Tập truyện ngắn vẽ nên khung cảnh xã hội thời bao cấp và hậu bao cấp với những con người khốn khổ. Qua lăng kính chân thực cùng giọng văn bình dị, Lê Thanh Kỳ đã khắc họa nên một bức tranh của những ngày xưa cũ.
Có một thời, thợ hàn cũng được xếp làm vua: xẹt cái là có tiền. Nhưng vua thợ hàn vẫn là hạng vua bét nhất, xếp sau hết thảy các vua đầu bếp, vua nhà đất, vua chứng khoán, vua bù nhìn, vua lợi ích… Có một thời, vua thợ hàn, quan thợ điện, và khắp cả những phó thường dân khốn khổ, khốn nạn khác của những năm bao cấp, từ cậu sinh viên, bà bán hàng, đến những công nhân, giáo viên… tất cả cứ lẩn quẩn, loanh quanh trong sự rệu rã và cùn mòn của cơ chế làm ăn cũ.
Thế giới đó bỗng trở về trong các truyện ngắn của Lê Thanh Kỳ, bằng một nhạc điệu riêng, khi giọng kể đó bình dị dẫn ta đi qua lớp lớp những dáng vẻ, tâm tình, những hoàn cảnh sống động và cảm động của thời bao cấp, thời hậu bao cấp, để đi tới một chiều kích khác, đúng với mọi thời, của thứ văn tinh khiết, đầy trắc ẩn về con người và số phận người.
Tác giả Lê Thanh Kỳ sinh năm 1957, quê xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Các tác phẩm tiêu biểu của Lê Thanh Kỳ phải kể đến: Bão đất (tiểu thuyết); Nắng vỡ (tiểu thuyết); Họa mi không hót nữa (tập truyện). Ông đã đạt được nhiều giải thưởng: Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ, 2012; Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Nhật Lệ, 2012; Giải nhất Giải thưởng Nguyễn Khuyến, 2017.