Ngành GD&ĐT Hưng Yên: Lấy chất lượng đội ngũ làm giải pháp chiến lược

GD&TĐ - Năm học 2016 – 2017 vừa qua Ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm, 5 giải pháp cơ bản và đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Ngành GD Hưng Yên tiếp tục lấy nâng cao chất lượng đội ngũ làm giải pháp chiến lược, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục trong năm học mới
Ngành GD Hưng Yên tiếp tục lấy nâng cao chất lượng đội ngũ làm giải pháp chiến lược, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng giáo dục trong năm học mới

Trong đó, giải pháp chiến lược, căn cơ được tỉnh đẩy mạnh thực hiện là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục.

Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên về giải pháp chiến lược trong năm học mới.

Nhìn lại năm học 2016- 2017 vừa qua, ông có thể đánh giá các mặt công tác được Ngành Giáo dục Hưng Yên tập trung thực hiện và có kết quả nổi bật?

Được sự quan tâm, lãnh đạo của Bộ GD&ĐT, của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ngành Giáo dục Hưng Yên phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể:

Thực hiện tốt công tác rà soát, quy hoạch phân bổ, sắp xếp mạng lưới, quy mô trường lớp các cơ sở giáo dục, đến nay mạng lưới giáo dục và qui mô trường lớp tiếp tục ổn định. Thực hiện tốt việc bồi dưỡng đội ngũ CBQL, GV. Chất lượng PCGD luôn ở mức cao; Công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT đạt kết quả tốt;

Kỉ cương nền nếp trong các hoạt động giáo dục được nâng cao, thực hiện đánh giá đúng chất lượng thực của học sinh, chất lượng công tác giảng dạy của GV. Đổi mới PPDH và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, CCHC và nghiên cứu. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các phần mềm, thiết bị CNTT trong quản lí, chỉ đạo và dạy – học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được trang bị đồng bộ, theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho công tác dạy - học đạt chất lượng cao.

Chất lượng dạy và học ở các bậc học tiếp tục được nâng lên. Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, có 97,61% học sinh của tỉnh thi đỗ tốt nghiệp, trong đó có 89 điểm 10, học sinh đạt từ 27 điểm trở lên là 313 lượt trong tổ hợp các khối thi. Về giáo dục mũi nhọn, năm 2017 có 39 học sinh của tỉnh đạt giải trong kỳ thi HSG cấp quốc gia với 2 giải Nhất, 9 giải Nhì, 6 giải Ba và 22 giải Khuyến khích...

Trong việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp cơ bản của năm học, đâu là giải pháp căn cơ mà Ngành Giáo dục tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện, phù hợp với thực tế điều kiện của tỉnh, thưa ông?

Trên bình diện chung đẩy mạnh thực hiện 5 giải pháp Bộ GD&ĐT đưa ra, Từ thực tế giáo dục của Hưng Yên, Sở GD&ĐT đưa ra giải pháp căn cơ là thực hiện bồi dưỡng GV theo nhiều cách thức hiệu quả khác nhau để tạo nên sự bứt phá, hiệu quả trong giảng dạy. Như việc tích cực tổ chức đưa GV đi thăm quan các mô hình, điểm sáng giáo dục của các tỉnh bạn, của TP Hà Nội;

Với các nhà trường, đã liên kết với các trung tâm bồi dưỡng GV, tổ chức các lớp bồi dưỡng theo nhu cầu của GV. Sở cũng thường xuyên tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn, mời các chuyên gia có phương pháp tốt về giảng dạy. Những buổi như thế Sở có sử dụng CNTT, tổ chức truyền hình đến tất cả các đơn vị nhà trường có nhu cầu, ngồi xem trực tiếp xem và rút kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên
 Ông Nguyễn Văn Phê – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên

Đối với nội dung bồi dưỡng GV, ngoài tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm, Hưng Yên chủ động tăng cường hội nhập và giao lưu quốc tế để nâng cao năng lực đội ngũ GV. Năm nay, Hưng Yên có liên kết với tỉnh Incheon (Hàn Quốc) cử đội ngũ GV sang bồi dưỡng cho 100 GV cốt cán hai môn Vật lý và Sinh học cấp THCS, THPT của tỉnh.Qua đây, GV vừa nâng cao năng lực giảng dạy vừa hoàn thiện khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Đây cũng là một nội dung công tác khác có liên quan đó là tác hợp tác quốc tế. Hưng Yên tăng cường các trường Phổ thông giao lưu, kết nghĩa với trường học các nước để tăng cường trao đổi PPDH, mô hình dạy học tiên tiến, trong đó có mô hình giáo dục thông minh của Hàn Quốc, nâng cao trình độ tiếng Anh cho cả học sinh và GV; Đồng thời phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ giáo dục Hưng Yên nghiên cứu khoa học.

Trong năm học mới, giải pháp mang tính chiến lược, căn cơ này sẽ được Ngành Giáo dục Hưng Yên đẩy mạnh thực hiện như thế nào để tạo bước tiến vững chắc và dấu ấn riêng của tỉnh?

Trong năm học mới, trên cơ sở Chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT, Hưng Yên cũng sẽ xây dựng 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp thực hiện và có những giải pháp riêng trên cơ sở những giải pháp chung Bộ đưa ra để thực hiện nhiệm vụ năm học.

Giải pháp mang tính chiến lược tiếp tục sẽ là bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQL ở mức độ cao hơn, và đặc biệt là nội dung bồi dưỡng sẽ sâu hơn, tập trung vào bồi dưỡng GV để tiếp cận được với đổi mới chương trình, SGK.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng CNTT cao hơn nữa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, các nhà trường, các cấp quản lý chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp truyền thông trong từng công việc cụ thể có khả thi cao đến tất cả các đối tượng liên quan, thu nhận thông tin để tiếp tục có phương pháp điều chỉnh cách thức quản lý, quản trị…

Tiếp nối thành công của năm học vừa qua, năm học 2017 – 2018, Ngành Giáo dục Hưng Yên sẽ luôn luôn bám sát cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; Chúng tôi hướng đến các thầy, cô giáo trong đội ngũ của mình rèn luyện, phấn đấu theo đạo đức nghề nghiệp; “tự học” là cái mà mỗi thầy, cô giáo Ngành Giáo dục Hưng Yên bắt buộc phải có. Không những là nằm trong định hướng học tập suốt đời mà cũng là để các thầy, cô giáo cập nhật kiến thức đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Ngoài công tác đội ngũ, những mặt công tác nào trong năm học vừa qua của Ngành Giáo dục Hưng Yên đã tập trung nguồn lực thực hiện?

Trong năm học, Hưng Yên còn đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, quản lý CCHC và kiểm tra, đánh giá. Sở đã tham mưu và tranh thủ được sự đồng thuận của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đầu tư, mua sắm trang bị thiết bị CNTT. Đặc biệt là hỗ trợ phần mềm giảng dạy trong dạy – học của GV và học sinh. Đối với phần kiểm tra, đánh giá có đặt hàng thiết kế phần mềm kiểm tra, đánh giá, phần mềm thi online;

Tôi muốn nhấn mạnh đặc biệt ở đây là công tác đẩy mạnh đổi mới các kỳ thi. Kỳ tuyển sinh THCS lên THPT Sở cũng áp dụng hình thức thi 50% trắc nghiệm khách quan, 50% tự luận và trong đó có một bài thi tổng hợp. Sở mong muốn đổi mới như thế sẽ làm tiền đề tốt cho học sinh học toàn diện ở bậc THPT, các em học sinh được làm quen dần với cách thi hiện nay. Bởi năm tới, chương trình thi của kỳ thi THPT quốc gia sẽ đến lớp 11, năm nữa sẽ đến lớp 10.

Học sinh được tiếp cận ngay từ THCS trở lên. Áp dụng cách thi vào lớp10 THPT như tỉnh Hưng Yên năm vừa qua ở cấp THCS sẽ phải dạy đều ở tất cả các môn, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ bị triệt tiêu và không còn học sinh học tủ, học lệch nữa.

Nhờ cách kiểm tra đánh giá đó, công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò ở Hưng Yên đã thay đổi, nhẹ nhàng hơn, học sinh được vui chơi nhiều hơn, không còn tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận. Trong năm học mới, cách dạy và học này tiếp tục được tỉnh Hưng Yên tiếp nối phát huy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong Chỉ thị năm học mới.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ