Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển Du lịch
Điện Biên là nơi cư trú của 19 dân tộc anh em, tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc như Nghệ thuật Xòe Thái – Di sản Văn hóa Phi vật thể được UNESCO công nhận, lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, hay Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng là những điểm nhấn đặc biệt.
Bà Pờ Lỳ Pa, Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), chia sẻ: “Người dân Si La tại bản Nậm Sin tuy ít người nhưng rất ý thức trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Các lễ nghi như lễ cúng cơm mới, cúng bản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc”.
Điện Biên cũng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng thông qua loại hình homestay, tiêu biểu là Bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. Tại đây, du khách có thể tham gia vào các điệu xòe truyền thống của người Thái và trải nghiệm thực tế đời sống sinh hoạt của người dân.
Chị Nguyễn Thùy Linh, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, tham quan và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Thái, đặc biệt là khi được trải nghiệm chế biến các món ăn đặc trưng”.
Những điểm đến hấp dẫn với Lịch sử và thiên nhiên
Điện Biên là nơi ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với Chiến trường Điện Biên Phủ và 45 địa điểm di tích liên quan.
Đồi A1, Hầm chỉ huy Đờ Cát, và Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng không chỉ là biểu tượng lịch sử mà còn là những điểm tham quan thu hút hàng ngàn du khách mỗi năm.
Ngoài các di tích lịch sử, Điện Biên còn sở hữu những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đèo Pha Đin – một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Tây Bắc, nổi tiếng với những khúc cua hiểm trở và cảnh sắc ngoạn mục. Cánh đồng Mường Thanh – vựa lúa lớn nhất Tây Bắc, mang lại cảm giác bình yên và là biểu tượng của sự trù phú.
Hồ Pá Khoang, với diện tích lưu vực 2.400ha, là điểm nhấn quan trọng của du lịch sinh thái Điện Biên. Du khách có thể chèo thuyền khám phá các đảo nhỏ hoặc đi bộ xuyên rừng, tham quan các bản làng người Thái.
Ngoài ra, động Pa Thơm – nơi gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại, và cột mốc A Pa Chải – nơi được mệnh danh là "một con gà gáy ba nước cùng nghe", là những điểm đến không thể bỏ qua.
Thị xã Mường Lay – Điểm nhấn của Du lịch “Mùa nước nổi”
Thị xã Mường Lay, nằm tại ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, nổi bật với vẻ đẹp "sơn thủy hữu tình".
Từ khi hồ thủy điện Sơn La được tích nước, cảnh quan nơi đây càng trở nên hấp dẫn hơn. Các mái nhà sàn truyền thống của người Thái trắng, cùng với các điệu múa, lời ca và văn hóa ẩm thực bản địa, mang lại sức hút đặc biệt cho du khách.
Nhằm phát triển du lịch bền vững, từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025, thị xã Mường Lay sẽ tổ chức chuỗi sự kiện du lịch mùa nước nổi.
Các hoạt động như lễ tế thần sông nước, thả cá phóng sinh, hay trải nghiệm làng nghề truyền thống đều được thiết kế để mang lại trải nghiệm độc đáo.
Ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã, nhấn mạnh: “Sự kiện này không chỉ quảng bá hình ảnh địa phương mà còn khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc”.
Lễ hội đua thuyền đuôi én diễn ra vào dịp Tết Dương lịch hàng năm là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động. Du khách có thể tham gia đánh bắt cá, khám phá lòng hồ, hoặc giao lưu văn hóa với người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Học, một du khách từ Noong Hẹt (huyện Điện Biên), chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những nét văn hóa như tiếng đàn tính tẩu, các điệu múa dân gian, và những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái trắng”.
Với sự kết hợp hài hòa giữa di sản lịch sử, văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, Điện Biên không chỉ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của bạn bè quốc tế.
Từ những dấu ấn hào hùng trong lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đến những kỳ quan thiên nhiên độc đáo, Điện Biên thực sự là một "viên ngọc quý" trên bản đồ du lịch Việt Nam.