Bộ Y tế thông tin về biến chủng mới của virus SARS-CoV-2

GD&TĐ - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là biến chủng mới của virus SARS-CoV-2; chủng đột biến mới làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ nên tăng tốc độ lây lan thêm 70% so với các chủng cũ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thuý Hà.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thuý Hà.

Sáng 23/12, tại hội nghị trực tuyến với hơn 700 điểm cầu phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thông tin chủng SARS-CoV-2 đột biến tại Anh đang được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm. Bộ Y tế cũng đang theo dõi chặt chẽ thông tin này.

Theo Bộ trưởng, đây là biến chủng  mới của virus SARS-CoV-2, làm tăng khả năng bám dính virus, đột biến trên vùng gene của virus SARS-CoV-2.

Theo ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên 70%. Đây là điều hết sức quan ngại vì tăng nhiễm đồng nghĩa lây truyền cộng đồng mạnh hơn, chu kỳ nhanh hơn, nhiều người nhiễm hơn nên tử vong nhiều hơn.

Bộ trưởng cho biết, trong đợt dịch Covid-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra chủng đột biến D614G lây lan mạnh nhưng vẫn chưa bằng chủng mới. Mặc dù quan ngại nhưng chúng ta phải hết sức bình tĩnh đối phó chủng này.

Hiện ngành y tế đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu lây lan trong nước và sắp tới sẽ tiếp tục giải trình tự gene các mẫu virus ở khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng để xác định khả năng lây truyền và xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng thông tin, chúng ta chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên, không vì vậy mà lơ là trong phòng, chống dịch, cần phải tăng cường và quyết liệt hơn phòng, chống. Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các biện pháp phòng chống Covid-19 để đảm bảo người dân được hưởng một cái Tết an bình.

Theo Bộ trưởng Y tế, mùa đông năm nay khốc liệt với các nước, nếu không tích cực phòng chống sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề. Dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, mỗi ngày ghi nhận 500.000 - 600.000 ca mắc mới.

Một số nước lân cận, thậm chí một số nước có mô hình phòng chống dịch tốt nhất như Nhật, Hàn Quốc cũng đang phải triển khai các biện pháp mạnh mẽ do dịch bùng trở lại. Do đó, Việt Nam càng phải tăng cường hơn nữa hoạt động phòng chống dịch.

Bộ trưởng chỉ đạo tại hội nghị, trước hết, cần tăng cường hơn nữa giám sát tại các cơ sở y tế. Ca Covid-19 đầu tiên hầu như đều từ bệnh viện. Mùa này nhiều dịch bệnh lây qua đường hô hấp, như cúm có triệu chứng rất giống với Covid-19, vì vậy Bộ đã yêu cầu tất cả những trường hợp này đều phải xét nghiệm.

Người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam cũng đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, kể cả nhập cảnh hợp pháp và trái phép.

Đối với các trường hợp theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư...) thì chỉ được cách ly tại nhà/nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.

Việt Nam vẫn tiếp tục huy động cộng đồng trong phòng chống dịch, khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ