Ngành học có cơ hội tìm việc làm tốt

Ngành học có cơ hội tìm việc làm tốt

(GD&TĐ) - Thực trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành khí tượng- thủy văn và hải dương học, khiến những cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành này có thêm nhiều cơ hội tìm được việc làm tốt. PV GD&TĐ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Thục- Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng- Thủy văn và Môi trường về một số vấn đề liên quan đến “cầu” và “cung” nhân lực ở lĩnh vực này.

PGS.TS Trần Thục
PGS.TS Trần Thục

PV: Hiện nay, nhân lực ngành Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương học ở Việt Nam nói chung, của  Viện Khoa học Khí tượng- Thủy văn và Môi trường nói riêng đang gặp tình trạng thiếu trầm trọng về số lượng. Đội ngũ cán bộ hiện công tác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trong khi đó, khả năng cung ứng nhân lực từ các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của xã hội và của Viện.

Viện trưởng có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng trên? Nhu cầu thực tế ở Việt Nam hiện nay, cũng như nhu cầu của Viện về nhân lực ngành Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương học như thế nào, thưa Viện trưởng?

PGS.TS Trần Thục: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung và lĩnh vực KTTV nói riêng đang có sự bất cập, đó là sự thiếu hụt lớn cả ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao và được đào tạo đúng chuyên ngành.

Có sự mất cân đối về trình độ đào tạo và yêu cầu công tác quản lý cũng như sự mất cân đối về chuyên môn đào tạo giữa các lĩnh vực thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường; rất ít các trường đại học, cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đào tạo lĩnh vực này, nhiều chuyên ngành chưa có trường nào đào tạo. Lĩnh vực KTTV và hải dương học cũng trong bối cảnh chung đó.

Tổng số cán bộ làm việc trong lĩnh vực KTTV là hơn 3500 người. Lực lượng này hoạt động trên mọi miền của tổ quốc từ miền núi, đất liền, trên biển và hải đảo; trong các đơn vị quản lý và sự nghiệp của ngành KTTV và các lĩnh vực liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường như Trung tâm KTTV quốc gia, Viện Khoa học KTTV và Môi trường, Cục KTTV và Biến đổi khí hậu, Cục quản lý Tài nguyên nước, Tổng cục Biển và Hải đảo, Tổng cục Môi trường. Một lực lượng lớn cán bộ đang làm việc tại 9 Đài KTTV khu vực, 168 trạm khí tượng bề mặt, 27 trạm khí tượng nông nghiệp, 6 trạm rađa thời tiết, 3 trạm thám không vô tuyến, 231 trạm thủy văn, 17 trạm khí tượng thủy văn biển, 154 trạm và điểm đo môi trường không khí và nước.

Sinh viên ngành khí tượng làm bài thực hành
Sinh viên ngành khí tượng làm bài thực hành

Do đặc thù của ngành là hoạt động khắp mọi miền của đất nước nên số lượng cán bộ KTTV, biến đổi khí hậu, hải văn như đã nói ở trên còn rất thiếu.

Mặc dù nhu cầu cán bộ KTTV là rất lớn nhưng khả năng đào tạo của các cơ sở trong nước còn rất hạn chế cả về số lượng lẫn trình độ. Các cơ sở đào tạo như trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, Trường cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo được khoảng 50 đến 100 cán bộ mỗi năm. Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thủy lợi hàng năm đào tạo được khoảng 100 cán bộ hệ đại học và trên đại học. Một số ít cán bộ trình độ cao được đào tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao xây dựng đề án “Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Đây là một đề án lớn, tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành. Đề án đặt ra vấn đề quy hoạch mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường không chỉ ở các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ mà là toàn bộ hệ thống các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt tập trung vào các Đại học Quốc gia, đại học khu vực và các trường đại học lớn có năng lực và kinh nghiệm trong đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường và KTTV, hải dương học.

Riêng lĩnh vực Hải dương học và KTTV biển, lực lượng cán bộ còn hạn chế hơn so với nhu cầu. Nước ta với trên 3.260km bờ biển, hơn 3000 đảo và vùng biển rộng lớn, mạng lưới trạm khí tượng hải văn gồm 17 trạm, trong đó có 10 trạm trên đảo, 1 trạm trên giàn nổi DK1 - 7 và 6 trạm ven bờ là vô cùng thiếu để thực hiện các chương trình nghiên cứu về biển, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế biển.

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường là cơ quan nghiên cứu về KTTV, biến đổi khí hậu, biển và tương tác biển đòi hỏi phải có nhiều cán bộ có trình độ cao, có kiến thức chuyên sâu. Hiện nay, Viện có trên 250 cán bộ, trong đó trên 60% có độ tuổi dưới 35, nhiều cán bộ có trình độ cao được đào tạo ở nước ngoài. Tuy nhiên, lực lượng này còn rất hạn chế so với yêu cầu, nhất là lĩnh vực biến đổi khí hậu; lĩnh vực biển và tương tác biển - khí quyển với những nhiệm vụ to lớn được đặt ra trong thời gian tới.

Buổi thực tế của sinh viên hải dương học
Buổi thực tế của sinh viên hải dương học

PV: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên ngành Khí tượng- Thủy văn và Hải dương học. Nhiều sinh viên của trường này sau khi tốt nghiệp đã về Viện Khoa học Khí tượng- Thủy văn và Môi trường công tác. Viện trưởng có nhận xét gì về trình độ, năng lực của sinh viên được đào tạo từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên? Số lượng và chất lượng nhân lực ngành Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương học được đào tạo từ “địa chỉ” này được Viện trưởng đánh giá như thế nào?

PGS.TS Trần Thục: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ là một trong số ít những cơ sở có đào tạo chuyên ngành Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương học trong cả nước mà còn là một cơ sở đào tạo lâu nhất, có hệ thống nhất về chuyên ngành này. Hàng ngàn cán bộ được đào tạo tại Khoa Khí tượng - Thuỷ văn và Hải dương học của Trường đã trở thành các cán bộ nòng cốt trong ngành KTTV và Hải dương.

Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên mở rộng chuyên ngành đào tạo sang các lĩnh vực Thủy văn và môi trường. Đây là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy về cán bộ KTTV, Môi trường và Hải dương học và đã được khẳng định trong đề án “Phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020” của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2008, Trường đào tạo được 52 cử nhân chuyên ngành KTTV-Hải văn; năm 2009, đào tạo được 24 cử nhân. Trường cũng là trung tâm đào tạo sau đại học các chuyên ngành nói trên. Cán bộ giảng dạy của Trường đã tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh của Viện, và Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường cũng đã cử cán bộ tham gia giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh và thạc sĩ của Trường. Trong năm 2010, Trường đã phối hợp với Viện xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cao học về biến đổi khí hậu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, Đại học Khoa học Tự nhiên là trường đại học lớn có năng lực và kinh nghiệm trong đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, KTTV, Hải dương học, cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho ngành KTTV của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường. Nhiều cán bộ được đào tạo từ Trường đã và đang công tác tại Viện. Các cán bộ này được trang bị tốt các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, làm việc, có trình độ ngoại ngữ và có nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị.

Năm 2011, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 120 chỉ tiêu ngành Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học với các hướng nghiên cứu chuyên ngành:
- Khí tượng học: (1) Khí hậu và mô hình hóa khí hậu; (2) Dự báo thời tiết và khí hậu; (3) Môi trường khí; (4) Biến đổi khí hậu và ứng phó.
- Thủy văn học: (1) Thủy văn học và dự báo thủy văn; (2) Quản lý tài nguyên và môi trường nước.
- Hải dương học: (1) Vật lý biển; (2) Quản lý tài nguyên và môi trường biển; (3) Công nghệ biển.
 

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ