Trải qua hai cuộc kháng chiến hơn thế kỷ, cộng với sự phát triển kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế… việc chọn ngày, giờ tốt để làm công việc cũng có những biến đổi theo xu hướng vừa giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa hội nhập quốc tế. Nhưng cũng có một bộ phận nhỏ còn quá câu nệ vào yếu tố văn hóa tâm linh.
Đầu Xuân, thử bàn về chuyện xem ngày xuất hành, khai trương… như là sự gởi gắm niềm tin vào tương lai, có kiêng có lành. Nhưng Phan Kế Bính cách nay đúng một thế kỷ đã viết rằng: “Ngày nào cũng là ngày trời!”.
Coi ngày trong văn hóa Việt Nam
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính (viết năm 1915), những việc sau đây, người Việt đều xem ngày, chọn giờ: cưới xin, làm nhà, xuất hành, khai trương cửa hàng, gieo mạ, cấy lúa, tế tự, thương biểu, nhập học, xuất quân, an táng… Đặc biệt đầu năm, sau Tết Nguyên Đán, động thổ, xuất hành, khai ấn, khai trương, khai bút… có ý nghĩa quan trọng nên càng phải chọn kỹ ngày giờ.
Thời nhà Nguyễn, lịch không bán như hiện nay, chỉ có nhà quyền quý mới có lịch. Lịch phải do Tòa Khâm thiên giám soạn ra. Ngày Mùng 1, tháng Chạp âm lịch, vua thiết triều để ban lịch đi các nơi. Từ quan tứ phẩm trở lên, lịch có dấu ấn Kim Bảo, còn ngũ phẩm trở xuống lịch có dấu Giám. Dân gian lấy lịch có dấu Giám sao ra mà dùng.
Ngày giờ tốt xấu căn cứ vào các sao, trực. Ngày nào có các sao tốt như: Thiên Đức, Nguyệt Đức, Thiên Ân, Thiên Hỉ hoặc các trực Khai, Kiến, Bình, Mãn, Thành… là ngày tốt. Những ngày có các sao: Trùng Tang, Trùng Cửu, Thiên Hình, Nguyệt Phá… hoặc các trực Phá, Nguy… là ngày xấu.
Ngoài ra, mỗi tháng có 3 ngày “nguyệt kỵ” là: “Mùng năm, mười bốn, hăm ba/ Đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn”.
Điều đặc biệt là 5=1+4=2+3. Con số 5 trong Hà Đồ tượng trưng cho trời đất, là số kiêng kỵ với con người.
Tuy nhiên, dân gian Đồng bằng sông Cửu Long không hề biết Lạc Thư, Hà Đồ là gì, chỉ biết ngày mùng 5 là ngày đỉnh triều cao nhất trong tháng, ngày 14 là ngày con nước ương, còn ngày 23 là ngày đỉnh triều thấp nhất trong tháng. Ở vùng sông nước, phương tiện giao thông thủy là chủ đạo, nếu không nắm quy luật thủy triều thì tàu, thuyền, xuồng, ghe… dễ mắc cạn hoặc kẹt cầu.
Theo những bộ lịch triều Nguyễn, mỗi năm có 13 ngày “Dương công kỵ nhật” theo âm lịch: 13 tháng Giêng, 12/2, 9/3, 7/4, 5/5, 3/6, 8 và 29/7, 27/8, 25/9, 23/10 21/11 và 19 tháng Chạp… làm việc gì ngày ấy không thành.
Ảnh hưởng văn hóa dân gian Trung Hoa còn có ngày Tam Nương, gồm ngày mùng 3, mùng 7, 13, 18, 22, và 27 trong mỗi tháng Âm lịch. Trong lịch sử Cổ đại Trung Hoa có ba người đẹp làm ba ông vua mất nước: Muội Hỉ mê hoặc vua Kiệt (tức Lý Quý, cai trị? - 1600 TCN), làm sụp đổ nhà Hạ; Đát Kỷ (người Việt quen gọi Đắc Kỷ) mê hoặc vua Trụ (tức Đế Tân, cai trị khoảng 1154 TCN - 1066 TCN), làm sụp đổ nhà Thương; Bao Tự (?-771 TCN) mê hoặc vua U (tức Cơ Cung Niết, cai trị 781 TCN – 771 TCN), làm sụp đổ nhà Tây Chu.
Dân gian truyền rằng vào các ngày nêu trên, “tam nương” xuất hiện trần gian mê hoặc thanh niên, nên làm việc khó thành công. Tín ngưỡng này chủ yếu xuất hiện nơi cư dân người Hoa ở Nam Bộ rồi truyền sang một bộ phận người Việt. Hiện nay đa phần dân Nam Bộ gần như quên đi những ngày này.
Xuất hành ngày Xuân (Ảnh minh họa/Internet) |
Cách tính ngày trực
Thập niên 50 - 60 - 70 của thế kỷ trước, ở miền Nam, bộ lịch bằng chữ Quốc ngữ có ảnh hưởng nhất là lịch Tam Tông Miếu, có ghi ngày trực, có cột nên và cữ.
Đó là bộ lịch kế thừa lịch nhà Nguyễn. Chúng ta cứ tưởng âm lịch được tính theo chu kỳ của Mặt trăng nhưng không hẳn như vậy. Ngày trực chính là cách tính ngày theo chu kỳ Mặt trời (tức dương lịch).
Thời cổ đại, trực dùng để chỉ tên cho 12 tháng âm lịch, về sau chuyển hóa dùng để chỉ ngày tốt hay xấu. Một năm có 24 khí tiết, tương ứng với các ngày trong năm dương lịch như sau:
Lập xuân vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 (năm nhuận dương lịch sẽ tính sớm một ngày); Vũ thủy vào ngày 20 tháng 2; Kinh trập vào ngày 6 hoặc 7 tháng 3; Xuân phân vào ngày 21 hoặc 22 tháng 3;
Thanh minh vào ngày 5 hoặc 6 tháng 4; Cốc vũ vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4; Lập hạ vào ngày 6 hoặc 7 tháng 5; Tiểu mãn vào ngày 21 hoặc 22 tháng 5; Mang chủng vào ngày 6 hoặc 7 tháng 6;
Hạ chí vào ngày 21 hoặc 22 tháng 6; Tiểu thử vào ngày 7 hoặc 8 tháng 7; Đại thử vào ngày 23 hoặc 24 tháng 7; Lập thu vào ngày 8 hoặc 9 tháng 8; Xử thử vào ngày 23 hoặc 24 tháng 8;
Bạch lộ vào ngày 8 hoặc 9 tháng 9; Thu phân vào ngày 23 hoặc 24 tháng 9; Hàn lộ vào ngày 8 hoặc 9 tháng 10; Sương giáng vào ngày 23 hoặc 24 tháng 10; Lập đông vào ngày 8 hoặc 9 tháng 11;
Tiểu tuyết vào ngày 22 hoặc 23 tháng 11; Đại tuyết vào ngày 7 hoặc 8 tháng 12; Đông chí vào ngày 22 hoặc 23 tháng 12; Tiểu hàn vào ngày 6 hoặc 7 tháng 1; Đại hàn vào ngày 20 hoặc 21 tháng 1. Đây là cách tính tiết dựa vào dương lịch hiện đại.
12 trực theo trình tự như sau: Kiến (tốt), Trừ (thường), Mãn (tốt), Bình (tốt), Định (tốt), Chấp (thường), Phá (xấu), Nguy (xấu), Thành (tốt), Thâu (thường), Khai (tốt), Bế (xấu). Cách xác định trực cụ thể như sau:
Sau Lập xuân, Trực Kiến bắt đầu từ ngày Dần
Sau Kinh trập, Trực Kiến tại Mão
Sau Thanh minh, Trực Kiến tại Thìn
Sau Lập hạ, Trực Kiến tại Tị
Sau Mang chủng, Trực Kiến tại Ngọ
Sau Tiểu thử, Trực Kiến tại Mùi
Sau Lập thu, Trực Kiến tại Thân
Sau Bạch lộ, Trực Kiến tại Dậu
Sau Lập đông, Trực Kiến tại Tuất
Sau Đại tuyết, Trực Kiến tại Tý
Sau Tiểu hàn, Trực Kiến tại Sửu
Người Trung Hoa cổ đại nhìn vào sao Bắc đẩu để tính 24 tiết. Vào Tiết lập xuân, lúc hoàng hôn chập tối, Diêu quang tinh tức Bắc đẩu, trong chòm sao Đại hùng có hình cán gáo - chỉ vào hướng Đông Bắc hợp với cung Dần, nên tháng Giêng lập xuân gọi là Kiến Dần, tức trực Kiến vào ngày Dần.
Tiết Kinh Trập tháng 2, sao cán gáo cũng đúng lúc hoàng hôn chỉ hướng Chính Đông hợp với cung Mão nên gọi tháng 2 Kiến Mão, Trực Kiến vào những ngày Mão. Tiết Thanh Minh tháng 3, sao cán gáo chỉ hướng Đông Nam hợp cung Thìn nên gọi tháng 3 Kiến Thìn, Trực Kiến vào những ngày Thìn, lần lượt quay vòng như vậy, sau 12 tháng trở lại tháng giêng Kiến Dần.
Cách tính ngày trực theo cách này đơn giản là tháng Dần (tháng Giêng âm lịch) trực Kiến bắt đầu từ ngày Dần. Tháng 3 là tháng Mẹo, trực Kiến bắt đầu từ ngày Mẹo… nên mỗi tháng có hiện tượng hai ngày liên tiếp cùng một trực, gọi là ngày Trùng Kiến.
Chính hai cách tính này mà nhiều bộ lịch đang lưu hành năm 2014 ghi ngày trực không thống nhất.
Trong 12 trực, ngày xấu nhất thuộc trực Nguy, trực Phá.
Trong dân gian Việt Nam, nhất là khu vực Nam Bộ thế kỷ XX, còn áp dụng trực trong xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc.
Nhà ở có cột, kèo, trên kèo thả đòn tay, trên đòn tay thả rui, mè để lợp ngói, tôn, lá… Có một qui luật mà dân gian áp dụng khá nghiêm ngặt trong xây nhà ở: đòn tay phải theo trực.
Số cây đòn tay ở mái nhà trước (không tính cây đòn dông chịu hai mái nhà nằm ở vị trí nóc nhà) từ cột cái đến cột hàng nhì phải có số lượng: 4 cây (trực Bình), 5 (trực Định), 9 (trực Thành). Nếu cất nhà kho thì phải 10 cây đòn tay (trực thâu). Đình, miếu… phải 11 cây (trực Khai), chùa 12 cây (trực Bế).
Ví dụ, phía sau Trường Dục Thanh (Phan Thiết) có một ngôi nhà thờ ghi bằng chữ Hán “Ngọa Du Sào” vốn là nơi thờ Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Ngôi nhà này có 10 cây đòn tay (trực Thâu) trước đây vốn là nhà kho chứa lưới được cải tạo lại.
Cất nhà kỵ nhất là 7 và 8 cây đòn tay, ứng vào trực Phá, trực Nguy. Đã từng có những căn nhà tình nghĩa cấp cho Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, nhưng mẹ chỉ ở sau hè, vì “các con” cất cho mẹ căn nhà trực Nguy, 8 cây đòn tay.
Ứng xử với văn hóa truyền thống
Những điều nêu trên, người viết điểm lại những tập quán truyền thống từ đời nhà Nguyễn trở về sau. Xem ngày tốt xấu chung cho cộng đồng theo những bộ lịch thời Nguyễn, bộ lịch Tam Tông Miếu, cộng với tín ngưỡng dân gian thì mỗi năm có tới trên 200 ngày xấu!?
Chưa kể việc coi ngày, giờ theo cung mạng từng người thì cả năm chưa chắc có mấy ngày tốt. Cứ chăm bẵm và việc chọn ngày giờ tốt thì chỉ có… chết đói!
Có thể nói ở Nam Bộ, không có chuyện coi ngày để cấy lúa, thu hoạch lúa. Bởi lẽ chế độ bán nhật triều chiếm ưu thế. Người Nam Bộ cũng rất chuộng âm lịch để ứng xử với thủy triều (con nước lớn, ròng) mọi lúc, mọi nơi. Gieo mạ, sạ lúa chọn con nước kém (mùng 9, mùng 10, 23, 24 âm lịch).
Cấy lúa vào con nước rong (15, 16, 17 hoặc mùng 1, 2, 3) để dễ làm đất. Còn lúa chín lúc nào “ngon hái” thì thu hoạch là có lợi nhất. Lúa chín ngay ngày Tết Nguyên đán cũng là điềm lành.
Cúng giỗ gia tiên, giỗ ông bà, cha mẹ… cứ chọn ngày mất mà cúng không thể coi ngày. Cúng thôi nôi, đầy tháng, cúng căn cho con cháu (3 - 6 - 9 - 12 tuổi) có coi ngày cũng chỉ trồi sụt 3 ngày (nam trồi, nữ sụt).
Dân gian Nam Bộ cũng có những ứng xử văn hóa sâu sắc với chuyện coi ngày. Trong đời sống tâm linh, người dân vẫn có niềm tin vào ngày tốt, xấu, nhưng họ cũng có cách hóa giải. Chẳng hạn việc an táng người qua đời, người ta cho rằng “luật Nhà nước” là “Luật Vua” cho quàn linh cửu 48 giờ, cứ thế mà làm không phải coi giờ.
(Thực ra đó là các Nghị định, thông tư về việc tang, gần đây nhất là Thông tư 02-2009TT của Bộ Y tế). Còn có người chưa “an tâm” thì cứ chọn lúc 0 giờ, không thuộc ngày nào, giờ nào mà an táng.
Những gia đình truyền thống Nam Bộ xưa chỉ xuất hành sau ngày cúng Tất (ngày cúng ông bà cuối cùng), sau ngày hạ nêu. Trong ngày Tết không được đi xa, trừ trường hợp đi viếng Tết bên vợ, bên chồng, bên nội, bên ngoại…
Người ta chỉ xuất hành để làm một công việc có ý nghĩa quan trọng chớ không câu nệ hướng, tuổi. Ngày tốt để xuất hành được chọn ngày trực Thành trong tháng Giêng.
Người nông dân làm nông nghiệp không có ngày khai trương như các tiểu thương, nhưng cũng có thể chọn ngày cắt lúa, thả trâu ra đồng, thu hoạch trái cây… làm ngày khai trương, ngày được chọn là ngày trực Thâu hoặc trực Thành.
Một thời gian dài, 30 năm sau giải phóng, các cuốn lịch phát hành không có ghi ngày trực, muốn xem ngày thì phải hỏi các cụ cao niên. Chính điều kiện ấy, việc xem ngày ít người quan tâm mà chỉ tìm cách “hóa giải” sao cho thuận tiện.
Để tránh việc phải coi ngày xuất hành, khai trương, không có lịch, lại phải nhờ thầy coi phiền phức… các tiểu thương thường chọn một cách làm khá độc đáo.
Ngày mùng 1 Tết, vẫn mở cửa hàng, cửa hiệu, tuy không buôn bán, nhưng vẫn đốt nhang cho ông Địa! Và ngày mùng 2 đi bán lấy ngày rồi đóng cửa ăn Tết thoải mái tới lúc nào “khai trương” thiệt thì tùy. Chúng ta dễ dàng thấy rằng chợ rau quả, trái cây, thực phẩm mùng 2 Tết vẫn bán bình thường!
Những người làm nghề “hạ bạc” như “phá sơn lâm, đâm hà bá” cũng áp dụng cách này để phá lệ khai trương, xuất hành. Một số anh em nhà báo tranh thủ viết bài lúc giao thừa để khỏi phải “khai bút” đầu năm cho sinh phiền!
Thế nhưng những việc hệ trọng liên quan đến đời người như: cưới hỏi, cất nhà… thì dứt khoát phải nhờ thầy coi ngày cẩn thận.
Ngày nào cũng là ngày trời
Ngay như Phan Kế Bính - Nhà văn hóa sống đầu thế kỷ XX, hoặc như Toan Ánh - Nhà văn hóa dân gian cuối thế kỷ XX đã ghi chép lại những phong tục tập quán của người Việt một cách khách quan, nhưng quan điểm của các ông cũng rất khoa học.
“Có kiêng, có lành” là điều cần thiết trong đời sống văn hóa tâm linh, nhưng có những thói quen, phong tục quá rườm rà, không có cơ sở khoa học… làm chậm đi sự phát triển xã hội.
Phan Kế Bính viết câu kết cho phần “Bốc phệ”, “Xem ngày, kén giờ” trong quyển Việt Nam phong tục như sau: “Ngày nào cũng là ngày trời, giờ nào cũng là giờ trời, tưởng cũng nên tùy tiện lúc nào xảy ra việc gì, thì làm việc ấy, bất tất phải câu nệ!”.
Thế nhưng, thời kỳ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế như hiện nay, một số người lại quá câu nệ vào chuyện coi ngày xuất hành, khai trương sau Tết.
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, 2014 sẽ có ngày trực như sau: ba mươi, mùng 1 là ngày Trực Kiến (trùng kiến); mùng 2 - trực Trừ, mùng 3 - trực Mãn, mùng 4 - trực Bình; mùng 5 - trực Định, mùng 6 - trực Chấp; mùng 7 - trực Phá, mùng 8 - trực Nguy, mùng 9 - trực Thành, mùng 10 - trực Thâu, 11 - trực Khai…
Người bình dân xem lịch để chọn ngày tốt thì từ mùng 4 đến mùng 6 có thể khai trương, xuất hành “tốt”. Ngày mùng 7-8 là ngày xấu. Mùng 9-10 và 11 là những ngày khai trương xuất hành “rất tốt”.
Thực tế đôi khi cười ra nước mắt: ngày xuất hành tốt, rất tốt thì kẹt xe, kẹt phà, kẹt tàu, kẹt vé máy bay… còn ngày xấu (trực phá, trực nguy) đi xe rộng rãi. Thế mới biết lời kết luận của Phan Kế Bính là chí lý.