Mỗi gia đình đang ngày càng thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Dù như vậy, gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Gia đình bình an hạnh phúc mới tạo dựng nên quốc gia văn minh, vững mạnh.
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào tốt, xã hội mới tốt”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Do đó, sau cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một thời kỳ mới trong quá trình phát triển xã hội của dân tộc ta, vấn đề xây dựng gia đình được Hiến Pháp thông qua với nhiều điểm tiến bộ, lấy phương châm nam nữ bình đẳng làm cơ sở để xây dựng các điều khoản của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định vai trò của gia đình trong thời kỳ mới là “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.
Tại Đại hội XI, Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Quan điểm của Đảng cho thấy, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì tế bào cần phát triển bền vững. Gia đình giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới số lượng, chất lượng dân số và cơ cấu dân cư của quốc gia. Gia đình phải là môi trường giáo dục tốt, xây dựng nhân cách con người.
Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu chung là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Chiến lược đặt ra 3 mục tiêu lớn, trong đó, mục tiêu kế thừa, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ… là mục tiêu quan trọng.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu nâng cao nhật thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Trải qua nhiều thế hệ, Gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, lưu trữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, tinh thần sẻ chia bác ái, tinh thần đoàn kết, truyền thống hiếu học, năng động sáng tạo trong cuộc sống.
Đến nay, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng về cơ bản, gia đình vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
“Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc”
Đó là chủ đề cho ngày 28/6 năm nay khi Ngày gia đình Việt Nam vừa tròn kỷ niệm 20 năm (28/6/2001 – 28/6/2021) và cũng là Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
Mới đây Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức trực tuyến, livestream trên fanpage, Facebook của Hội về việc lan toả ý nghĩa “Gia đình bình an - Xã hội hạnh phúc”. Chương trình đã thu hút được sự chú ý, tham gia qua nền tảng internet của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tại 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc.
Qua đó cho thấy, Ngày gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Đây cũng là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong phạm vi gia đình, đây là dịp để mỗi thành viên gần nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn. Toàn xã hội dành sự quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ. Quan trọng hơn là mỗi cặp vợ chồng cần hiểu được giá trị của hạnh phúc gia đình để cùng nhau phấn đấu, vượt qua khó khăn, bảo vệ gia đình.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát và có nhiều diễn biến khó lường, đe dọa nghiêm trọng tới sự bình an của gia đình. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế, tinh thần của tất cả mọi thành viên trong gia đình. Người già, vốn là đối tượng có nhiều bệnh lý nền, có nguy cơ nhiễm bệnh và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhiều nhất. Trẻ em phải sinh hoạt, học tập tại nhà, thay đổi nếp sinh sống, học tập và bị hạn chế trong việc phát triển kỹ năng quan hệ xã hội.
Những người đang ở độ tuổi lao động chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh lên tiền lương, thu nhập và việc làm một cách đột ngột, chưa kể các vấn đề khác như cắt giảm nhân lực, nợ lương,... do doanh nghiệp cũng bị đình trệ sản xuất bởi dịch bệnh.
Cũng theo một khảo sát xã hội, có đến 90% người Việt được hỏi cho biết thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực, 41% thu nhập hộ gia đình giảm hơn 20% vì dịch Covid-19. Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng giảm.
Tuy nhiên, dịch bệnh cũng giúp các gia đình có cơ hội gắn kết bền chặt hơn. Nhiều người đã điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để thích ứng với dịch bệnh. Việc phải làm việc, học tập, sinh hoạt tại nhà giúp cho các thành viên trong gia đình có sự tiếp xúc thường xuyên, đánh giá được nhu cầu của mỗi thành viên để có phương án đáp ứng phù hợp.
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận thực tế rằng dịch bệnh đã gây xáo trộn không nhỏ tới đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình, nhiều cá nhân.
Dịch bệnh cũng làm đời sống kinh tế, chính trị đất nước có nhiều diễn tiến bất ngờ. Do đó, trách nhiệm phòng dịch là trách nhiệm thường xuyên, trực tiếp của tất cả mọi người. Phòng dịch cũng là để bảo vệ sức khỏe gia đình, sự bình an của gia đình.
Chính phủ cũng đã và đang nghiên cứu, điều chỉnh và áp dụng các phương án điều trị, cách ly ca bệnh Covid-19 như thí điểm cho phép F1 cách ly tại nhà, điều chỉnh cách ly y tế cho trẻ em dưới 15 tuổi… Điều này cho thấy Gia đình luôn là lựa chọn an toàn cho mỗi thành viên.
Với truyền thống gia đình Việt Nam, chắc chắn, sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau vì dịch bệnh. Toàn xã hội và Chính phủ đang nỗ lực tìm cách hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh, hỗ trợ người dân để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Sự đồng lòng, đồng tâm và đoàn kết của mỗi gia đình sẽ tạo nên một xã hội hạnh phúc, bình an đẩy lùi dịch bệnh.