Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh, chỉ rõ: Chỉ thị 2268 của Bộ GD&ĐT về triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 đặt ra 6 nhiệm vụ quan trọng. Hội nghị cần đánh giá thực trạng thực hiện nhiệm vụ, bám sát 6 trọng tâm, cũng như chia sẻ những điểm sáng, mô hình hay, đồng thời chỉ rõ hạn chế tồn tại, cần thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan nào để xảy ra hạn chế, tồn tại, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đề xuất thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 – 2021.
Các tham luận cần bàn thảo, việc ban hành văn bản quản lý bậc học có phù hợp hay không, có gì bất cập, chỉ ra hạn chế để phối hợp với các cơ quan khác. Công tác quy hoạch mạng lưới sao cho đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Việc mong muốn mỗi xã có 1 trường mầm non được triển khai thế nào, tình trạng lồng ghép cơ học có hay không, hệ quả ra sao. Giải pháp thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi sao cho chất lượng, tổ chức học 2 buổi/ngày, tuyển GV theo đề án vị trí việc làm, cơ chế chính sách hỗ trợ cho GV, nhân viên y tế, chuẩn nghề nghiệp GV, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống… có những bất cập gì.
Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý Hội thảo về việc đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số và Chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, bạo hành trong trường mầm non, những vướng mắc khó khăn trong thực hiện chương trình cho trẻ làm quen với tiếng Anh, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chăm sóc nuôi dạy trẻ. Hội thảo cũng cần thảo luận chỉ tiêu năm học đặt ra, phù hợp và không phù hợp, điều chỉnh thế nào. Chúng ta cần trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm cao, đề ra phương hướng, nhiệm vụ thực hiện triển khai năm học 2020 – 2021, là năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới hiệu quả, chất lượng.
Báo cáo tổng kết năm học được Vụ trưởng Vụ GD Mầm non Nguyễn Bá Minh trình bày nêu ngành học GDMN đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ; linh hoạt sáng tạo trong tổ chức hoàn thành chương trình giáo dục trong bối cảnh phòng chống Dịch Covid-19; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; Xây dựng và ban hành được những văn bản quan trọng, tạo động lực cho giáo dục mầm non phát triển; Các cấp quản lý thực hiện tốt công tác chỉ đạo hướng dẫn, thiết lập được cơ chế kiểm tra giám sát, công tác kiểm tra giám sát có nhiều chuyển biến; Về cơ bản khắc phục được tình trạng bạo hành trẻ, tình trạng để mất an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được cải thiện rõ rệt...
Bên cạnh đó, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, giai đoạn 2016-2020”, kết quả thực hiện đã tác động tích cực đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; đánh giá lựa chọn được những điển hình tốt trong thực hiện Chuyên đề để tôn vinh và nhân rộng; Các địa phương thực hiện có hiệu quả việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, giúp các em vượt rào cản ngôn ngữ, nâng cao chất lượng chẩn bị cho trẻ vào lớp 1; Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương; các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ được quan tâm đầu tư; Công tác truyền thông được đẩy mạnh về cả nội dung và hình thức.