Ngành Lưu trữ học: Đào tạo nhân lực đa nhiệm trong kỷ nguyên số

GD&TĐ -Với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và tổ chức quy mô lớn trong kỷ nguyên số, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Lưu trữ học ngày càng cao.

Khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tạo nhiều hoạt động để sinh viên rèn luyện tâm, tài.
Khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tạo nhiều hoạt động để sinh viên rèn luyện tâm, tài.

Ngành Lưu trữ học đào tạo nhân lực có khả năng làm việc đa nhiệm, thích nghi nhanh chóng với sự thay đổi.

Thích nghi nhanh chóng trong kỷ nguyên số

Ngành Lưu trữ học (tiếng Anh là Archivology) là ngành học cung cấp cho người học những kiến thức lí luận và thực tiễn cơ bản về các lĩnh vực như: Văn thư, lưu trữ và quản trị văn phòng.

Nghiệp vụ lưu trữ giúp những tài liệu được bảo quản an toàn, khoa học tối ưu hóa giá trị những tài liệu đó nên ngành này vừa có tính cơ bản vừa có tính ứng dụng cao. Đây là chuyên môn mà hầu hết văn phòng của các tổ chức, doanh nghiệp đều cần đến.

TS Đỗ Văn Học (Trưởng khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) chia sẻ: “Nhiều người nhắc đến văn thư, lưu trữ thường nghĩ đây là công việc nhàn hạ, thậm chí là đơn điệu. Thế nhưng thực tế không phải như vậy, ai yêu nghề đều phải tự đổi mới, vận động, nghĩ ra phương pháp làm việc hiệu quả và khoa học. Thực tế công việc liên quan đến lưu trữ, văn phòng đều đóng vai trò rất quan trọng đối với sự vận hành của một tổ chức”.

“Ngày nay, mọi tài liệu, thư từ hay văn bản gần như đều được số hóa trên các nền tảng công nghệ. Có những ngày hầu như không làm việc với giấy tờ. Nhân lực có chuyên môn sâu về lưu trữ học, có khả năng thao tác tốt trên các ứng dụng công nghệ là mục tiêu tuyển dụng hàng đầu của doanh nghiệp” - chị Nguyễn Thị Thu Hằng (công tác tại Tổng công ty Điện lực TPHCM) cho hay.

Để lưu trữ những tài liệu đó, các chuyên viên làm công việc văn thư, lưu trữ không chỉ áp dụng các phương pháp vừa truyền thống, vừa hiện đại mà còn phải liên tục cập nhật những phương pháp mới, cách thức mới: Lưu trữ số, Lưu trữ cơ sở dữ liệu, Công nghệ lưu trữ… Do vậy, việc thống kê, bảng biểu, nhãn mác dán đúng tiêu chuẩn, quy định… đặc biệt là việc ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ, tài liệu cũng là một thách thức, đòi hỏi cán bộ lưu trữ luôn phải cập nhật kiến thức, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số…

Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số, ngành Lưu trữ học Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cũng áp dụng nhiều nội dung về công nghệ thông tin, kỹ năng thực hành tin học và nhiều kỹ năng hành chính, ngoại ngữ trong văn phòng, văn thư và lưu trữ vào các môn chuyên ngành.

Chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học được công nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET).
Chương trình đào tạo ngành Lưu trữ học được công nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET).

Ngoài ra, khoa cũng tạo nhiều điều kiện cho sinh viên ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Trong quá trình học tập, sinh viên sẽ tham gia các đề án chỉnh lý tài liệu, số hóa tài liệu tại các cơ quan, doanh nghiệp trong thời gian hè… Nhiều sinh viên sau khi thực tập, được nhà tuyển dụng đặt vấn đề tuyển làm việc lâu dài.

Đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu

Theo định hướng đào tạo, ngành Lưu trữ học tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM sẽ cung cấp cho người học các kiến thức chuyên môn và kiến thức bổ trợ về lĩnh vực văn thư, lưu trữ.

Sau khi tốt nghiệp, người học có thể trở thành lưu trữ viên trong công tác lưu trữ lịch sử (trung ương, tỉnh), lưu trữ chuyên ngành (quân đội, công an, điện lực, tài nguyên - môi trường… từ cấp tỉnh trở lên) và lưu trữ cơ quan của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, người học còn có thể lựa chọn làm việc tại các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác.

Bên cạnh đó, ngành học còn đáp ứng nhiều cơ hội trong việc nghiên cứu và giảng dạy tại các trường có đào tạo về lĩnh vực văn thư, lưu trữ; đào tạo kỹ năng hành chính, tin học, ngoại ngữ thực hiện các công việc văn phòng, văn thư và lưu trữ trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp…

“Mức lương trung bình mà một sinh viên nhận được khi bắt đầu làm việc trong các cơ quan Nhà nước là 5-7 triệu/tháng. Khi có kỹ năng, kinh nghiệm thì mức lương có thể tăng lên 8-10 triệu/tháng.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Lưu trữ học, có khả năng ngoại ngữ, khi làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài mức lương có thể lên tới 15-20 triệu đồng/tháng” - TS Đỗ Văn Học chia sẻ thêm. Thầy cũng cho biết mức thu nhập còn tùy thuộc vào năng lực của từng nhân sự và môi trường làm việc.

Tại khoa Lưu trữ học - Quản trị Văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, chương trình đào tạo của ngành được thiết kế bao gồm khối kiến thức giáo dục đại cương (30 tín chỉ) và khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (90 tín chỉ). Trong đó, khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp được chia thành 3 nhóm là cơ sở ngành, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ và thực tập.

Trong các môn học chuyên ngành đều có ít nhất 15 tiết thực hành. Phần kiến thức bổ trợ là các môn học để sinh viên có thể chọn học theo hướng nghiên cứu, làm việc hoặc sở thích. Nhiều môn có tính ứng dụng cao như: Quan hệ công chúng, Tổ chức sự kiện, Nghiệp vụ lễ tân đối ngoại… cũng được tích hợp vào chương trình đào tạo. Sinh viên ngành Lưu trữ học được đào tạo kỹ lưỡng các kỹ năng tạo lập và khai thác văn bản.

Thực tập chuyên ngành bao gồm Thực tập công tác văn thư (tổ chức vào năm 3) và Thực tập chuyên ngành Lưu trữ (tổ chức vào năm 4). Mỗi đợt thực tập kéo dài từ 1,5 – 2 tháng. Sinh viên sẽ thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp do sinh viên tự lựa chọn (trong trường hợp sinh viên không tự liên hệ được cơ quan thực tập, khoa sẽ hỗ trợ giới thiệu cơ quan thực tập cho sinh viên).

Sinh viên theo học ngành Lưu trữ học - Quản trị văn phòng trong một hoạt động khoa học.
Sinh viên theo học ngành Lưu trữ học - Quản trị văn phòng trong một hoạt động khoa học.

Môi trường học tập đa văn hóa

Ngoài việc đào tạo chuyên sâu về kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn, sinh viên theo học Lưu trữ học cũng có được môi trường học tập, vui chơi và phát triển rộng mở.

Ngoài chương trình học và thực tập theo kế hoạch, khoa và Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan thực tế tại các cơ quan, doanh nghiệp; những cuộc thi trong nhiều lĩnh vực để sinh viên cọ xát và phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm.

Với môi trường Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa, sinh viên còn có thể tham gia nhiều CLB, đội nhóm về học thuật, tình nguyện, ngoại ngữ, văn nghệ - nghệ thuật và thể thao để rèn luyện kỹ năng, phẩm chất và thái độ để có thể thích nghi tốt với nhiều môi trường, sống nhân bản và trách nhiệm xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ