Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản

 Đồ đạc của người chết sẽ được thu gom, phân loại, đóng gói và xuất khẩu sang các nước chuộng đồ cũ Nhật Bản như Philippines.

Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản
Han bắt đầu nghề dọn dẹp nhà người chết và thu gom đồ cũ năm 2012. Ảnh: SCMP.

Han bắt đầu nghề dọn dẹp nhà người chết và thu gom đồ cũ năm 2012. Ảnh:SCMP.

Jeongja Han trút ngăn kéo đầy bút và bật lửa vào túi nhựa, trong khi khách hàng của cô, một góa phụ ngoài 50 tuổi ngồi yên trên ghế đẩu quan sát. Chồng của bà chết vì tai nạn xe hơi cách đây vài tuần, để bà lại một mình trong căn hộ rộng rãi hai phòng ngủ ở Ebisu, khu ngoại ô thượng lưu của Tokyo, theo SCMP.

Họ không có con cái để thừa kế. Vì vậy, góa phụ đưa ra yêu cầu rất đơn giản với Han: "Hãy vứt đi mọi thứ". Han là giám đốc Tail Project, một công ty thành lập đã 6 năm có trụ sở tại Tokyo, chuyên xử lý tài sản của người chết. Đối với cô, công việc này rất đơn giản. Cô và nhóm ba người bắt đầu lúc 9h sáng. Một xe tải nhỏ chờ dưới phố sẽ chất đầy đồ đạc vào lúc 13h. Sau đó, cô sẽ đi cùng xe tới một công ty chuyên thu mua đồ cũ, nơi sẽ đóng gói và vận chuyển chúng ra nước ngoài, xuất khẩu cho người mua ở Philippines.

Những công ty như Tail Project đang phát triển ở đất nước mà mỗi năm có ngày càng nhiều người chết cô độc. Năm 2017, chỉ có 946.060 ca sinh ở Nhật Bản nhưng có tới 1,3 triệu ca tử vong, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp đất nước mặt trời mọc suy giảm dân số. Theo ước tính, dân số Nhật Bản có thể giảm một phần ba trong vòng 50 năm tới, và khả năng đảo ngược rất ít.

Theo Hiệp hội Dọn dẹp Chuyên nghiệp với 8.000 công ty thành viên, mỗi năm doanh thu của ngành xử lý tài sản người chết là 4,5 tỷ USD. Trong vòng 5 tới 10 năm tới, nhóm này dự kiến số thành viên sẽ tăng gấp đôi. 

Giờ thì Han đang rất bận rộn. Cô tiếp tục bỏ đi một ngăn kéo khác toàn rác, bên trong đầy các hộp dập ghim chưa được mở ra. Han nhặt lên một con dấu cá nhân màu nâu, hỏi góa phụ: "Bà có muốn giữ lại cái này không". Người phụ nữ có gương mặt hình bầu dục, hai mắt thâm quầng, lặng im suốt buổi dọn dẹp, lắc đầu nói với Han: "Không, cảm ơn". Cô tiếp tục quỳ gối dọn dẹp trong nhà bếp của góa phụ, vây quanh là từng thùng các-tông đầy hàng hóa có thể bán được như bát đĩa, đồ sơn mài, nửa chai vang và sake.

Nhân viên của Han xếp đồ lên xe tải. Ảnh: SCMP.

Nhân viên của Han xếp đồ lên xe tải. Ảnh:SCMP.

Han năm nay 50 tuổi nhưng nhìn rất trẻ bởi mặt tròn, tóc ngắn. Gốc gác là người Hàn Quốc nhưng cô sống ở Nhật cả đời. Han từng làm tiếp viên cho hãng hàng không Japan Airlines. Cô luôn tay dọn dẹp, vừa khuyên nhủ góa phụ chớ đau buồn quá. Năng lực tương tác là một yếu tố quan trọng trong nghề này, bởi cạnh tranh rất gay gắt. Người biết trò chuyện và dọn dẹp sạch sẽ thường nhận được nhiều hợp đồng hơn. Những lúc không phải dọn dẹp hay đi bán đồ cũ, Han thường du lịch vòng quanh Nhật Bản để đấu thầu thêm hợp đồng. 

Vừa gói đồ thủy tinh bằng báo, Han vừa giải thích cô nhận ra nhu cầu loại hình kinh doanh này khi mẹ qua đời. Khi đó, cô vẫn làm tiếp viên, cảm thấy không thể nhờ cậy vào người nhà để dọn dẹp đồ của mẹ. Cô muốn thuê một người vừa biết dọn dẹp, vừa biết an ủi để giúp đỡ gia đình. Vài năm sau, một người bạn của Han tâm sự muốn tìm kiếm một ngành nghề mới sau trận động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011. Đó là người sáng lập Active - Techno, công ty sản xuất tấm sơn kim loại thuộc tập đoàn Toyota. Ông này nói với Han rằng gần đây vừa đọc một bài báo về nghề dọn dẹp.

"Ông ấy nói, "Có lẽ tôi sẽ làm nghề này"", Han nhớ lại. "Tôi bảo, "Ôi không. Tôi mới là người làm việc đó"".

Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản ảnh 3
Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản ảnh 4
Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản ảnh 5
Ngành công nghiệp phát triển từ hiện tượng chết cô độc ở Nhật Bản ảnh 6
  Căn phòng đầy đồ đạc trước (trên) và trống trơn sau khi Han dọn dẹp (dưới). Ảnh: SCMP.
Tail Project thành lập như một bộ phận của Active - Techno năm 2012. Tuy công ty không tiết lộ kết quả tài chính, nhưng Han xác nhận đội ba nhân viên của cô chiếm một phần ba tổng số nhân viên của Active - Techno. Cô có giấy phép mua bán đồ cũ và giấy chứng nhận tương tự nhân viên pháp y. Cô mở điện thoại phần thư mục ảnh, dừng lại ở ảnh một cái giường. Trên ga trải giường là vệt sẫm màu do thi thể phân hủy để lại. "Tôi không dọn cái xác", Han nói. "Nhưng tôi được đào tạo để làm sạch những gì nó để lại". Cô tiếp tục lướt qua các tấm hình cho thấy tóc còn dính trên chiếu cói, hay hình một thi thể ở giữa đống bừa bộn.

Hideto Kone, phó chủ tịch Hiệp hội Dọn dẹp Chuyên nghiệp cho hay tỷ lệ chết cô độc chiếm 30% thị trường làm sạch. "Nhà ma" - nơi người lớn tuổi qua đời một mình không ai hay và xác bị thối rữa, chiếm 20%. Phần còn lại là công việc dọn dẹp do người thân thuê mướn. Từ năm 2007 đến 2016, hơn 100.000 công ty Nhật Bản đã được cấp giấy phép kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng. Người ta trả cho Han và các công ty làm sạch khác khoảng 2.200 - 3.200 USD cho một ngày công, nhưng chi phí có thể lên tới hàng chục nghìn USD tùy vào quy mô công việc và thời gian.

Phí xử lý rác thải ở Nhật Bản rất cao, vì thế thị trường mua bán hàng hóa cũ rất sôi động. Trong năm 2016, ngành công nghiệp này kiếm được 16 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015 và 30% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,1% thị trường bán lẻ Nhật Bản. Nó cũng truyền cảm hứng cho sự bùng nổ các cửa hiệu cầm đồ và tái chế. 

Chiếc xe tải nhỏ của Han đỗ dưới phố trước cửa căn hộ của góa phụ đã gần đầy. Nhân viên của cô đang sắp xếp đồ sao cho tiết kiệm diện tích. Trong khi thị trường đồ cũ ở Nhật Bản đang bùng nổ, thì thị trường toàn cầu với đồ cũ Nhật Bản cũng phát triển nhanh không kém.

Ví dụ, Han chỉ vào một số chậu cây và nói: "Chúng tôi thu mua và bán lại chúng với giá từ 10 đến 100 yen (0,089 - 0,89 USD)". Đa số là bán đi châu Phi, nhưng hầu hết hàng hóa mà Han thu dọn đều bán sang Philippines. "Người Philippines rất chuộng hàng Nhật Bản", Han nói.

Các nước Đông Nam Á là những khách hàng lớn thu mua hàng hóa cũ Nhật Bản. Năm 2017, gần 2.500 container đã vận chuyển xe đạp, dụng cụ cầm tay, dụng cụ điện, thiết bị nghe nhìn, hàng gia dụng đã qua sử dụng tại Nhật Bản sang khu vực này. 

Cách Tokyo khoảng 30 km, tại thành phố Yamato, ông Tetsuaki Muraoka 67 tuổi đang bận rộn điều hành công việc. Một xe nâng chạy đi chạy lại, mang theo nào là tủ lạnh, ghế đẩu, lò vi sóng Panasonic. Nó đang chất đồ vào một container dài 12 mét. Sáng mai, khi đã đầy, container sẽ được chuyển đi Philippines.

Han là một trong những khách hàng thân thiết nhất của Muraoka. Cô dừng lại ở một cái ghế mây vừa bán cho ông. Han bán nó với cái giá 700 yên (6,2 USD), rẻ gần như cho. Muraoka cười, bảo thế còn tốt hơn là ném vào lò đốt.

Khi Han và Muraoka đang trò chuyện, công nhân niêm phong một container chuyển ra ngoài. "Thị trường Philippines sẽ không tồn tại mãi", Han nói. "Khi mức sống khá hơn, họ sẽ muốn sắm sửa đồ mới. Sau đó thì sao?"

Chuyện này từng xảy ra. Trước Philippines, Thái Lan là điểm đến ưa thích của đồ cũ Nhật Bản, nhưng thị trường mất dần từ khi Thái Lan giàu có hơn. "Có lẽ tiếp theo sẽ là Campuchia", Han nhận định.

Tetsuaki Muraoka đứng trước kho thu mua đồ cũ của mình ở ngoại ô Tokyo. Ảnh: SCMP.

Tetsuaki Muraoka đứng trước kho thu mua đồ cũ của mình ở ngoại ô Tokyo. Ảnh:SCMP.

Ngành công nghiệp đồ cũ của Nhật Bản gặp thách thức khi thu nhập đầu người tại các nước đang phát triển tăng lên. Ngoài ra, hàng hóa giá rẻ do Trung Quốc sản xuất cũng cạnh tranh với đồ cũ Nhật Bản. Về lâu dài, cả hai xu hướng này đều đe dọa tới số lượng đồ cũ mà Han buộc phải ném vào lò đốt rác công nghệ cao của Nhật Bản. Khi dân số tiếp tục già đi và suy thoái, việc kinh doanh của Han sẽ chỉ tăng lên. Han không lo lắng chút nào. Thu nhập từ nghề dọn dẹp vẫn tốt.

"Tôi không muốn thừa nhận rằng tôi đã quen với việc dọn dẹp nhà người chết, nhưng tôi vẫn buộc phải thừa nhận", Han nói.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.