Chuẩn bị ngày 20/11, cô và trò cũng có kế hoạch vô cùng đặc biệt, ở nơi đặc biệt.
Tiếp sức cho cô - trò
Ngày 14/11, một giáo viên Trường Tiểu học Đồng Hóa phát hiện nhiễm Covid-19, theo đó có 26 học sinh lớp 5B, 4 giáo viên và 4 phụ huynh có tiếp xúc gần, trở thành F1 và buộc phải đi cách ly tập trung theo quy định vào ngày 16/11.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa và nhà trường, lớp học trong khu cách ly đã được hình thành. Bàn ghế, bảng, các thiết bị dạy học được nhà trường khẩn trương vận chuyển lên khu cách ly. Vì thế, cô và trò đến lớp một cách thuận lợi ngay trong buổi học đầu tiên.
26 học sinh được chia thành 2 ca sáng và chiều để bảo đảm an toàn. Lớp học của cô và trò cũng đã thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay sát khuẩn… Cùng với đó, các thầy cô giáo vừa dạy học vừa chăm sóc cho các em từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Cô Cao Thị Kim Oanh cho biết: “Khi biết mình là F1 cả cô và trò đều hoang mang, lo lắng, thế nhưng được sự động viên của các thầy cô giáo, phụ huynh và người thân nên đã yên tâm hơn. Đêm đầu tiên, một số em khóc vì nhớ nhà nhưng được lên lớp đã vui vẻ và chăm chỉ học bài. Ngày 20/11, chúng tôi chẳng mong gì hơn ngoài sức khỏe của cô trò và tổ chức hoạt động giúp trẻ luôn vui vẻ dù phải cách ly, xa gia đình”.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Hoàng Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa - chia sẻ: Ngay khi phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 trong Trường Tiểu học Đồng Hóa, phòng đã chỉ đạo nhà trường phối hợp với cơ quan y tế để truy vết và khoanh vùng dịch, cùng với đó, động viên giáo viên và học sinh ổn định tinh thần.
Anh Hoàng Văn Trọng, phụ huynh em Hoàng Tấn Nhật, đang thực hiện cách ly, cho hay: “Bản thân và con là F1 phải đi cách ly, gia đình tôi cũng lo lắng. Thế nhưng, được nhà trường, giáo viên hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, chu đáo và động viên nên tôi và cháu thật sự yên tâm. Tôi cũng luôn động viên các thầy cô và mong cho cô trò, các phụ huynh luôn mạnh khỏe để hoàn thành cách ly và trở về với gia đình”.
Cũng giống như anh Trọng, nhiều phụ huynh đã đồng cảm, chia sẻ khó khăn và thường xuyên gọi điện động viên các thầy cô giáo, bởi trong một dịp đặc biệt chuẩn bị chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thì việc nỗ lực dạy học và chăm sóc học trò của các thầy cô giáo trong khu cách ly lại thêm phần ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Dồn sức lo cho sức khỏe và sự an toàn của học sinh
Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, Nam Trà My, Quảng Nam) vừa được bàn giao lại sau một thời gian địa phương trưng dụng làm nơi cách ly tập trung. Thầy Nguyễn Huy Phương, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: “Theo kế hoạch, ngày 18/11 thực hiện phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, phòng học… của trường. Tiếp đó, thầy cô giáo sẽ tập trung cho khâu dọn vệ sinh trường lớp, khu nhà nội trú, nhà ăn, bếp ăn…
Dự kiến, ngày 22/11, HS sẽ đến trường để học trở lại sau gần một tháng nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh. Công việc vì vậy rất nhiều. Vừa lo lương thực, thực phẩm cho HS bán trú, vật tư y tế để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi trường học hoạt động trở lại”. Chính vì vậy, nhà trường không tổ chức hoạt động gì trong Ngày Nhà giáo Việt Nam mà chỉ tuyên dương, khen thưởng những GV có thành tích trong năm học vừa qua.
Thầy Bùi Viết Luận – Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nam Trà My - tâm sự: “Có 5/6 HS của nhà trường trở thành F0 được đưa đi điều trị ở Tam Kỳ. Mọi suy nghĩ, lo toan của thầy cô giờ tập trung cả vào HS. Với những em đã điều trị khỏi bệnh, thay vì về nhà, chúng tôi đón HS của mình về trường vì điều kiện để tự cách ly đảm bảo hơn”.
Vừa động viên tinh thần cho HS của mình khỏi hoang mang, lo lắng, đảm bảo các điều kiện phòng dịch, vừa chăm sóc bữa ăn sao cho đủ dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho HS… là những gì mà thầy cô giáo, nhân viên nhà trường bận tâm nhất trong thời gian này.
Hơn 30 tấn hàng hóa, gồm khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, nhu yếu phẩm, vitamin C, sữa… với trị giá gần 1 tỷ đồng từ các cá nhân, nhóm thiện nguyện được gửi đến CLB Kết nối yêu thương Nam Trà My để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Thầy Nguyễn Trần Vỹ - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính, chủ nhiệm CLB - cho hay: “23 thành viên của CLB, chủ yếu là giáo viên và cán bộ đang công tác tại địa phương đều trở thành shipper trong gần 1 tháng qua”.
Để vào đến nóc Tu Hon (thôn 3, xã Trà Don), thầy Nguyễn Trần Vỹ phải vượt quãng đường hơn 30km. Chiếc xe máy chất đầy hàng hóa, từ mì tôm, nước mắm, mì chính, dầu ăn, cá khô, khẩu trang để trao cho các hộ dân bị cách ly. Những ngày nắng ráo, có thể chạy xe máy vào đến tận nóc. Gặp hôm trời mưa, thầy Vỹ buộc phải đi bộ một quãng đường dài, bưng bê quà chuyển cho người dân.
Tu Hon có 4 HS là F1 nên gia đình các em phải thực hiện cách ly tại nhà. Không thể vào rừng kiếm rau để bán đổi lấy gạo, cuộc sống của những hộ gia đình thực hiện cách ly y tế gặp nhiều khó khăn nếu không nhận được sự hỗ trợ từ các đội, nhóm thiện nguyện.
Học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, cô Trà Thị Thu, Nguyễn Việt Thảo (GV Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập) trở thành tình nguyện viên vận chuyển hàng hóa đến các nóc xa xôi để tiếp tế cho những hộ gia đình phải cách ly tại nhà. Từ trung tâm xã Trà Tập đến làng Tu Nương, 2 cô giáo mất gần 1 tiếng đồng hồ đi bộ.
Những hôm trời mưa, mặc áo mưa mà người ướt sũng mồ hôi vì vừa đi bộ đường xa vừa phải mang vác thêm lương thực. Muốn vận chuyển đồ tiếp tế vào làng Tắk Rối còn phải chuyển hàng từ xe máy xuống thuyền vượt con sông Tranh. Giáo viên đi trao quà hỗ trợ đều phải mang găng tay, đồ bảo hộ, kính chắn giọt bắn… để đảm bảo yêu cầu phòng dịch.