Làm giả nhãn mác
Những ngày này, người dân vùng cao Lai Châu đang chuẩn bị lúa giống để triển khai gieo trồng mùa vụ mới. Giống lúa F1 Đắc Ưu 11 mà Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang độc quyền phân phối được nông dân Lai Châu ưa chuộng vì là giống ngắn ngày, năng suất cao, khả năng chống chịu bệnh tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường tỉnh Lai Châu lại xuất hiện việc bán lúa giống nghi bị làm giả. Điều này gây hoang mang cho người dân.
Ông Lò Văn Pành, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim, huyện Than Uyên cho biết, ngày 21/3 vừa qua, công an và quản lý thị trường đã thu giữ lúa giống Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả của một đại lý kinh doanh giống vật tư nông nghiệp trên địa bàn xã.
Ngay khi có sự việc, chính quyền địa phương đã có mặt để xác minh. Tuy nhiên, số lượng lúa giống bị thu giữ cũng như số lượng lúa giống mà đại lý này bán ra ngoài chưa có số liệu cụ thể. Trước sự việc nêu trên, UBND xã Mường Kim đã cảnh báo người dân trên địa bàn không mua lúa giống trôi nổi trên thị trường khi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ.
“Giống lúa Đắc Ưu 11 thường được bà con người Mông ở Mù Cang Chải gieo cấy. Chúng tôi đã tuyên truyền đến người dân mua hàng có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, không mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Hiện, bà con nông dân trên địa bàn xã chỉ tập trung cấy những giống lúa địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Kim thông tin.
Được biết, giống lúa Đắc Ưu 11 được Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang phân phối tại thị trường Lai Châu. Đây là giống lúa lai 3 dòng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu, giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả không chỉ xuất hiện thị trường huyện Than Uyên mà còn được bán tại thị trường huyện Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, TP Lai Châu... Số lượng lớn giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả đã được Công an tỉnh Lai Châu thu giữ.
Ông Đỗ Văn Tính, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu cho biết: “Bước đầu xác định trên sản phẩm có dấu hiệu làm giả về nhãn mác. Phía Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang xác nhận nhãn mác không phải của đơn vị.
Còn về giống lúa đang được cơ quan chức năng trưng cầu giám định, hiện chưa có kết luận. Cái khó là công ty không công bố rộng rãi về dấu hiệu nhận biết hàng thật, hàng giả. Tuy nhiên, thời điểm này, đã thu hồi toàn bộ giống lúa Đắc Ưu 11 nghi bị làm giả trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.
Người dân xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên băn khoăn khi số điện thoại trên bao bì không gọi được. |
Không liên lạc được nhà phân phối
Ông Thào A Chu ở bản Hua Cưởm 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên cho biết: “Năm ngoái, thấy anh trai trồng giống Đắc Ưu 11 đạt năng suất nên năm nay tôi dự định trồng giống lúa này. Tôi mua 12kg giống cách đây mấy ngày với mỗi cân giống là 140 nghìn đồng. Dự định khoảng tháng 6 mới cấy. Giờ có thông tin giống lúa này là giả nên tôi cũng lo lắm, phải hỏi lại để biết rõ hơn”.
Ông Thào A Chu, chủ cửa hàng ở xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên chia sẻ, đã có người liên lạc với ông để bán sản phẩm Đắc Ưu 11. Tuy nhiên, vì biết trên thị trường có giống lúa không đảm bảo chất lượng nên ông quyết định không nhập giống này để bán cho bà con.
Để chắc chắn giống lúa Đắc Ưu 11 đã mua là thật, một số người dân đã chủ động liên lạc với nhà phân phối trên bao bì sản phẩm. Theo đó, đơn vị nhập khẩu, bảo hành và phân phối giống lúa Đắc Ưu 11 tại Việt Nam ghi trên bao bì là Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, có địa chỉ số 1 Lý Thái Tổ, TP Bắc Giang (Bắc Giang), điện thoại: 0240.6252030.
Số điện thoại trên bao bì giống của Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang được thông báo là 'không đúng'. |
Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc thì tổng đài đều báo lại số điện thoại vừa gọi “không đúng”. Điều đó khiến nhiều người dân lo lắng, hoang mang trước vấn đề thật - giả.
“Việc đơn vị sử dụng bao bì có số điện thoại không đúng, không liên lạc được là sai. Về nguyên tắc nếu đơn vị đã đưa sản phẩm ra thị trường thì phải thu hồi lại để đính chính lại nhãn mác, cụ thể là số điện thoại.
Đơn vị có thể dán bổ sung nhãn phụ hoặc phải có thông tin đính bằng văn bản và phải công khai việc này để người tiêu dùng biết. Hoặc ít nhất phải công khai tại các đại lý phân phối, cửa hàng bán lẻ để chủ đại lý, cửa hàng thông tin với người tiêu dùng về việc này” Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu nêu quan điểm.
“Kỹ sư nông nghiệp” lộ diện
Công an tỉnh Lai Châu phát hiện mánh khóe sản xuất giống lúa “một vốn 7 lời” của kỹ sư nông nghiệp Dương Ngọc Duy (SN 1986, trú tại tổ Tân Mai, phường Đa Mai, TP Bắc Giang, Bắc Giang).
Theo hồ sơ vụ án, thời gian trước đây Duy là nhân viên kinh doanh của Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang, được giao nhiệm vụ phụ trách phát triển thị trường tại tỉnh Lai Châu. Đến cuối năm 2023, Duy bị công ty cho nghỉ việc.
Do am hiểu loại lúa giống F1 Đắc Ưu 11 mà công ty độc quyền phân phối là loại giống đang được người nông dân Lai Châu ưa chuộng, có giá bán 140.000 đồng/1kg nên Duy đã nảy sinh ý định làm giả loại lúa giống này để bán kiếm lời.
Bị can Dương Ngọc Duy. |
Để thực hiện được hành vi này, từ tháng 1/2024 Duy đã mua 10 tấn thóc bình thường với giá 18.000 đồng/kg, rồi lên mạng Internet đặt mua bao bì có hình thức giống với bao bì sản phẩm lúa giống F1 Đắc Ưu 11 của Công ty Cổ phần vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang.
Duy mua thêm máy trộn bê-tông, máy hàn miệng túi, máy in hạn sử dụng, ngày sản xuất, cân đồng hồ, thuốc xử lý hạt giống, máy khâu vỏ bao, thuê người trộn thuốc xử lý hạt giống, đóng bao bì in nhãn như hàng thật với tổng khối lượng 3,8 tấn.
Sau đó Duy trực tiếp chở lên tỉnh Lai Châu chào bán cho một số đại lý giống đã quen từ trước, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Tiến hành khám xét nơi ở của Duy, Cơ quan Điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan đến quá trình sản xuất lúa giống giả nêu trên. Đồng thời Cơ quan Điều tra cũng đã xác minh, truy thu được hơn 3,5 tấn giống lúa giả mà Duy đã bán tại địa bàn tỉnh Lai Châu.
Ngày 29/3, Công an tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam đối với Dương Ngọc Duy về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là giống cây trồng”.