Theo Đại biểu Hồ Thị Minh, dù ở vị trí tư lệnh ngành Giáo dục chưa lâu, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có nỗ lực đột phá. Trong đó đặc biệt là việc đưa vào trong chương trình xây dựng pháp lệnh sửa đổi, bổ sung 2 luật là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, đó là một trong những nỗ lực thành công.
Cùng với đó là bước chuyển rõ nét trong đào tạo, chất lượng giáo dục, vấn đề thi tuyển sinh, tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc trước đó.
Tuy nhiên, cũng theo Đại biểu Hồ Thị Minh, lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực được toàn xã hội hết sức quan tâm, không chỉ người trong ngành, nên đây là điều khó với Bộ trưởng. Hy vọng, với cương vị của mình, Bộ trưởng tiếp tục có những giải pháp tối ưu hơn nữa, nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
- Bà vừa đánh giá cao nỗ lực của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc sửa đổi, bổ sung 2 luật, trong đó có là Luật Giáo dục. Vậy đâu là nội dung bà tâm huyết về những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật này?
Nhận xét chung, việc sửa đổi, bổ sung cả 2 dự thảo Luật có tính đồng bộ với các luật khác cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục rất cao.
Riêng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tôi tâm huyết với quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên để làm sao nâng cao chất lượng giáo dục.
Cụ thể, dự thảo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy. Dự thảo luật bổ sung 01 điều quy định chuyển tiếp, theo đó các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.
Nhưng, khi nâng trình độ chuẩn với giáo viên thì quy định tiền lương nhà giáo cũng phải tăng lên; như vậy thầy cô mới yên tâm công tác, toàn tâm toàn lực với việc trồng người.
Nghề giáo là nghề cao quý, đầu tư cho giáo dục không bao giờ sợ thua lỗ, nên hãy mạnh dạn đầu tư cho giáo dục, cố gắng chỉnh sửa luật để có tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Tuy nhiên có một số vấn đề đại biểu sẽ tiếp tục có ý kiến. Ví dụ, sửa đổi, bổ sung quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác; nếu ra trường làm việc đúng ngành trong thời gian nhất định thì được xóa nợ.
Đây là giải pháp hay để thu hút những sinh viên vào học ngành sư phạm, đặc biệt vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhưng nếu sinh viên ra trường có được xóa nợ hay không – phương án này cần được tính đến.
- Bà nhấn mạnh đến chính sách tiền lương nhà giáo, nhưng điều này đã được đưa ra khỏi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục?
Dù nội dung này đã đưa ra khỏi dự thảo Luật, nhưng với tư cách là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục có tiếng nói để đưa ra, có lộ trình, kế hoạch như thế nào đó để trong dự thảo Luật phải có chương, mục đặt ra rằng, chế độ tiền lương của ngành Giáo dục phải tương ứng, xứng đáng với vị trí việc làm của họ hiện nay.
- Xin cảm ơn bà!