Sự chủ động, kịp thời của cơ sở giáo dục đã góp phần ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Trong khoảng 1 tháng trở lại đây, tại TPHCM và một số địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng: Gọi điện lừa đảo cha mẹ học sinh; tiếp cận học sinh đang đợi người thân đến đón hay dụ dỗ học sinh dùng thuốc lá điện tử; học sinh bị ngộ độc khi dùng quà từ người lạ…
Gần đây nhất, tại Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM) đối tượng lừa đảo đã nhắm đến học sinh với mô típ “ba mẹ con bị tai nạn”. Cụ thể, ngày 24/3, một học sinh lớp 12 đang đứng trước cổng, chờ người thân đến đón, thì người đàn ông đi xe máy chạy đến nói ba của em đang bị tai nạn giao thông, nằm ở bệnh viện.
Người đàn ông này nói là bạn của ba em, đề nghị em lên xe để ông này chở đến bệnh viện gặp ba. Thế nhưng, ba của nam sinh này đã mất, cảm thấy chuyện không rõ ràng, em đã chạy vào phòng giám thị để báo cáo sự việc. Khi giám thị và bảo vệ của trường chạy ra trước cổng, người đàn ông đi xe máy đã đi mất. Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, cho biết: “Sau vụ việc xảy ra, nhà trường đã thông tin đến các lớp về trường hợp trên để các em cảnh giác. Đồng thời chúng tôi cũng lưu ý phụ huynh không nên cho con em mang vật dụng đắt tiền đi học”.
Trước chiêu thức lừa đảo lan rộng, các trường nhanh chóng phát đi thông tin cảnh báo đến phụ huynh. Ban giám hiệu trường học tại TPHCM cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông tin lên các nhóm Zalo có phụ huynh lớp mình về việc nâng cao cảnh giác trước trường hợp nghi giả mạo thầy cô, nhân viên nhà trường để lừa đảo.
Cô Vũ Thị Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM), cho biết: “Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thông tin đến phụ huynh các số điện thoại của nhà trường. Đặc biệt, mọi vấn đề của học sinh sẽ được giáo viên chủ nhiệm hoặc nhà trường cung cấp từ số điện thoại đã cung cấp cho phụ huynh trước đó. Nếu ba mẹ nhận được bất kỳ thông tin nào không đến từ các số điện thoại từ phía nhà trường giới thiệu, phải liên hệ lại để xác nhận thông tin”.
Ngành Giáo dục Cần Thơ luôn thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn cho học sinh trong trường học, tuy nhiên thời gian qua tại nhiều địa phương cũng xảy ra tình trạng kẻ xấu giả danh, dụ dỗ, lôi kéo học sinh. Vì vậy, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã chỉ đạo các trường tăng cường quản lý học sinh trong trường học cũng như lưu ý công tác liên lạc thông tin xuyên suốt giữa nhà trường, phụ huynh để đảm bảo an toàn cho các em từ nhà đến trường và ngược lại.
Trường THPT Đào Sơn Tây luôn chú trọng đến việc tuyên truyền cho học sinh cảnh giác trước kẻ xấu. |
Chú trọng trang bị kỹ năng sống
Theo Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), để bảo đảm an toàn học đường và phòng chống bạo lực học đường, nhà trường tổ chức diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường dịp đầu năm học; hướng dẫn học sinh xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong ứng xử và giải quyết mâu thuẫn cá nhân, dung hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể.
“Trường có 2 cấp học, do đó chúng tôi tổ chức phân loại học sinh theo đặc điểm tâm lý để có định hướng giáo dục phù hợp. Đa số trường hợp bạo lực ở tuổi học đường thiên về mâu thuẫn trong tình cảm, nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình tư vấn tình bạn, tình yêu cho học sinh, đặc biệt là học trò lớp 8, 9 và khối THPT. Đồng thời, nhà trường cũng chủ động tiếp cận học sinh thông qua thầy cô tham vấn tâm lý học đường; giáo dục lối sống giản dị và bao dung; định hướng để các em có cái nhìn đúng đắn về tình bạn, tình yêu”, thầy Dũng chia sẻ.
Tương tự, tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM), trong các buổi sinh hoạt đầu năm hay sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, Ban giám hiệu luôn thông tin đến giáo viên, học sinh các chiêu thức lừa đảo, cảnh báo của cơ quan công an. Đồng thời yêu cầu cán bộ giáo viên, nhân viên tăng cường tuyên truyền giáo dục học sinh, phụ huynh cảnh giác trước đối tượng lạ mặt hoặc các cuộc gọi từ người không quen.
Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh không la cà trước và sau giờ học, tuyệt đối không tương tác với người lạ, không cho mượn đồ như tiền, xe đạp để bị kẻ xấu lừa, đặc biệt không hút hoặc mua bán thuốc lá điện tử. Nếu nghi ngờ, cần báo thầy cô, cha mẹ. Trường hợp xảy ra mâu thuẫn xung đột với người lạ thì cần hô hoán hoặc chạy vào trong trường, nhà người dân. Đặc biệt, giờ tan trường, Ban giám hiệu cũng phân công giáo viên cùng với nhân viên bảo vệ trực tại cổng trường để theo dõi, ngăn chặn các hành vi lừa đảo học sinh có thể xảy ra”.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ), cho biết: “Sở đã chỉ đạo các trường xây dựng mạng lưới an ninh trật tự trong và ngoài trường học, qua đó chủ động nắm bắt thông tin thông qua hình thức như phối hợp với chính quyền địa phương, hàng quán xung quanh trường nhằm giữ trật tự cổng trường và ngăn chặn kịp thời các tình huống xung đột có thể xảy ra. Đồng thời, ngành Giáo dục còn phối hợp với lực lượng công an thực hiện tuyên truyền về công tác an ninh trật tự, phòng chống bạo lực, phòng chống tội phạm… đến nhà trường, học sinh”.