Theo các nhà phân tích, trong trường hợp xấu nhất, giá một thùng dầu được dự báo sẽ giảm xuống còn 30 USD. Với những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu lửa thì đây là một thách thức không hề nhỏ.
Dầu lửa và virus Corona
Ngay từ ngày 20/1, khi những tin tức đầu tiên về virus Corona ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện, giá dầu vẫn ở mức trên 65 USD/thùng. Tuy nhiên, vào thứ Hai (3/2), dầu được giao dịch dưới mức 57 USD/ thùng. Thậm chí vào tối thứ Ba, báo giá trong khu vực là 55 USD/thùng, nhưng trên thực tế, dầu Brent đã xuống dưới 54 USD/ thùng.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nhận định: “Có rất nhiều điều không chắc chắn trên thị trường dầu mỏ và có lẽ đây là nguyên nhân gây ra những nỗi sợ hãi, hoảng loạn như vậy”. Ông Novak khẳng định, Nga luôn liên lạc trực tiếp với OPEC + và đang theo dõi tác động của hoạt động kinh tế sụt giảm với nhu cầu dầu mỏ.
“Đầu năm nay, Công ty dầu khí BP của Anh ước tính rằng, sự tăng trưởng của nhu cầu dầu sẽ vào khoảng 1,2 triệu thùng. Tuy nhiên, coronavirus đã làm giảm mức tăng trưởng nhu cầu trung bình hàng năm từ 300 - 500 nghìn thùng mỗi ngày” – ông Brian Gilwary, Giám đốc Điều hành của BP nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg cho biết.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã loan tin rằng nhu cầu về dầu ở Trung Quốc đã giảm 20%, tương đương 3 triệu thùng mỗi ngày trong tổng lượng tiêu thụ thông thường của giai đoạn này.
Thực tế là virus Corona đã khiến giao thông và sản xuất ở Trung Quốc đình trệ trong một thời gian dài hơn nhiều so với các ngày lễ chính thức vào Tết Nguyên đán. Trong tuần này, nhiều người lao động đã từ bỏ và không bao giờ trở lại với công việc của họ. Các hoạt động phong trào cũng hạn chế và như vậy, nhu cầu về dầu giảm mạnh.
Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến cả trong quý đầu tiên và trong năm nay sẽ giảm mạnh, dẫn đến việc giảm đáng kể lượng tiêu thụ dầu và các sản phẩm dầu trong nước. Khi nền kinh tế Trung Quốc đình trệ sẽ làm tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới chậm lại - Oksana Lukicheva, nhà phân tích tại bộ phận nghiên cứu toàn cầu của “Otkritie Broker” cho biết.
Vào thời điểm hiện tại, dầu lửa có tiếp tục giảm thêm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tin tức về Corona virus và thành công của cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Nếu sự lây lan của virus chậm lại và dịch bệnh có thể tránh được, thì giá dầu chắc chắn sẽ được khôi phục. Nếu virus Corona tiếp tục giết chết hàng loạt không chỉ người Trung Quốc, mà cả những người khác trên thế giới, giá dầu chắc chắn sẽ tiếp tục lao dốc.
Giải pháp nào để giữ giá dầu?
Ông Alexander Kuptsikevich, nhà phân tích hàng đầu tại FxPro khẳng định, nếu để thị trường dầu tự điều tiết như hiện nay, thì dầu có khả năng sẽ giảm xuống dưới 30 USD/ thùng.
Tuy nhiên, các thành viên OPEC +, bao gồm cả Nga sẽ không cho phép giá dầu lao dốc như vậy. Vào cuối năm ngoái, các thành viên của tổ chức này đã thắt chặt hạn ngạch sản xuất để đáp ứng với tăng trưởng nhu cầu giảm. Và bây giờ, họ có thể làm chủ tình hình.
Trong bối cảnh ấy, từ ngày 4 - 5/2, các nước OPEC đã khẩn trương thảo luận về tình hình hiện tại dưới định dạng ủy ban kỹ thuật. Một cuộc họp cấp bộ trưởng bất thường theo định dạng OPEC + dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 14 - 15/2 thay cho cuộc họp định kỳ vào tháng 3.
Trước đó, Tổng thống Nga V. Putin và Quốc vương Ả - Rập Xê - Út Salman bin Abdel-Aziz al Saud đã có cuộc trò chuyện qua điện thoại về vấn đề tương tác trong OPEC +, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga cho biết. Theo ông Peskov, Nga “sẵn sàng hợp tác ở định dạng này”.
Một trong những kịch bản được thảo luận là giảm sản lượng dầu thêm 500 nghìn thùng mỗi ngày cho đến khi dịch Corona virus giảm. Nhưng một nguồn tin trên Wall Street Journal khẳng định rằng, OPEC + đang cân nhắc một phản ứng mạnh mẽ hơn đối với sự bùng phát của Corona virus tại Trung Quốc - giảm sản lượng ngay lập tức từ 0,8 - 1 triệu thùng mỗi ngày.
Theo các nhà phân tích, OPEC + hoàn toàn có khả năng ổn định thị trường. Trong khi OPEC + hỗ trợ thị trường bằng cách giảm sản xuất, mức 45 - 50 USD/ thùng dầu Brent được xem là mức giá “không thể xuyên thủng” - ông Kuptsykevich nhận định.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra rằng OPEC+ sẽ sử dụng “liều thuốc” giảm sản lượng khai thác này trong bao lâu?
Ông Kuptsikevich cho rằng, không loại trừ những nhà sản xuất lớn như Ả - Rập Xê - Út hoặc Nga có thể một lần nữa quay trở lại với ý tưởng để giá dầu rơi xuống đáy nhằm đẩy những nhà sản xuất kém hiệu quả nhất ra khỏi thị trường.