Được phân bổ hơn 930.000 liều, nhiều loại khác nhau
Tại cuộc họp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ với Thường trực Thành ủy TPHCM về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 diễn ra chiều 20/7, thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, đợt này Thành phố được phân bổ hơn 930.000 liều.
Hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký, tuy nhiên Thành phố sẽ ưu tiên cho đối tượng là người già trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người trong hệ thống phân phối hàng hóa.
Đến nay, phần mềm quản lý tiêm chủng đã được hoàn thiện, bảo đảm người đến tiêm theo khung giờ, đúng đối tượng, bảo đảm công tác an toàn phòng, chống dịch.
TP dự kiến sẽ triển khai tiêm tại 20 bệnh viện, 624 điểm tiêm trong thời gian 2 tuần, nhưng không nhất thiết chia đều trong từng ngày.
Cũng theo ông Dương Anh Đức, ngày 20/7, đang triển khai thí điểm tại các bệnh viện như: Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và Nhi đồng TP. Chiều 21/7 sẽ triển khai xuống các địa bàn, trước mắt tổ chức tại các điểm đã được tập huấn kỹ trước khi đồng loạt vào ngày 22/7.
TPHCM và Bộ Y tế đã thống nhất triển khai tiêm vắc xin theo đối tượng ưu tiên, không phân biệt theo vùng nguy cơ.
Tuy nhiên, đối với các vùng đang phong tỏa sẽ triển khai tiêm sau khi dỡ phong tỏa, bởi theo GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, sau 3 tuần tiêm vắc xin cơ thể mới sinh kháng thể và tác dụng bảo vệ chỉ được phát huy đầy đủ khi một người đã tiêm đủ 2 mũi, tức là khoảng 3 tháng.
Do vậy tiêm vắc xin không có tác dụng chống dịch ngay lập tức ở những vùng phong tỏa.
Về băn khoăn liên quan đến các loại vắc xin khác nhau, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, đến nay Bộ đã ký hợp đồng mua vắc xin Astra Zeneca, Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson"s.
Đợt này TPHCM được phân bổ nhiều loại vắc xin khác nhau nhưng về cơ bản như Tổ chức Y tế thế giới đánh giá và Bộ Y tế đề nghị không phân biệt các loại vắc xin. Bộ sẽ tiếp tục tính toán loại vắc xin tiêm mũi 2 cho phù hợp nhất.
Đến tháng 9/2021, TPHCM được phân bổ tối thiểu 5 triệu liều vắc xin
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết dự kiến từ nay đến tháng 9/2021 lượng vắc xin phân bổ cho TPHCM tối thiểu 5 triệu liều, như vậy đạt khoảng 50% đối tượng tiêm vắc xin.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị phải khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân Thành phố, bảo đảm an toàn, phù hợp, đúng đối tượng.
Ngoài các đối tượng ưu tiên, cần quan tâm đến bộ phận người nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn có điều kiện sinh hoạt rất chật chội, đang ở trong vùng phong tỏa nguy cơ lây nhiễm cao, nhằm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời hạn chế nguồn lây nhiễm mới phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, nguồn cung vắc xin trên thế giới đang rất khan hiếm, nên ngoài nguồn vắc xin của Trung ương, Thành phố cũng tích cực tìm kiếm để có nhiều nhất, sớm nhất vắc xin tiêm cho người dân.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các hoạt động đàm phán, tìm kiếm nguồn vắc xin phòng Covid-19 đã được thực hiện từ tháng 8/2020.
Theo các hợp đồng đã ký, về cơ bản chúng ta có đủ lượng vắc xin để tiêm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8/2021, lượng vắc xin về chưa nhiều.
Chính phủ đã có kế hoạch phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh ở TPHCM, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho Thành phố.
Tới đây, khi tiếp tục có các lô vắc xin về Việt Nam, Chính phủ sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho Thành phố với tinh thần “TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM”.