Ngạt khói khi hỏa hoạn có thể giết người trong vòng 3 đến 5 phút

GD&TĐ - Khói hỏa hoạn có thể nhanh chóng cướp đi mạng sống con người chỉ trong vòng 3 – 5 phút khi hít phải.

 Các bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM cấp cứu cho nạn nhân ngạt khói trong vụ cháy chung cư Carina Plaza
Các bác sĩ BV Chợ Rẫy TPHCM cấp cứu cho nạn nhân ngạt khói trong vụ cháy chung cư Carina Plaza

Thiếu tá, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Vĩnh Tăng, Chủ nhiệm Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên Quân y 7A, Cục Hậu cần Quân Khu 7 TPHCM, đã chia sẻ như vậy khi nói về mức độ nguy hiểm của ngạt khói trong các vụ hỏa hoạn.

Bác sỹ Tăng khuyến nghị, người dân cần bình tĩnh ứng phó, có biện pháp kéo dài hô hấp và tìm cách thoát hiểm khi cháy nhà trước khi đơn vị cứu hộ đến.

Khói từ xe cộ bốc cháy rất độc

Theo bác sỹ Tăng, khói trong các vụ hỏa hoạn bao gồm hỗn hợp nhiều khí và những thành phần lạ gây tác hại lên sức khỏe con người, đặc biệt là cơ quan hô hấp, như: Carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), nitric oxides (NO và NO2), sunfur dioxide, các phần tử cực nhỏ, các hợp chất hyrocarbons đa vòng.

Các loại khí khác sẽ tác động lên da, tổn hại mô phổi, rối loạn cơ quan hô hấp của con người.

Bác sỹ Tăng cho rằng, khi con người hít phải khói, sẽ rơi vào triệu chứng tổn thương bị ngạt khí (khó thở, mất định hướng, chảy nước mắt, viêm kết mạc, ho, thở khò khè, mất tri giác…)

“Nếu ở thể nhẹ, nạn nhân có biểu hiện thở dốc, buồn nôn, đau đầu. Ở mức độ trung bình có thể rơi vào trạng thái đau đầu dữ dội, chóng mặt, rối loạn thần kinh, ngất xỉu. Ở mức độ nặng sẽ bị ngất, hôn mệ, co giật, loạn nhịp tim, trụy mạch và tử vong”- bác sỹ Tăng nói.

Theo đó, những trường hợp tử vong do ngạt khí diễn ra rất từ từ, như một giấc ngủ sâu, không lường trước được. Đến khi con người bị sốc do thiếu ôxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt khí chỉ trong từ 3 đến 5 phút.

Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn, người dân thường có tâm lý hoảng loạn, kêu cứu, tìm cách chạy ra khỏi đám cháy thật nhanh (bằng chứng là có 1người tử vong do ngã từ trên cao trong vụ cháy Chung cư Carina Plaza vừa qua). Khi gặp sự cố, mọi người thường có tâm lý hoảng loạn, ít có thời gian để phản ứng. Điều này dễ làm tình trạng hôn mê do khói đến nhanh hơn.

Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như CO, hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong. Khi hít phải khói, con người sẽ thiếu oxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn oxyde carbon từ các vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh.

Khi có cháy cần bình tĩnh và tìm cách thoát nạn

Bác sỹ Tăng khuyến nghị, khi xảy ra cháy, người dân nên bình tĩnh, tuyệt đối không hoản loạn để tìm cách xử lý và nhanh chóng tìm biện pháp dập lửa và thoát hiểm bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước… để dập tắt đám cháy.

Trong trường hợp đám cháy quá lớn không thể dập tắt, người dân phải nhanh chóng nghĩ đến phương án thoát hiểm. Khi phát hiện cháy phải lập tức ấn chuông báo động tòa nhà, thông báo cho người khác biết có cháy trên đường đi thoát hiểm và gọi cho cảnh sát PCCC.

Khi có cháy, người dân cần xác định vị trí ngọn lửa và nguồn khí, di chuyển thoát hiểm theo chiều ngược lại của khói.

Người dân phải tránh xa các không gian gây ngạt như phòng kín, các địa điểm có thể gây nổ như bình ga, tủ lạnh, máy lạnh… Lúc di chuyển, phải cúi thấp xuống hoặc trườn, bò theo lối đi. Người dân có thể dùng các loại vải có tẩm nước để bịt mũi, miệng tránh hít phải khói độc gây ngạt hoặc sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có).

Ngoài, ra người dân khi phát hiện cháy không nên hoảng loạn nhảy từ cửa sổ ban công trên cao xuống. Chỉ cần di chuyển xuống dưới tầng bị cháy rồi dùng thang di chuyển đến nơi an toàn.

“Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn tròn cho đến khi dập được lửa. Tuyệt đối không được chạy vì gió sẽ làm ngọn lửa bùng lớn hơn.

Khi thấy người có dấu hiệu bị ngạt khói, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có khói. Sau đó, tìm cách làm thông thoáng đường hô hấp bằng cách hô hấp nhân tạo. Nếu bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được thở ôxy, cấp cứu kịp thời”- bác sỹ Tăng khuyên.

Clip: Kỹ năng thoát hiểm khi xảy cháy nhà cao tầng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ