Ngăn chặn sự tùy tiện trong trùng tu, tôn tạo di tích

GD&TĐ - Trước thực trạng nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh sau khi trùng tu, tôn tạo, làm mới trở thành thảm họa, gây bức xúc dư luận xã hội, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ra Nghị định 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. 

Ngăn chặn sự tùy tiện trong trùng tu, tôn tạo di tích

Đây được coi là công cụ đủ mạnh “siết” lại sự tùy tiện trong trùng tu, tôn tạo di tích.

Thực trạng bảo tồn

Lâu nay, những quy định về điều kiện hành nghề tu bổ di tích vẫn là mối quan tâm của cộng đồng. Thực tế, thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với bề dày lịch sử, nguồn di sản: Nhiều loại di sản văn hóa phi vật thể, nhất là của đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Sự xuống cấp các di tích vẫn đang ở mức báo động. Hiện tượng xây dựng trái phép, tu bổ sai nguyên tắc làm biến dạng di tích vẫn còn tồn tại.

Còn nhớ vài năm trước khi Thành nhà Mạc (Tuyên Quang) được rót hàng chục tỷ đồng để tôn tạo nay trông không khác gì một cái... lò gạch. Rồi những sai phạm trong việc trùng tu nhà Tổ, gác Khánh ở chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội)...

Làng cổ Đường Lâm - được coi là điểm nhấn của du lịch Thủ đô, làng đầu tiên được “phong di tích”, nhưng cũng là nơi đầu tiên nhân dân đề nghị trả lại bằng di tích. Bất cập này chỉ là phần “nổi” của những gì được xem là “nóng” trong công tác quy hoạch, bảo tồn các di sản “sống”.

Thực tế là, phần lớn việc trùng tu các di tích ở nước ta từ trước đến nay vẫn do các đơn vị xây dựng cơ bản đảm nhiệm. Những người trực tiếp thực hiện công tác trùng tu di tích vẫn chỉ là những thợ xây từ các làng quê, thậm chí chưa có bằng THPT nói gì đến chuyên môn sâu về bảo tồn, tôn tạo di tích. Có nhiều người do không đủ kiến thức và sự hiểu biết đã làm mất mát giá trị, thậm chí giết chết di tích một cách hồn nhiên mà bản thân họ cũng không ý thức được điều đó.

Tu bổ di tích phải có giấy phép

Theo Nghị định 61 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích, Nghị định nêu rõ: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích (Giấy chứng nhận hành nghề) được cấp cho tổ chức khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định đối với từng trường hợp cụ thể.

Cụ thể, để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập quy hoạch tu bổ di tích.

Để được cấp Giấy chứng nhận hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích, tổ chức phải đáp ứng điều kiện: Được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện hành nghề thiết kế xây dựng theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 3 người được cấp Chứng chỉ hành nghề lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích.

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề tư vấn giám sát thi công tu bổ di tích phải được thành lập theo quy định của pháp luật; có đủ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khi giám sát thi công xây dựng công trình theo quy định pháp luật về xây dựng; có ít nhất 2 người được cấp Chứng chỉ hành nghề giám sát thi công tu bổ di tích.

Trùng tu, bảo tồn xuống cấp di sản, di tích trước sự hủy hoại của thời gian và con người trong cơn lốc đầu tư chưa bao giờ thôi nóng trên các diễn đàn. Nghị định 61 ra đời là hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, để công tác tu bổ di tích đi vào quy chuẩn.

Tuy nhiên, nếu không có lộ trình đào tạo, chỉ là những lớp học ngắn hạn để có chứng chỉ, thì liệu những người thợ được cấp chứng chỉ thông qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn có đủ sức để “giải cứu di tích” hay không? Ai sẽ đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực, sẽ không có những di tích tiếp tục được “làm mới”?

Để việc tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích trở thành một hoạt động khoa học, thực tiễn riêng biệt, theo đúng nguyên tắc, không chỉ cần tiền, cơ chế, giải pháp và cả nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về di sản văn hóa của các ngành, các cấp cũng như cộng đồng xã hội, chủ thể di sản...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ