AFP ngày 21.1 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đầu tiên của mình với nội dung ngưng thực thi các quy định của Đạo luật chăm sóc sức khỏe phù hợp (hay còn gọi là Đạo luật Obamacare) nhằm “giảm thiểu gánh nặng kinh tế” cho ngân sách các bang, các công ty hoặc cá nhân.
Obamacare, được xem là một trong những “di sản” lớn nhất của tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama, quy định rằng mọi công dân đều phải được hưởng bảo hiểm y tế và dùng ngân sách nhà nước chi trả cho những ai không đủ khả năng mua bảo hiểm.
Bản thân ông Trump và đảng Cộng hòa lâu nay luôn phản đối dữ dội vì cho rằng đạo luật này mang tính áp đặt và quá tốn kém. Các nghị sĩ Cộng hòa cam kết sẽ bãi bỏ Obamacare và sớm thay thế bằng đạo luật khác.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng đã ký sắc lệnh bổ nhiệm các tướng về hưu James Mattis và John Kelly lần lượt làm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh nội địa sau khi Thượng viện thông qua.
Mặt khác, do vẫn còn nhiều vị trí quan trọng trong nội các còn bỏ trống hoặc nhân sự đề cử chưa được Thượng viện thông qua nên theo Reuters, ông Trump đề nghị 50 quan chức cấp cao của chính quyền cũ ở lại cho đến khi tìm được người thay thế.
Đội ngũ của Tổng thống Trump ngày 21.1 cũng nhanh chóng cập nhật trang web của Nhà Trắng, gỡ bỏ thông tin về các chính sách nổi bật của người tiền nhiệm như biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế...
Thay vào đó, họ công bố những chính sách mới về năng lượng, đối ngoại, việc làm, quân sự, thương mại... thể hiện nhất quán quan điểm “nước Mỹ trên hết” được ông Trump bày tỏ trong diễn văn nhậm chức.
“Rút khỏi TPP”
Về thương mại, chính quyền của ông Trump nhấn mạnh ưu tiên bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ và sẽ bắt đầu bằng việc “rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.
Tuy nhiên, giới quan sát và một nguồn tin cấp cao cho biết có thể Mỹ sẽ không thẳng thừng từ bỏ TPP mà tìm cách đàm phán lại để thay đổi nhiều điều khoản của hiệp định.
Bản thân tân tổng thống cũng cam kết sẽ tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ký với Canada và Mexico năm 1994. Nhà Trắng cho rằng những thỏa thuận mới “cứng rắn và công bằng” sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, mang lại hàng triệu việc làm cho người dân nước này.
Đối với chính sách quân sự, ông Trump cam kết tái thiết quân đội Mỹ và cải thiện khả năng phòng thủ tên lửa. AFP dẫn thông cáo của Nhà Trắng cho biết tân tổng thống sẽ chấm dứt quy định giới hạn chi tiêu dành cho Lầu Năm Góc được ban hành dưới thời chính quyền tiền nhiệm và sẽ sớm công bố đề xuất ngân sách mới vạch ra tầm nhìn của ông đối với quân đội Mỹ.
“Chúng tôi sẽ trao cho lãnh đạo quân đội công cụ để lên kế hoạch cho nhu cầu quốc phòng tương lai vì không thể để những quốc gia khác vượt qua năng lực quân sự Mỹ”, thông cáo ghi rõ.
Bên cạnh đó, ông Trump sẽ đảo ngược chương trình cắt giảm hải quân và không quân đồng thời đẩy mạnh phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa để ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiềm tàng từ Iran, CHDCND Triều Tiên và các nước khác.
Ngoài ra, chính quyền mới cũng xúc tiến thành lập bộ chỉ huy đặc trách an ninh mạng. Cũng theo thông cáo, chính quyền mới đặt mục tiêu quan trọng về an ninh và đối ngoại là phối hợp với các nước khác tập trung tiêu diệt các lực lượng cực đoan, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Biểu tình gần Nhà Trắng biến thành bạo lực
Một nhóm quá khích biểu tình phản đối ông Trump nhậm chức đã đụng độ với lực lượng an ninh tại khu vực chỉ cách Nhà Trắng vài dãy phố, theo Reuters ngày 21/1.
Nhiều người dùng đá, chai lọ tấn công cảnh sát, buộc giới công lực đáp trả bằng hơi cay và lựu đạn khói. Người biểu tình còn đốt nhiều xe hơi, trong đó có một chiếc Limousine, và thùng rác. Giới chức cho hay có 6 cảnh sát bị thương và 217 người biểu tình bị bắt.
Ngoài ra, từ 10 giờ đến 13 giờ 15 phút ngày 21/1 (giờ Mỹ, tức tối 21/1, giờ Việt Nam), khoảng 200.000 người tham gia cuộc tuần hành ôn hòa do Tổ chức Women"s March on Washington phát động ở thủ đô Washington D.C sau khi được chính quyền cấp phép.
Tờ The Washington Post dẫn lời nhà tổ chức tuyên bố cuộc tuần hành không nhằm chống tân tổng thống mà để kêu gọi bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã có một số phát ngôn bị chỉ trích là tiêu cực đối với phụ nữ.
Việt Nam gửi điện mừng
Theo TTXVN, ngày 21/1, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng gửi điện chúc mừng Tổng thống thứ 45 Donald Trump và Phó tổng thống thứ 48 Mike Pence của Mỹ.
Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam chúc Tổng thống Donald Trump, Phó tổng thống Mike Pence và chính phủ mới của Mỹ đạt được nhiều thành công vì hạnh phúc và thịnh vượng của nhân dân nước này, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới; cho rằng Việt Nam và Mỹ đứng trước cơ hội to lớn tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện dựa trên nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN - Mỹ, APEC và các cơ chế khu vực khác.
Cùng ngày, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gọi điện chúc mừng ông Trump trong vài ngày tới. Còn Thủ tướng Dmitry Medvedev viết trên Facebook: “Chúng tôi sẵn sàng thực hiện phần việc của mình để cải thiện quan hệ song phương”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thì bày tỏ mong muốn cùng làm việc với nhà lãnh đạo Mỹ để tăng cường quan hệ và khai thác mọi tiềm năng hợp tác.
Tuy nhiên, cũng có một số bên tỏ ra thận trọng. Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo EU phải sát cánh cùng nhau để ứng phó “chặng đường cam go phía trước” và “bảo vệ lợi ích của mình”.
Tờ Nhân Dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đăng bài xã luận nói nước này cần “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”. Theo bài viết, Bắc Kinh hy vọng chính quyền Tổng thống Trump “hiểu được tầm quan trọng của quan hệ song phương”.
Huỳnh Thiềm