Ngành Quản trị chất lượng GD - nguồn nhân lực được 'săn đón'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lĩnh vực Quản trị chất lượng giáo dục đang được quan tâm và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Vũ Minh Hiếu (đứng bên trái) hiện công tác tại Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN.
Vũ Minh Hiếu (đứng bên trái) hiện công tác tại Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN.

Theo đánh giá của chuyên gia, nhân lực ngành này luôn được “săn đón” trong các cơ sở giáo dục, sinh viên ra trường sẽ có cơ hội việc làm phong phú.

Nhu cầu tuyển dụng cao nhưng ít đơn vị đào tạo

Thống kê được Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT cập nhật đến ngày 28/2/2023 cho thấy, cả nước có 164 cơ sở giáo dục đại học, 10 trường cao đẳng sư phạm, 7 cơ sở giáo dục đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục ngày càng phát triển mạnh mẽ, luôn thay đổi để phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực của xã hội.

Sự tăng trưởng về các cơ sở đào tạo đã giúp nền giáo dục đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn mới và lĩnh vực đảm bảo chất lượng ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

PGS.TS Nguyễn Thuý Nga, Phó Chủ nhiệm phụ trách Khoa Quản trị chất lượng giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho biết, ngành Quản trị chất lượng giáo dục - tạo nền tảng và cơ sở vững chắc cho các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường đánh giá chất lượng giáo dục tương lai. Cơ hội việc làm dành cho nguồn lực ngành Quản trị chất lượng giáo dục rất cao, luôn được “săn đón” trong các cơ sở giáo dục. Theo thống kê trong nước có tới hơn 5.000 môi trường làm việc cùng hơn 15 nghìn cơ hội việc làm sẵn sàng chờ nguồn nhân lực từ ngành này.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này vô cùng lớn nhưng lại chưa có nhiều cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành này. Đối với các cơ sở đào tạo trong nước hiện nay, ngành Quản trị chất lượng giáo dục được chia ra 3 hướng ngành đào tạo gồm: Khảo thí và đánh giá năng lực; đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; khoa học dữ liệu và thống kê trong giáo dục.

Giáo viên hướng dẫn môn Quản trị kiểm tra đánh giá trong nhà trường cho sinh viên.
Giáo viên hướng dẫn môn Quản trị kiểm tra đánh giá trong nhà trường cho sinh viên.

Đào tạo bài bản, chuyên nghiệp

Theo học chuyên ngành Quản trị chất lượng giáo dục, ngay từ khi là sinh viên, Âu Quang Hiếu đã có 2 bài báo đăng trên tạp chí Scopus. Đây là cơ sở dữ liệu chỉ mục chứa bản tóm tắt, trích dẫn các bài báo khoa học và thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Elsevier (Hà Lan).

Hiếu cho biết, những kiến thức chuyên ngành ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường rất quan trọng trong quá trình làm nghề sau này. Chàng sinh viên có điểm GPA (trung bình các môn học) xuất sắc đưa ra nhận định, việc được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ chuyên ngành Quản trị chất lượng giáo dục và tiếp xúc với các thầy cô, các chuyên gia đầu ngành tại đơn vị thực tập đã tạo cho sinh viên kinh nghiệm thực tế để giải quyết, xử lí các tình huống một cách hiệu quả.

Theo Hiếu, các kiến thức sinh viên có thể sử dụng tại đơn vị công tác sau khi tốt nghiệp chuyên ngành được đào tạo như: Đánh giá chương trình đào tạo, cơ sở giáo dục (quy trình, tiêu chí, các văn bản pháp quy áp dụng trong kiểm định chất lượng giáo dục). Cùng với đó, tham gia hỗ trợ phát triển chương trình giáo dục (rà soát, cải tiến, tham mưu) cho các tổ chức giáo dục hoặc tham gia nghiên cứu khoa học để có những sáng kiến áp dụng vào thực tiễn, chuẩn hoá trong kiểm tra đánh giá đề thi nhằm nâng cao chất lượng cho cơ sở giáo dục.

Thống kê tại Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, số sinh viên được tuyển dụng ngay trước khi tốt nghiệp là 25%, cơ bản là làm việc tại Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam), Trường Liên cấp Ngôi sao...

PGS.TS Nguyễn Thuý Nga cho biết, yếu tố quan trọng đối với ngành này đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trau dồi kiến thức từ bài bản cho đến trải nghiệm thực tế. Với chương trình đào tạo hướng ngành khảo thí và đánh giá năng lực, sinh viên sẽ được học đo lường và đánh giá kết quả học tập, đo lường và đánh giá năng lực người học. Kiểm tra đánh giá hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá trong dạy học ở mọi bậc học và hình thức dạy học.

Đối với hướng ngành đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, sinh viên sẽ được đào tạo quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục. Đồng thời, tư vấn, tham gia giám sát các hoạt động quản lý chất lượng giáo dục và nghiên cứu sâu về quản lý chất lượng giáo dục.

Còn với hướng ngành khoa học dữ liệu và thống kê trong giáo dục, đào tạo hướng tới đánh giá diện rộng đo lường và thống kê, bao gồm thiết kế các công cụ đo lường phân tích thống kê trong giáo dục, sử dụng phần mềm phân tích thống kê, thiết kế bài kiểm tra.

Cơ hội được làm việc đúng chuyên môn

Thủ khoa toàn trường Khóa QH-2019-S, bằng Xuất sắc chuyên ngành Quản trị chất lượng giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, em Vũ Minh Hiếu chia sẻ: “Hiện tại, em công tác tại Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQGHN. Tại đây, em đã được giao những công việc rất sát với chuyên ngành Quản trị chất lượng giáo dục của mình.

Trước đó, em cũng đã đi thực tập thời vụ tại Trường THCS Ngoại ngữ, thực tập nghiệp vụ tại Trường Đại học Đại Nam và kiến tập ngay tại cơ quan em đang công tác. Em may mắn có được nhiều cơ hội trải nghiệm công việc chuyên ngành của mình tại nhiều cơ sở giáo dục khác nhau, với các hình thức đa dạng”.

PGS.TS Nguyễn Thuý Nga cho biết, tốt nghiệp chương trình cử nhân Quản trị chất lượng giáo dục, sinh viên sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo.

Cụ thể, làm tổ chức thực hiện hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng nội bộ trong cơ sở giáo dục. Làm nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đảm bảo chất lượng giáo dục trong trường nhằm đáp ứng các tiêu chí đánh giá (trong nước và quốc tế) cho cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo. Hoặc làm thực hiện các giao dịch đối ngoại, hợp tác thường xuyên với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục (như AUN-QA, QS, THE, Webometrics…), với các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ