Ngành giáo dục Quảng Ngãi lao đao tìm cách duy trì các hoạt động

GD&TĐ - Từ cuối năm 2021 đến nay, hệ thống giáo dục và đào tạo tại tỉnh Quảng Ngãi chật vật trong việc tổ chức các hoạt động của ngành.

Một số hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo chưa có nội dung và mức chi theo Nghị quyết 33.
Một số hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo chưa có nội dung và mức chi theo Nghị quyết 33.

Nhiều hoạt động không thể chi

Thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến ngành giáo dục và đào tạo, ngày 10/12/2021 HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Nghị quyết số 33 để kịp thời thay thế cho Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 27/2/2013 về Quy định nội dung và mức chi tổ chức các kỳ thi, hội thi và mức chi tổ chức một số hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng thực hiện theo Nghị quyết số 33 đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc. Một số hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo như: hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, Hội khỏe Phù Đổng các cấp, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp đối với giáo viên giảng dạy, học sinh… chưa có nội dung và mức chi theo Nghị quyết số 33 nên khó khăn trong việc triển khai và tổ chức các hoạt động chuyên môn của ngành.

Đơn cử, tại Trường THPT chuyên Lê Khiết, ngôi trường được xem là cái nôi đào tạo ‘gà chiến’ của tỉnh Quảng Ngãi tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia - đại diện cho bộ mặt của ngành giáo dục tỉnh này cũng gặp khó khăn như trên.

Theo thầy Trần Quang Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết, khi Nghị quyết số 33 được ban hành thay thế Quyết định số 12/2013 thì có thể nói là tỉnh rất quan tâm đến ngành giáo dục. Tuy nhiên, Nghị quyết này nội dung lại không đáp ứng được nguyện vọng cũng như tổ chức các hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

“Điển hình như Trường THPT chuyên Lê Khiết, một năm tổ chức rất nhiều kỳ thi, hội thi, cuộc thi cấp trường, vì đặc thù là trường chuyên nên số lượng các em học sinh tham gia là rất đông, nhưng không chi được cho các em tham gia bồi dưỡng”, thầy Hồng chia sẻ.

Thầy Trần Quang Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 33.
Thầy Trần Quang Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết cho rằng cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 33.

Tương tự, ở huyện Trà Bồng, theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện này thì thời gian vừa qua địa phương này cũng gặp vô vàn khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động ‘nằm ngoài’ nội dung và mức chi theo Nghị Quyết 33.

Theo bà Đinh Thị Thu Hương - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, để duy trì tổ chức các hoạt động chuyên môn thì đơn vị một phần phải đi kêu gọi, vận động kinh phí mới có thể thực hiện. Không chỉ các hoạt động cấp huyện mà ngay cả chi phí đưa đội tuyển dự các cuộc thi, hội thi, kỳ thi cấp tỉnh thì Phòng cũng phải tự xoay sở kinh phí.

Bà Hương cũng cho rằng, đặc thù là huyện miền núi địa hình trải dài cách trở nên mỗi lần tham gia các hoạt động là cả sự nỗ lực cố gắng của thầy cô và học sinh. Việc không thể chi tiền bồi dưỡng, chế độ là thiệt thòi cho thầy cô và các em học sinh.

Lường trước những bất cập…

Chia sẻ về những bất cập nêu trên, ông Nguyễn Ngọc Thái – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, từ khi thực hiện Thông tư số 69 ngày 11/8/2021 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý kinh phí chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi áp dụng đối với giáo dục phổ thông. Sở đã tiếp cận với văn bản này và đã tham mưu cho UBND tỉnh để xin HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế cho Quyết định 12/2013 đã hết hiệu lực.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi.

Trong khi xây dựng nghị quyết thay thế, là cơ quan được UBND tỉnh giao chủ trì soạn thảo thì đơn vị lấy tất cả nội dung đã thực hiện trong Quyết định 12, đưa vào xây dựng nghị quyết thay thế và bổ sung một số nội dung cũng như là mức chi cho các hoạt động của giáo dục. Sở GD&ĐT thực hiện quy trình xây dựng đảm bảo quy phạm pháp luật, trên tinh thần cầu thị và tiếp thu ý kiến các sở ngành để tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thay thế.

Tuy nhiên, qua quá trình thẩm định có một số ý kiến khác nhau, quan điểm của Sở Tư pháp là tất cả những gì không có trong Thông tư 69 quy định thì không đưa vào.

“Khi bác những nội dung trên ra thì chúng tôi đã biết nó vướng ngay từ đầu, nhưng chúng tôi bảo vệ không được, bởi vì biểu quyết theo đa số, cho nên phải chấp nhận và sau khi Nghị quyết 33 ra đời thì trong thời gian ngắn chúng tôi phát hiện ra những bất cập. Nên gần như tất cả các hoạt động kỳ thi, cuộc thi, hội thi của ngành giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện được vì không có kinh phí. Vướng nên có tiền cũng không chi được”, ông Thái nói.

Cũng theo ông Thái, trước bất cập này, Quảng Ngãi cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị sửa đổi lại Thông tư 69 hoặc có văn bản gửi các địa phương để tháo gỡ cơ chế này thì Bộ Tài chính trả lời là ngoài những quy định tại Thông tư 69, các chính sách còn lại thực hiện theo Nghị định 163 của Chính phủ hướng dẫn luật ngân sách tức là cơ chế đặc thù của địa phương.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính thì Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND tỉnh để có báo cáo đề xuất HĐND tỉnh và được Thường trực HĐND tỉnh đã đồng ý cho UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo để xây dựng một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 33.

“Hiện nay chúng tôi đã thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi Sở Tư pháp để đơn vị này thẩm định nội dung này”, ông Thái cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cũng cho rằng, việc thẩm định không đơn giản, bởi nếu nghị quyết này một lần sửa là một lần khó và Nghị quyết này tuổi thọ của nó rất lâu cho nên nếu mà Nghị quyết này quá cứng nhắc thì các hoạt động giáo dục sẽ bế tắc tiếp.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại buổi đối thoại với ngành giáo dục và đào tạo hồi cuối tháng 4.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát biểu tại buổi đối thoại với ngành giáo dục và đào tạo hồi cuối tháng 4.

Bí thư Tỉnh ủy "gỡ khó"

Trong buổi đối thoại mới đây với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, sau khi lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, bà Bùi Thị Quỳnh Vân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng, liên quan việc sửa đổi Nghị quyết 33, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã họp và cho ý kiến.

“Có nghĩa là chúng ta sửa đổi Nghị quyết 33 và tích hợp thêm một số nội dung mới để ban hành thành một nghị quyết mới và trình HĐND tỉnh trong Kỳ họp giữa năm”, bà Vân nhấn mạnh.

Bà Vân cũng đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài chính rà soát tất cả các cuộc thi, hội thi, kỳ thi để tích hợp vào trong nghị quyết lần này, từ thực tiễn đặt ra để ban hành một nghị quyết mới.

“Trong nghị quyết sửa đổi lần này sẽ có hai phần, một là những nội dung chi theo Thông tư 69 quy định và những nội dung theo cơ chế đặc thù của tỉnh”, bà Vân kết luận.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng những vấn đề nêu ra tại cuộc đối thoại là hoàn toàn xác đáng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, từ thực tiễn đặt ra trong công việc và yêu cầu các đơn vị liên quan ngoài trả lời tại buổi đối thoại, còn phải tổng hợp, trả lời bằng văn bản cụ thể từng vấn đề và hướng xử lý.

"Với trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy, tôi xin tiếp thu đầy đủ và rất đồng cảm, chia sẻ với tất cả những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo", bà Vân nói.

Bà Vân cho hay, hiện nay chi thường xuyên của tỉnh Quảng Ngãi ổn định trong thời gian 3 năm là 9.432 tỷ đồng, có nghĩa từ 2023 – 2025 ổn định với mức chi đó, vì vậy chi cho cái nào, chi cho ngành nào cần ban hành thêm cái gì thì chúng ta phải cân đối trong tổng số trên.

"Chi thường xuyên cho giáo dục chiếm 30 - 40% tổng chi thường xuyên toàn tỉnh. Đa dạng hóa các nguồn vốn để tập trung đầu tư, phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là vấn đề Đảng, chính quyền quan tâm", bà Vân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.