làng Hoài thấy lâng lâng. Cậu sốt ruột muốn đi tìm đủ mặt anh tài ngay tối hôm đó.
Chiều nay, Hoài lọ mọ ra cây ổi, chặt được một cái chạc, và lúi húi một lúc sau đã có được cái súng cao su. Hoài lang thang ra rặng tre cuối làng bắn chim sẻ, chim sâu, cũng trúng được vài ba con, nhưng khi nhặt con chim sẻ trúng đạn, thấy nó nằm ngoẹo đầu sang một bên, hai cánh rũ ra, hai chân co giãy, cậu rùng mình, bỗng dưng thấy mình tàn bạo quá. Hoài đốt ngay cái súng cao su và từ đó không bao giờ đi bắn chim nữa.
Theo lời ước hẹn với dăm đứa bạn trong làng, Hoài ra đình cùng chúng chạy đua và bơi. Hoài chơi thể thao nhưng vẫn bị chạy lẽo đẽo theo những bước chân rắn rỏi của trẻ làng; chỉ có khi bơi thì Hoài sải tay nhích hơn bọn chúng một sải.
Trong vòng chạy về đích, vừa nhảy qua cái bậc thấp ở cuối sân cỏ để vào sân gạch thì thấy Tăng ngã lăn ra sân. Nó chồm dậy chỉ vào mặt Lam:
- Mày nhé! Đồ đểu, ngáng chân tao.
- Nhảy qua bậc, tao bị loạng choạng chứ dạng chân bao giờ.
Hoài chạy đến can:
- Thôi, tao có cách. Không đánh nhau thế này, mấy hôm nữa mình chơi đấu vật theo lệ vật của làng, phân thắng thua.
Cả bọn đồng tình:
- Hay đấy! Chủ nhật nhé.
Bọn trẻ ra giữa sân nghỉ, mấy đứa tò mò hỏi Hoài về cách bơi mà cậu gọi là “la cơ-rôn” (la crawl).
***
Chiều Chủ nhật. Nắng Hè trải dài trên sân đình. Bọn trẻ tụ họp tạo “sới vật”. Sáu đứa xung phong vật, chia thành ba đôi, mỗi đôi đấu một keo. Đứa nào bị vật ngửa ra sàn cỏ là thua. Ngoài bọn con trai, con gái làng cũng ra cổ vũ, ông Thủ từ cũng chạy ra, nói:
- Ba đôi đấu hả. Ta có ba gói kẹo lạc dành cho ba đứa thắng.
Hoài mang theo chiếc trống khẩu, gõ carắc carắc tùng tùng tùng!
Keo thứ nhất: Lam-Tăng. Hoài đánh trống liên hồi, dừng trống, hô to: “Hòa!”
Keo thứ hai: Hào-Sinh. Carắc carắc tùng tùng tùng! Sinh thắng.
Keo thứ ba: Minh-Cao. Carắc carắc tùng tùng tùng! Cao thắng.
Kết thúc là bữa tiệc bánh kẹo cho cả đô vật lẫn khán giả. Tăng và Lam thôi không nhắc đến sự cố hôm chạy thi nữa. Không khí vui vẻ chìm vào nắng chiều.
Một tuần sau, Nga, tay cầm chùm hoa phượng vĩ, đi thẳng vào sân chào mọi người, vuốt tóc Thảo, bẹo má Cu. Hoài đến gần chưa kịp nói gì thì Nga đã quay mặt đi:
- Không quen.
Hoài biết ngay nên chỉ cười:
- Trước lạ sau quen... Tiếng ve kêu khắp làng gọi “em” với chùm hoa phượng vĩ về đấy.
Nga nguýt một cái thật dài:
- Phượng vĩ của cậu đâu mà nhận vơ. “Em” nào mà gọi? Bỏ về trước một tuần, hứa ra đón rồi tịt mít.
Nga quay ra giơ tay với cành bưởi, Hoài rón rén đến chọc nhẹ một cái vào nách, Nga rúm người lại cười, biết ngay đấy là cách giảng hòa của Hoài. Thế là “nàng” vừa lườm vừa tủm tỉm.
Có Nga về Hoài thấy vui hẳn lên, lại thêm chiếc đàn violin. Nga được bà Ninh cho học đàn, học hát từ nhỏ. Bà bảo con gái đàn hát để phát triển tâm hồn, xây dựng nếp sống dịu hiền chứ không phải để đi đàn đi hát mưu sinh. Thời này, nghề ca hát bị coi là xướng ca vô loài.
Mấy hôm sau, Hoài rủ Nga và Ngà ra lũy tre cuối làng chơi. Bọn trẻ Hà Nội có mấy khi được ngắm nhìn đồng lúa mênh mông đâu, chỉ nghe thấy trong các bài giảng văn.
Nga đứng lại thú vị nghe con chào mào ở đâu đến hót một bài trọn vẹn. Quét quẹt ét ét ẹt ét ẹt ét ét ét.... Nga thích vẻ đẹp hiền dịu của chim chào mào và cái giai điệu đơn giản, cái giọng trong trẻo của nó. Hót xong, con chào mào tung cánh bay đi. Tiếng hót cuối cùng của nó đã vang xa xa mà Nga còn đứng im nhìn theo như tiếc nuối giai điệu của thiên nhiên.
Ngà thì bò ra đất nhặt mấy lá tre to, dài, nguyên vẹn để tết con châu chấu. Bỗng mấy anh em thấy anh Sùng đi đến, tay cầm chiếc sáo trúc. Hoài hồ hởi chạy đến:
- Anh Sùng. Thổi sáo đi. Em thích bài “Chiều quê” anh thổi lắm.
Tiếng sáo vút lên làm cho buổi chiều quê đã êm đềm lại càng mênh mang một lòng thương nhớ. Dường như chỉ khi tiếng sáo rung lên bên rặng tre rì rào hay bên hè che phên liếp hay bay bổng cùng con diều, tiếng vút lên du dương của nó mới đượm tình quê.
Nga chạy vội về lấy cây đàn, và chỉ nghe anh Sùng thổi sáo vài lần là tiếng đàn vĩ cầm của cô đã vút lên giai điệu “Chiều quê”. Quả là cái tai cảm âm của Nga thật tuyệt vời!
Trưa hôm sau, bọn trẻ làng rủ bọn Hoài đi bắt cua vì buổi trưa nắng gắt cua dạt vào tránh nóng trong hang hốc rìa cỏ bờ ruộng. Một bạn gái đã dạy anh em Hoài cách tìm và bắt cua, nhưng chỉ mươi phút sau đã thấy Ngà rú lên, kêu rầm rĩ, tay giơ cao rũ rũ. Con cua không chịu nhả ra mà cứ kiên trì đánh đu trên ngón cái của Ngà. Bọn trẻ cười rũ ra, nói:
- Thường ơi, mày quên không dạy Ngà bài tránh cua cắp mất rồi!
Về nhà, chị Yên dỗ dành là tối nay chị sẽ nấu canh cua cho ăn, không phải dang nắng thế đâu. Nhưng chị Yên đâu có biết bọn trẻ đi bắt cua có phải vì thèm ăn canh cua đâu!
***
Nắng sớm mai dìu dịu, mọi người tỏa ra vườn, ra ruộng, khi Mặt trời lên bằng con sào thì rục rịch trở về, rồi chẳng mấy chốc nắng vàng bắt đầu đổ dài trên ao làng lấy đi cảm giác oi bức. Ngày Hè cứ thế trôi đi êm đềm. Nga và Ngà rủ nhau đi chơi khắp làng.
Một hôm, chúng vào nhà chị Xuân ở cuối làng, thấy chị đang cặm cụi thêu. Hai bé lân la hỏi xin học thêu. Mấy cô gái Hà Nội đan và khâu vá rất thạo nhưng thêu thì còn à uôm lắm. Bà Thìn và bà Ninh về tiếp tế cũng muốn cho hai con học thêu nên sang nhà chị Xuân gửi gắm. Thế là từ hôm đó, hai đứa chẳng mặn mà gì với những buổi tối kể chuyện của Hoài nữa, cậu chuyển sang kể chuyện cho trẻ làng trên sân đình.
Hấp dẫn nhất là chuyện “Tazan, Người rừng”, nào là đu dây, nào là vật nhau với cá sấu, với sư tử. Hết Tazan lại đến chuyện người hùng Zorro cưỡi ngựa quăng dây bắt cướp. Từ đó, bọn trẻ nghĩ ra đủ trò bắt chước Tazan, ném một thân chuối xuống ao, đánh đu trên cây si, nhảy ùm xuống ao vật lộn với cây chuối như thể đang đánh nhau với cá sấu làm nước đục ngầu. Nhưng rồi cụ Thủ từ nhắc nhở:
- Các cháu làm vẩn đục cả ao đình. Chơi nhẹ nhàng thôi. Đây là nơi thờ cúng thiêng liêng mà,
các cháu.
Từ hôm đó bọn trẻ chuyển sang bắt chước Zorro, cưỡi trâu, lấy roi vút vào mông nó cho nó phi trên cánh đồng cỏ.
Đêm đến, bọn trẻ lăn vào các bụi cây bắt đom đóm, mỗi hôm một trò chơi mới với cái đốm lập lòe ấy.
Một hôm Hoài chợt nhớ đến con rùa, nhắn mẹ gửi về quê cho cậu, thu hút bọn trẻ ra đình. Ông Thủ từ cũng ra ngồi chơi hóng gió, xem rùa cùng bọn trẻ. “Khách mới” to bằng cái mũ nồi. Một anh bạn tò mò:
- Ở Hà Nội, cậu nuôi nó ở đâu?
- Tớ định thả vào bể cá, nhưng ông tớ bảo nó ăn hết cá vàng cảnh của ông. Thế là nó phải bò ngoài sân vậy. Ông ơi, cháu muốn thả con rùa này xuống ao đình có được không ạ?
- Ừ, ... nhưng nó sẽ đi mất đấy.
- Cháu nghĩ, cứ thả, ông ạ. Có cá, ốc, tép dưới ao, nó no là không đi đâu đâu, ông ạ.
Chơi một lúc, Hoài mang rùa ra ao thả. Nó vừa bơi ra một quãng, một chú bé nhảy ùm xuống bơi theo, rồi lặn theo chú rùa. Mươi giây sau cậu nổi lên, vừa vuốt nước trên mặt vừa nói to:
- Nó lặn rồi, nước đục quá không trông rõ.
Thế là một sinh mạng được trở về với tự nhiên. Hoài vẫy tay nói với con rùa:
- Hè sau tớ về thăm cậu nhé.
Về đến nhà, Hoài thấy Nga, Ngà và ba cô bé hàng xóm vẫn đang nhảy dây ở sân. Mấy bé gái làng nhảy dẻo, mềm mại, nhịp nhàng, mắt nhìn thẳng, hai tay vung ra hoặc túm vạt áo, thỉnh thoảng lại co một chân lên nghiêng người, ngoẹo đầu mà nhảy, miệng cười tươi; còn hai bé nhà ta nhảy cứng đơ, mắt cứ đăm đăm nhìn cái dây đang quay chỉ sợ bị nó quấn vào chân. Thế mới biết chuyện gì cũng dễ mà cũng khó nếu muốn đạt đến sự điêu luyện.
Đưa chú rùa về với đất mẹ của nó, đêm đó Hoài ngủ một giấc ngon lành bỗng nghe tiếng gió ào ào thổi, mở mắt ra trời đã tờ mờ sáng. Những hạt mưa to và nặng rơi xuống mái nhà, xuống sân mỗi lúc một mau hơn, thỉnh thoảng lại thấy chớp rạch chéo xuống cây bưởi.
Nhìn ra ngoài, Hoài thấy gió và mưa dìm cong mấy cành cây bưởi nhưng hình như không định hủy diệt nó mà chỉ rửa cho nó sạch sẽ, tươi tắn hơn.
Cơn mưa cuối mùa. Trời sáng rõ, Hoài ra Đình, ngồi bên bờ ao đầy ắp nước, mấy chú chuồn chuồn bay rồi đậu rung rinh trên ngọn cỏ, vài bông hoa dại rụng xuống mặt nước đang trôi lờ đờ. Hoài lẩm bẩm: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa. Bay cao thì nắng bay vừa thì râm”. Kiểu này chắc còn mưa đây.
Một chú bói cá đậu trên cành cây si, nghếch mỏ lên trời như vô tư với đám cá dưới ao. Nó giả vờ đấy, chú cá nào ngo ngoe vẫy vùng mà xem! Bỗng Hoài giật mình thấy chú ếch nhảy vọt lên nằm gọn trên đùi, và một chú châu chấu đậu trên đầu gối lúc nào không biết. Hoài thấy vương vấn với mùa Hè, vì sắp trở về thành phố tiếp tục cuộc sống thường nhật quen thuộc.
Năm nay cũng là năm Hoài giã từ thời thơ ấu. Ông bà Thìn không thấy tài năng xuất chúng gì ở các con nên cũng cứ để anh em Hoài được giáo dục một cách tự nhiên. Cứ như thế cả một thời thơ ấu đã đưa Hoài vào thế giới của những con người tử tế, vào vòng đạo lý nhân sinh, biết sống bình thản, khoan dung, đam mê lành mạnh và cứ như thế lớn dần lên trên đường đời.