Rõ ràng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đang là vấn đề nhức nhối và nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Đầu năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo bên cạnh việc kiểm tra để loại bỏ thực phẩm không an toàn ngoài chợ, vận động người dân không lạm dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, không sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn còn phải hoàn thiện hành lang pháp lí, đầu tư, tập huấn, tuyên truyền nhằm hướng đến mục đích làm cho người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm bẩn. Đây là những việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
1. Ngành giáo dục có bị ảnh hưởng gì không và đang ở đâu trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn hiện nay?
Chưa cần đề cập đến vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn cho học sinh bán trú khi tham gia ăn trưa tại các trường học, chỉ cần dạo qua các cổng trường, đặc biệt là các trường tiểu học và trung học cơ sở ở cá đô thị vào các giờ cao điểm (giờ đến trường, giờ nghỉ trưa hay giờ tan trường), chúng ta sẽ thấy rất nhiều hàng quán, xe đẩy, xe đạp, xe máy bán đồ ăn sẵn với hàng trăm loại hàng hóa khác nhau từ xôi sáng, bánh, kẹo đến các loại đồ ăn, uống được chế biến tại chỗ như: các loại nước uống, xúc xích, thịt, cá nướng… với màu sắc và mùi vị rất hấp dẫn lứa tuổi học sinh.
Theo Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, hầu hết các quán hàng rong kinh doanh đồ ăn, uống tại các cổng trường học đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đa số được chế biến từ các nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện vệ sinh tối thiểu như nước sạch để chế biến, điều kiện vệ sinh cơ sở và vệ sinh cá nhân (cả người bán và người mua).
Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đã tổng kết giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, trên cả nước đã có trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường học khiến trên 1.400 người phải nhập viện.
Có thể thấy, trong khi các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn chưa có bữa ăn đầy đủ, nhiều em học sinh, sinh viên nhất là các em ở lứa tuổi nhỏ, các các thành phố, thị xã, thị trấn cũng là một nạn nhân của thực phẩm bẩn, vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh cũng là một thách thức lớn đặt ra cho ngành:
Thứ nhất, học sinh là lứa tuổi chưa có khả năng nhận biết đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch;
Thứ hai, là lứa tuổi mà mà mặc dù lý trí đã xác định “không nên sử dụng thực phẩm chưa rõ nguồn gốc” không thắng nổi tâm lý thèm ăn, cám giỗ của mùi vị, mầu sắc của thức ăn vào giờ ăn (sáng, trưa, tối);
Thứ ba, vì thiếu ngủ nên phải ngủ “nướng” vào bổi sáng, phải ở lại học thêm buổi chiều, buổi tối nên các em được gia đình cho tiền ăn quà tại trường, ngoài phố;
Thứ tư, bố mẹ bận rộn với công việc nhà nước, kinh doanh đã phó mặc việc lo các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn của con em mình cho “bảo mẫu đường phố”;
Thứ năm, Giá cả của các bữa ăn với thực phẩm không rõ nguồn gốc thường rất “hợp lý” để cả các em học sinh, sinh viên và gia đình đều cho rằng ăn ngoài phố, hàng quán gần trường là giải pháp tối ưu cho gia đình; và nhiều lý do khác.
2. Ngành giáo dục phải làm gì để góp phần vào cuộc chiến của toàn xã hội chống lại thực phẩm bẩn?
![]() |
Quán hàng lụp xụp bên cạnh trường THCS |
Vấn nạn thực phẩm bẩn là vấn nạn của toàn xã hội, để giải quyết được vấn nạn này, cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội, trong đó, ngành giáo dục, dựa vào chức năng, đặc điểm của mình cũng phải trở thành một công cụ sắc bén trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Trước mắt, ngành giáo dục cần:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các em học sinh, sinh viên - đối tượng chủ yếu của những quán hàng rong bên cạnh cổng trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các hoạt động ngoại khóa như: tuyên truyền, tổ chức thảo luận, sáng tác thơ, văn, viết bài, diễn kịch, đóng phim v.v... về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp các em có thể nhận biết cơ bản đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm an toàn, làm thế nào để có bữa ăn an toàn.
Thứ hai, để giáo dục được các em học sinh, người làm trong ngành giáo dục phải là tấm gương tiên phong thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường bằng cách kiểm soát, giữ gìn an ninh thực phẩm ngay trong phạm vi trường học, tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ các gia đình có nhu cầu; các thực phẩm được sử dụng, tiêu dùng trong nhà trường phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáng tin cậy.
Thứ ba, phối hợp với phụ huynh học sinh nhằm giám sát, chỉ bảo các em không sử dụng đồ ăn tại các quán ăn lưu động, hạn chế sử dụng đồ ăn, uống tại những hàng quán không đảm bảo ven trường.
Thứ tư, kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lí các quán bán đồ ăn thức uống không đảm bảo qui định của cơ quan chức năng, không đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm gần trường học, dẹp bỏ các quán hàng rong xung quanh trường.
Thứ năm, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp tuyên truyền phổ biến tới người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn các thực phẩm sạch. Kết hợp với việc tuyên truyền, thuyết phục người dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt bởi đây là việc làm hết sức nguy hiểm, có thể gây hại cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Với đội ngũ hơn 23 triệu nhân sự (bao gồm cả học sinh, sinh viên, giáo viên và đội ngũ cán bộ), nếu ngành giáo dục được tạo điều kiện để thực hiện tốt những công tác trên, chắc chắn, thực phẩm bẩn sẽ được đẩy lùi; nguy cơ ngộ độc thực phẩm và những bệnh liên quan đến thực phẩm bẩn sẽ không còn là nỗi lo lắng, sợ hãi của các nhà trường, người dân.