Ngăn biến chủng mới Covid-19: Phải chặn được các nguồn ngoại lai

GD&TĐ - Virus không thể tự tồn tại, tự nhân lên. Thay vào đó, chúng cần có ký chủ. Virus sử dụng cấu trúc di truyền của ký chủ để nhân giống.

BN 1435 là người đầu tiên tại Việt Nam mang biến chủng mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Liên Châu.
BN 1435 là người đầu tiên tại Việt Nam mang biến chủng mới của SARS-CoV-2. Ảnh: Liên Châu.

Trước bối cảnh Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 mang biến chủng mới của SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện Y tế công cộng, cho biết, người dân có thể yên tâm vì đây là trường hợp được cách ly ngay khi nhập cảnh.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ biến thể mới xâm nhập cộng đồng do các đối tượng nhập cảnh trái phép. Bởi, nếu không được cách ly ngay, khả năng những đối tượng này lây lan bệnh ra cộng đồng là rất cao. Do đó, PGS Phu nhấn mạnh, điều quan trọng hiện tại là sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và cộng đồng. Đặc biệt, người dân cần tuân thủ biện pháp phòng, chống dịch.

Chia sẻ về lý do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ngày càng lây lan nhanh, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), nhận định: “Đó là bản năng sinh tồn của virus”.

Theo đó, virus hay tác nhân gây bệnh khác luôn muốn sinh sôi ngày càng nhiều.

Bác sĩ Khanh giải thích, một số loại virus (hay tác nhân gây bệnh khác) chỉ tồn tại và nhân đôi ở loài vật. Chúng không nhân đôi và phát tán ở loài người. Có những loại virus từ loài vật nhảy vào loài người và nhân đôi khiến con người tử vong. Tuy nhiên, virus đó không phát tán (không lây từ người sang người, như H5N1).

Bên cạnh đó, sẽ có virus từ vật nhảy vào người và nhiều người, phát tán lây từ người sang người. Thời gian tùy thuộc vào phát triển tự nhiên, mức độ giao lưu giữa người và vật, và đặc biệt là lỗi của phòng thí nghiệm. Bởi, theo chuyên gia này, việc xác định virus mới từ vật sang người đã lây từ người sang người chưa là vô cùng quan trọng.

“Vì bản năng sinh tồn và cấu trúc đơn giản nên virus rất dễ thay đổi cấu trúc. Và trong số đó, có virus rất hợp với người. Có thể sự thay đổi là tự nhiên và virus hợp với con người hơn chứ không phải nó thông minh tới mức cố tình biến đổi như vậy. Nhưng, “nòi giống” của virus hợp với người sẽ được nhân và phát tán nhanh hơn”, bác sĩ Khanh lý giải.

Do đó, chuyên gia này nhận định, tình trạng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn hiện nay là vô cùng đáng lo ngại. Đặc biệt, phát hiện ca mới trong cộng đồng chậm sẽ càng gây khó trong việc chặn đầu virus.

Như vậy, quá trình khoanh vùng, cách ly sẽ ngày càng khó khăn, bởi virus lây từ người này sang người khác nhanh. Vì vậy, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, yếu tố quan trọng hiện tại là “chặn” không để virus “lọt” vào nước ta. 

“Phải phòng ngừa chặt chẽ các ca ngoại lai, cần đeo khẩu trang, rửa tay và hạn chế tiếp xúc trong nội tại”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...
Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".