Ngành giáo dục Nghệ An huy động gần 2,7 tỷ đồng xây cầu “Cùng em tới trường”

GD&TĐ - Sau hơn 2 tháng kêu gọi, ngành giáo dục Nghệ An đã huy động được gần 2,7 tỷ đồng hỗ trợ xây 3 cầu dân sinh tại các bản làng vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong.

Lễ khởi công cầu dân sinh tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An.
Lễ khởi công cầu dân sinh tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An.

Trong 2 ngày 30 – 31/7, Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh đoàn Nghệ An, Báo Tiền phong, cùng chính quyền địa phương 3 huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong đã tổ chức lễ khởi công 3 công trình cầu dân sinh “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường”.

Nghệ An là tỉnh rộng lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều xã, bản vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Hàng năm, vào mùa mưa bão nhiều điểm trường lẻ tại các xã bản vùng xa xôi này chịu ảnh hưởng lớn do nước lũ chia cắt. Có thời điểm học sinh phải nghỉ học dài ngày, các hoạt động của trường học bị gián đoạn, tác động đến chất lượng giáo dục toàn diện.

Nghệ An có nhiều bản làng vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao ảnh hưởng đến đi lại của người dân và việc đến trường của học sinh.

Nghệ An có nhiều bản làng vùng sâu vùng xa, vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao ảnh hưởng đến đi lại của người dân và việc đến trường của học sinh.

Nhằm kịp thời sẻ chia khó khăn với bà con, các em học sinh vùng xa, đặc biệt là tạo thuận lợi hơn trong đi lại, sinh hoạt hàng ngày, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng trên địa bàn, Tỉnh đoàn Nghệ An phối hợp với Sở GD&ĐT, Báo Tiền phong triển khai kế hoạch xây dựng công trình “Cầu nối yêu thương – Cùng em tới trường”.

Thực hiện kế hoạch này, Sở GD&ĐT Nghệ An, Công đoàn giáo dục tỉnh đã có thư kêu gọi trong toàn ngành, các tổ chức, cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm chung tay đóng góp. Sau hơn 2 tháng kêu gọi, ngành giáo dục Nghệ An đã huy động được gần 2,7 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ này kết hợp nguồn đối ứng của địa phương để xây dựng 3 cầu dân sinh tại các huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong.

Lễ động thổ, khởi công công trình cầu dân sinh tại bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An - nơi chiếm phần lớn bà con người dân tộc Thái sinh sống.

Lễ động thổ, khởi công công trình cầu dân sinh tại bản Tổng Chai, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An - nơi chiếm phần lớn bà con người dân tộc Thái sinh sống.

Cầu dân sinh thứ nhất tại bản Tổng Chai xã Chi Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An). Nơi đây có suối Khe Chai, chia cắt bản Tổng Chai và Liên Đình với trung tâm xã. Học sinh của 2 bản nếu muốn tới trường phải lội qua suối, hoặc đi đường vòng cách xa hơn 5km.

Trong lễ khởi công công trình cầu dân sinh qua suối Khe Chai, ông Lô Văn Thuyền (trưởng bản Tổng Chai) phấn khởi nói: “Khi có cầu, sẽ thuận lợi rất nhiều cho bà con, các cháu nhỏ trong đi lại, giao thương, phát triển sản xuất. Bà con trong bản tình nguyện hỗ trợ để cây cầu được xây dựng nhanh nhất và bảo quản thật tốt khi hoàn thành”.

Cầu dân sinh đặt tại bản Ỏn, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An sẽ giúp gần 100 hộ dân không còn cảnh chia cắt, học sinh đến trường thuận lợi hơn

Cầu dân sinh đặt tại bản Ỏn, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ, Nghệ An sẽ giúp gần 100 hộ dân không còn cảnh chia cắt, học sinh đến trường thuận lợi hơn

Tại huyện Tân Kỳ, sau khi khảo sát, cầu dân sinh được đặt tại bản Ỏn, xã Tiên Kỳ. Đây là bản khó khăn nhất của xã chiếm tới 70% bà con người dân tộc Thái. Con suối cắt qua bản Ỏn cũng khiến cho gần 100 hộ dân nơi đây mỗi mùa mưa lũ bị chia cắt, cô lập, học sinh không thể tới trường.

Nửa số học sinh bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An phải lội bộ qua suối đến trường. Những ngày mưa lũ, các em phải nghỉ học ở nhà vì nước suối dâng cao, nguy hiểm.

Nửa số học sinh bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An phải lội bộ qua suối đến trường. Những ngày mưa lũ, các em phải nghỉ học ở nhà vì nước suối dâng cao, nguy hiểm.

Cầu dân sinh thứ 3 được xây dựng tại bản Khủn Na nơi xa xôi nhất của xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao, bản Khủn Na cũng bị chia cắt, cô lập nhiều hộ gia đình, và ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục của điểm lẻ trường mầm non và tiểu học Đồng Văn. Trong đó, riêng điểm trường tiểu học có 51 em từ lớp 1 đến lớp 5. Cho đến nay, việc xóa điểm lẻ, hoặc dồn một số lớp về trường chính Tiểu học Đồng Văn 2 vẫn chưa thể triển khai do cách xa gần 10km.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An động viên, tặng quà cho học sinh bản Khủn Na.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An động viên, tặng quà cho học sinh bản Khủn Na.

Những năm qua, nửa số trẻ và học sinh của bản phải lội qua suối để đến trường, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt vào những ngày mưa lớn, nhà trường phải nhanh chóng thông báo đến phụ huynh cho học sinh nghỉ học ở nhà, và bố trí dạy bù sau, không để trò qua suối đến trường. Vì vậy, có cầu dân sinh bắc qua suối, là mong mỏi nhiều năm nay của không chỉ bà con Khủn Na, mà còn là của học sinh, giáo viên các nhà trường.

Lễ khởi công, động thổ cầu dân sinh tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Lễ khởi công, động thổ cầu dân sinh tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, chương trình “Cầu nối yêu thương – Cùng em đến trường” có ý nghĩa giúp cho giao thông của bà con các bản vùng sâu vùng xa, bớt vất vả, khó khăn, cách trở. Nhất là việc tới trường của các em học sinh điểm trường lẻ thuận lợi, an toàn hơn. Tiếp theo 3 cầu dân sinh tại huyện Con Cuông, Tân Kỳ, Quế Phong, ngành sẽ tiếp tục vận động, kết nối thêm nhiều tấm lòng quan tâm, đồng hành cùng chương trình. Mục tiêu xây dựng thêm những chiếc cầu dân sinh khác cho bà con, học sinh vùng khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.