Ngành GD-ĐT có bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực CNTT

GD&TĐ - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin truyền thông tổ chức sáng nay 28/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có bài phát biểu tham luận về vai trò của CNTT trong giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết trong năm 2019, ngành GD-ĐT đã có bước đột phá về ứng dụng công nghệ trong quản lí và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Bộ trưởng nêu rõ: Trong năm qua, ngành giáo dục đã số hoá được 53.000 cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Đã có 1,5 triệu giáo viên kết nối theo thời gian thực vào cơ sở dữ liệu để giải quyết bài toàn thừa thiếu giáo viên. Đây là bước đột phá về công nghệ trong quản lý của Bộ GD&ĐT.

 Ngành giáo dục luôn coi CNTT là 1 trong 9 nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong những năm học gần đây. Đầu tiên là việc số hoá sổ điểm, học bạ. Hiện đã số hoá được 7% và năm 2020 sẽ lên mức 90%. Khi đó, tính minh bạch sẽ tốt hơn, và Bộ GD&ĐT đã xây dựng chuẩn kết nối dữ liệu liên thông giữa cơ sở giáo dục với Bộ.
 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đối với hệ tri thức Việt số hoá, Bộ đã đưa lên hơn 5.000 bài giảng cùng hơn 4.000 câu hỏi trắc nghiệm và tích cực đưa các phương pháp dạy học trên nền tảng số, tạo đột phá trong ngành giáo dục. Bộ đã chỉ đạo đưa chương trình đào tạo kỹ năng ICT, chuyển đổi số cho học sinh tiểu học từ lớp 3, để hình thành thế hệ công dân số.

Theo Bộ trưởng, chuyển đổi số là xu hướng đang diễn ra rất mạnh và doanh nghiệp kì vọng nhiều vào nguồn nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số. Tới đây, đề án chuyển đổi số quốc gia sẽ được ban hành nhưng trước đó, Bộ đã chỉ đạo tập trung nguồn nhân lực không chỉ là kỹ sư CNTT mà còn đào tạo các cháu còn nhỏ có kiến thức, kỹ năng ICT, chuyển đổi số bằng cách đưa vào chương trình học bắt buộc từ lớp 3.

Với 2 triệu học sinh tiểu học từ lớp 3, các công dân sau 10 năm tới sẽ có kỹ năng chuyển đổi số rất tốt. Từ đó, còn tạo hiệu quả kép giúp người lớn như ông bà bố mẹ có kỹ năng số hoá. Đây là nền tảng để hình thành nên một thế hệ công dân số, tạo nên khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường nhờ vào công nghệ.

CNTT có vai trò lớn đối với ngành giáo dục.
 CNTT có vai trò lớn đối với ngành giáo dục.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT trong thời gian qua đã có sự hợp tác chặt chẽ với Bộ TT&TT để đào tạo nguồn nhân lực CNTT thông qua việc đổi mới chương trình. Hiện đang có 140 cơ sở đào tạo về CNTT, tuyển sinh hơn 30.000 học sinh hàng năm. Đây là cơ sở quan trọng để đào tạo, đóng góp cho nhân lực CNTT dù chất lượng còn phải thay đổi nhiều trong thời gian tới.

Tới đây sẽ tiếp tục quy hoạch, định hướng những ngành xã hội đang cần để có sự đầu tư trọng điểm, tạo không gian đổi mới sáng tạo và khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia.

Để thực hiện tốt việc phát triển nhân lực chuyển đổi số, Bộ GD&ĐT mong muốn có sự hợp tác với Bộ TT&TT đưa kỹ năng chuyển đổi số vào chương trình đào tạo ở trường Đại học và THPT, nhu cầu doanh nghiệp gắn kết vào để đào tạo sát với thực tiễn.

Bộ GD&ĐT cũng mong muốn các doanh nghiệp công nghệ đề xuất nhu cầu những ngành đạo tạo trong 5-10 năm tới để Bộ có thể từ đó đưa ra yêu cầu cho các trường đại học mở mã ngành tương ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường dài hạn trong tương lai.

Đối với chủ trương Chính phủ điện tử, trong việc xây dựng khung kiến thức phiên bản 2.0, Bộ GD&ĐT mong muốn Bộ TT&TT hỗ trợ để xây dựng chuẩn dữ liệu, cổng dịch vụ công quốc gia để có thể liên thông đảm bảo hiệu quả ngay từ đầu. - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ