Trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ đã hết hiệu lực, bài toán thu hồi nợ xấu ngày càng trở nên nan giải. Các ngân hàng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và khơi thông “dòng chảy” tín dụng ra nền kinh tế.
Ngân hàng tích cực “rao bán” tài sản
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh KCN Quế Võ (Bắc Ninh) đã ra thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ SHC Việt Nam.
Tính đến ngày 27/8/2024, tổng dư nợ của công ty này là hơn 75,7 tỷ đồng, bao gồm 51,8 tỷ đồng nợ gốc, 18,4 tỷ đồng lãi trong hạn và gần 5,5 tỷ đồng lãi quá hạn. Mức giá khởi điểm được đưa ra là hơn 54 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 9/2024, khoản nợ này từng được đấu giá với giá khởi điểm 74,1 tỷ đồng nhưng không thành công.
Vietinbank Chi nhánh KCN Biên Hòa (Đồng Nai) mới đây cũng thông báo đấu giá (lần 3) khoản nợ của Công ty TNHH Nghê Huỳnh. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ bao gồm bất động sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thửa đất có diện tích 10.000m2, có mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, tài sản đảm bảo cho khoản nợ còn có hàng tồn kho và khoản phải thu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Nghê Huỳnh. Tổng giá trị khoản nợ tạm tính theo sổ sách đến thời điểm hết ngày 20/11/2024 là 60 tỷ đồng. Giá khởi điểm bán đấu giá các khoản nợ là 48,6 tỷ đồng.
VietinBank Chi nhánh Vĩnh Long cũng thông báo về việc bán tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Bột mì Đại Nam. Tài sản chào bán là quyền sử dụng đất có tổng diện tích 439,6 m2 với phần lớn là đất ở đô thị, nằm tại TP Thủ Đức, TPHCM.
Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô (Hà Nội) mới đây cũng thông báo bán khoản nợ của Công ty Cổ phần Hằng Hà, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi, phí phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch mua bán nợ.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 5, ngân hàng rao bán khoản nợ này. Theo đó, tổng dư nợ tính đến hết ngày 31/10/2024 là hơn 730 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là gần 433,7 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là gần 296,4 tỷ đồng, theo hai hợp đồng cấp tín dụng lần lượt là gần 528,75 tỷ đồng nợ gốc ký năm 2014 và 5 tỷ đồng nợ gốc ký năm 2017.
Một trong các tài sản thế chấp cho khoản vay nêu trên là toàn bộ tài sản hình thành từ dự án Bệnh viện Phụ sản quốc tế Đức Giang tại địa chỉ phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội.
Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn (TPHCM) cũng vừa thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm gồm 3 xe khách giường nằm hiệu THACO mang biển số TPHCM. Giá khởi điểm bán đấu giá của các tài sản là hơn 524,6 triệu đồng, giảm 359 triệu đồng so với thời điểm ngân hàng rao bán hồi tháng 5/2024.
Có thể thấy, tình trạng nợ xấu gia tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều thách thức đang gây áp lực lớn lên hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng năm 2022 tăng 36% so với năm trước, năm 2023 tăng tiếp 45%, và đến năm 2024 mức tăng vẫn đạt 15,85%. Riêng nợ nhóm 5 - nhóm nợ có khả năng mất vốn đã tăng lên 118.915 tỷ đồng, tăng gần 40% so với đầu năm.
Trong các nhà băng có nợ xấu cao, có thể kể đến như: Ngân hàng Quốc dân (NCB) có tỷ lệ nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5/cho vay khách hàng) lớn nhất 16,69%; VPBank 4,2%; OCB 4,02%; ABBank 3,74%; VIB 3,51%… Cụ thể, NCB có quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3 - 5) là 13.907 tỷ đồng, tỷ lệ bao nợ xấu chỉ 8,6%. VPBank có 29.070 tỷ đồng nợ xấu, với tỷ lệ bao nợ xấu là 56,17%. Quy mô nợ xấu tại VIB là 11.373 tỷ đồng, tỷ lệ bao nợ xấu là 50,06%…
Thậm chí, ở 4 ngân hàng mới được chuyển giao bắt buộc, tỷ lệ nợ xấu nội bảng rất cao, chẳng hạn Ngân hàng Số Vikki (tên cũ DongA Bank) có tỷ lệ nợ xấu 46,1%; VCBNeo (tên cũ CBBank) 43,76%; GPBank 15,87%; MBV (tên cũ OceanBank) 7,18%. Đáng chú ý, SCB đang trong diện kiểm soát đặc biệt có tỷ lệ nợ xấu lên tới 98,5%.

Mong “luật hóa” Nghị quyết 42/2017/QH14
Sự gia tăng nợ xấu kéo theo áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, vừa gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng, đồng thời cũng gây ra nhiều hệ lụy đáng lo.
Theo báo cáo của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho thấy, năm 2024, tổng chi phí dự phòng của các ngân hàng đạt 133.237 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2023; trong khi năm 2022 - 2023 chỉ tăng lần lượt 0,8% và 2,6%. Điều này làm giảm khả năng cấp tín dụng mới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng để hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Khi các ngân hàng không thể xử lý nhanh nợ xấu, dòng vốn bị đóng băng, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, làm chậm tăng trưởng kinh tế. Thực tế cho thấy, khi nợ xấu gia tăng, các ngân hàng có xu hướng siết chặt điều kiện cho vay, làm giảm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, sản xuất công nghiệp và tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương lý giải.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) cho hay, nếu không được luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tác động cực lớn đến các ngân hàng.
“Việc không được luật hóa Nghị quyết 42 dẫn đến việc thu hồi nợ cá nhân rất vất vả. Chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều để được tháo gỡ, hy vọng trong tháng 5 tới sẽ thông qua Nghị quyết này. Đây là sự kiện lớn đối với ngành ngân hàng, những khoản nợ cá nhân của VIB sẽ được thu hồi lại ngay, đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận”, ông Vỹ nói.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, nợ xấu là một vấn đề rất dai dẳng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bị tác động bởi chính sách thuế quan từ Mỹ, vấn đề nợ xấu có thể trở nên trầm trọng hơn.
“Rất nhiều doanh nghiệp trước đây có thể trả nợ nhưng nay sẽ gặp khó khăn, khả năng trả nợ giảm đi thậm chí là mất khả năng trả nợ. Vì vậy, vấn đề nợ xấu đang được các ngân hàng rất quan tâm và phía NHNN nên có những kịch bản để đưa ra những giải pháp, chẳng hạn như trở lại vấn đề hoãn nợ, tái cơ cấu nợ. Đây là vấn đề phải làm”, ông Hiếu nói.
Theo chuyên gia này, đặc biệt luật về giải quyết các tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo cần phải được thông qua. Ví dụ như tài sản đảm bảo là bất động sản được thế chấp cho ngân hàng thì ngân hàng có quyền bán tài sản đó mà không bắt buộc phải ra tòa, trừ trường hợp người đi vay trở lại kiện ngân hàng.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tổ chức tín dụng hồi tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN khẩn trương xây dựng hồ sơ, trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới để luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14. Mục tiêu nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đang cản trở tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ, xử lý nợ thực hiện quyền hợp pháp của mình trong thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.