Ngành giáo dục nỗ lực giảm thiểu tai nạn đuối nước cho học sinh

GD&TĐ - Ngày 23/7, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ LĐTB&XH tổ chức Tọa đàm hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống đuối nước (25/7) với chủ đề “Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh”.

Buổi tọa đàm hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đuối nước 25/7 Ảnh: Chương trình cung cấp.
Buổi tọa đàm hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đuối nước 25/7 Ảnh: Chương trình cung cấp.

Tham gia buổi tọa đàm có bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH; Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT); TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; Bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách Y tế toàn cầu … Cùng đại diện của một số bộ, ngành, đoàn thể và 12 địa phương đang triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Nỗ lực của ngành GD-ĐT

Theo ông Nguyễn Nho Huy, Bộ GD&ĐT nhận thức rất rõ vai trò, trách nhiệm trong giáo dục kiến thức kỹ năng, phòng chống tai nạn đuối cho trẻ em, HS.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH, Bộ GD&ĐT rất chủ động triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trong toàn ngành.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất. Ảnh: Chương trình cung cấp.
Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất. Ảnh: Chương trình cung cấp.

Bộ GD&ĐT đã rà soát, ban hành hệ thống văn bản, chỉ đạo triển khai xây dựng bộ tiêu chí trường học an toàn ở các bậc Mầm non, THCS và THPT. Hàng năm, Bộ GD&ĐT cũng chú trọng, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai các nội dung về phòng chống tai nạn đuối nước; Nhấn mạnh các trường cần phải tuyên truyền, giáo dục cho HS có kiến thức, kỹ năng cơ bản trong môi trường nước để chủ động phòng tránh.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng tăng cường tuyên tuyền rộng rãi, về nguy cơ đuối nước đối với trẻ em và HS trên các phương tiện truyền thông. Đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tuyên truyền giáo dục, phòng chống đuối nước trong các nhà trường.

Thời gian HS nghỉ học trực tuyến, nghỉ hè là thời điểm nhạy cảm. Nhiều gia đình chưa quản lý chặt chẽ con em mình, nên đã xảy ra một số vụ việc đuối nước thương tâm.

Cũng theo ông Huy, mặc dù đã có tiêu chí về trường học, phòng chống tai nạn thương tích, tuy nhiên do ban hành cách đây nhiều năm, nên cần phải rà soát lại để hoàn thiện, phù hợp với thời gian tới.

Trong năm, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện các bộ tài liệu để hướng dẫn GV và HS về kiến thức, kỹ năng an toàn phòng tránh đuối nước. Các năm tới, sẽ hoàn thiện tiếp tài liệu dành cho cán bộ quản lý, đặc biệt là tài liệu tuyên truyền dành cho HS.

“Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định, phê duyệt chương trình phòng chống tai nạn thương tích, giai đoạn 2021 – 2030. Trong quyết định của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ cụ thể.

Do vậy, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực, triển khai. Đặc biệt, là phòng chống tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông trong cơ sở trường học, giai đoạn 2021 – 2025 và 2025 – 2030”, ông Huy nhấn mạnh.

2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm

Theo bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ bị đuối nước, một tỷ lệ được cho là cao trong khu vực và trên thế giới.

Những năm vừa qua, với quan điểm “Bảo vệ và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em”, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, trong đó, có phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước.

Nhiều chủ trương, chính sách pháp luật được ban hành. Cùng với đó, các tỉnh thành đã cụ thể hóa kế hoạch, ban hành quyết định, hỗ trợ nguồn lực để thực hiện. Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, hoạt động cụ thể, hướng dẫn kỹ năng cho phụ huynh, người chăm sóc, trong phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH Ảnh: Chương trình cung cấp.
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH Ảnh: Chương trình cung cấp.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành được tiêu chí trường học an toàn, Bộ LĐ TB&XH ban hành tiêu chí ngôi nhà, cộng đồng an toàn. Hiện, Việt Nam có 6 triệu ngôi nhà, 8.000 trường học và 200 xã, phường an toàn cho trẻ em, đây là con số đáng khích lệ.

“Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, để thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng, chống đuối nước trẻ em”,  bà Hà nói.

TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Trong thập kỷ vừa qua, đuối đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người trên toàn cầu. Đây là 1 trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 – 14 tuổi, để lại ảnh hưởng sâu sắc đến các gia đình và cộng đồng nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về phòng chống đuối nước, với sự đồng thuận của 193 quốc gia thành viên. Nghị quyết nêu rõ, đuối nước có tác động tiêu cực trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Đuối nước, và các biện pháp phòng ngừa có liên quan đến các sáng kiến và đồng thuận trong việc đối phó với vấn đề về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Nghị quyết đã lựa chọn ngày 25/7 là Ngày ngày thế giới phòng, chống đuối nước. Điều này là cơ hội tốt để nâng cao nhận thức, về tầm quan trọng của công tác phòng chống và kêu gọi sự phối hợp đa ngành cho các giải pháp cứu sống sinh mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ