(GD&TĐ) - Sáng 31/3, gần 2.000 học sinh và 500 phụ huynh của 10 trường tiểu học, THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện KonPlong – tỉnh Kon Tum đồng loạt tham gia “Ngày hội rửa tay với xà phòng năm 2011 - vì một mái trường không dịch bệnh”.
"Ngày hội rửa tay bằng xà phòng" Chương trình được tổ chức bởi sự hợp tác giữa Plan vùng Kon Tum và Ban điều hành dự án Plan các xã Đak Tăng, Măng Cành, Đaklong, Hiếu và xã Pờ Ê (huyện KonPlong, Kon Tum).
Hoạt động này nằm trong dự án Nước sạch-vệ sinh-môi trường của chương trình Plan vùng Kon Tum thực hiện nhằm hưởng ứng chủ đề “Ngày thế giới rửa tay bằng xà phòng” năm nay. Với nội dung, rửa tay đúng cách-một hành động đơn giản nhưng có thể cứu sống hàng triệu người.
Học sinh 10 trường học tích cực tham gia Ngày hội rửa tay bằng xà phòng. |
Tại đây, học sinh được tham gia các hoạt động, trò chơi và đố vui với những nội dung kiến thức hướng đến thay đổi các hành vi giữ gìn vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, học sinh và phụ huynh được thầy cô giáo, thành viên của các Ban điều hành hướng dẫn, chỉ dẫn những kỹ năng thực hành cơ bản về rửa tay bằng xà phòng.
Theo đó, học sinh của 10 trường đã cam kết rửa tay đúng quy cách với xà phòng và ít nhất hai lần một ngày để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Em A Sơn học sinh lớp 5 Trường TH Đaklong, phấn khởi nói: “Em cảm thấy rất vui khi được tham gia ngày hội này. Rửa tay đúng cách như các thầy cô giáo đã hướng dẫn để bảo vệ sức khỏe cho em và sức khỏe cho cộng đồng. Từ nay em sẽ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn để tránh bị bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa".
Ngày hội rửa tay đã nêu bật tầm quan trọng của thói quen rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những biện pháp y tế hiệu quả và ít tốn kém nhất nhằm phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp giúp cho mọi người khỏe mạnh, đặc biệt là đối tượng học sinh và trẻ em. Đa số người dân vùng sâu, vùng xa (chiếm khoảng 98%) không nhận biết được việc rửa tay với xà phòng là điều cần thiết để phòng ngừa các bệnh lây nhiễm.
Theo thống kê của Cục y tế dự phòng thì mỗi năm có hàng ngàn trẻ em bị chết do bị mắc phải các bệnh tiêu chảy và viêm đường hô hấp cấp tính. Vì vậy, đây là một hoạt động mang ý nghĩa lớn và có tính thiết thực rất cao.
Em A Gạo học sinh lớp 7 Trường THCS Đaklong, tự tin thổ lộ: “Ngày hội rửa tay em đã được biết qua đài, tivi, em rất mong ước một ngày nào đó sẽ được tổ chức tại trường em. Đến hôm nay, em thực sự mới được tham dự và có cơ hội thực hành. Qua ngày hội này, em đã thu nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích về giữ gìn vệ sinh cho các nhân. Và ý thức được trách nhiệm của bản thân là phải cùng vận động những người xung quanh mình thay đổi thói quen vệ sinh, để có những hành vi vệ sinh tích cực – vì một cộng đồng khỏe mạnh".
Chương trình được thực hiện bằng nhiều hoạt động mang những nội dung thiết thực nhằm thay đổi hành vi vệ sinh. |
Ông Nguyễn Đình Bản, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kon Tum, cho biết: Rửa tay bằng xà phòng đúng cách, đặc biệt là vào những thời điểm quan trọng là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn, sẽ giúp giảm 40% tỉ lệ mắc bệnh tiêu chảy và hô hấp. Một hành vi rất đơn giản nhưng chưa được cộng đồng thực hiện một cách thường xuyên. Bởi vậy, đây là hoạt động có tác động mạnh mẽ tới ý thức của học sinh và cồng đồng dân cư. Cùng hướng tới xây dựng một đời sống mới cho cư dân vùng sâu, vùng xa đang còn lắm những khó khăn này.
Đây là chương trình thể hiện sự cam kết vững chắc và tích cực của Ban điều hành chương trình Plan các xã tại huyện KonPlong, với mục tiêu hành động và thúc đẩy sự thay đổi hành vi vệ sinh. Chương trình không chỉ được thực hiện bằng việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc rửa tay bằng xà phòng, mà còn nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật…để trường học và cộng đồng dân cư tạo lập thói quen rửa tay bằng xà phòng hằng ngày. Biến ngày hội rửa tay bằng xà phòng trở thành một hành động thiết thực, một thói quen tích cực cho trẻ em, học sinh và người dân trên địa bàn.
Phan Đại Thắng