Năm nay, anh đào bắt đầu nở từ giữa tháng 3. Những ngày này, tạm gác lại mọi bộn bề cuộc sống, người Nhật cùng nhau thư giãn dưới những tán anh đào nở rộ, vui vẻ ăn uống, trò chuyện.
Thời điểm anh đào bung sắc, không chỉ người dân bản địa, du khách từ khắp nơi cũng đổ về rất đông, khiến Shinjuku Gyoen (Công viên Quốc gia của Nhật Bản) ngày thứ 5 (4/4) đông vui hơn thường lệ.
Kể về mùa anh đào đầu tiên của mình, Nguyễn Oanh (du học sinh Việt Nam tại Nhật) hồ hởi cùng bạn bè dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ và xếp hàng vào công viên nhận chỗ ngắm hoa.
Oanh chia sẻ, thời điểm ngắm hoa đẹp nhất trong ngày là khoảng 11h sáng, khi những tia nắng đầu tiên dịu dàng xuyên kẽ, những ngọn gió lành nhè nhẹ vuốt ve...
Hướng mắt lên trời ngắm “mưa hoa” rơi đầy lối, thật chẳng khác nào lạc vào chốn tiên cảnh, mê đắm chẳng nỡ rời. Hương anh đào nơi đây nhẹ nhàng mà quyến rũ, một thứ hương đặc trưng không nơi nào khác trên thế giới này có được.
Không chỉ là những cánh hoa sắc hồng xinh xắn, anh đào còn biểu trưng cho cội nguồn văn hóa, tư tưởng triết học Nhật Bản. Ngắm anh đào, Oanh thấy mình nghiệm ra được nhiều giá trị quý báu ở đất nước nhỏ bé nhưng khiến cả thế giới phải nghiêng mình kính phục này.
Không yêu kiều mỹ lệ, anh đào chọn riêng cho mình bộ cánh mỏng manh tinh khiết, từ tốn khoe sắc cùng nhau. Anh đào đẹp như chính sự khiêm nhường mà thanh cao của những con người văn minh nơi đây.
Mọi tầng lớp xã hội đều lịch thiệp, hòa nhã, nhẫn nhịn mà kiên cường, không hề khuất phục. Cánh anh đào sẵn sàng rụng xuống khi đang trong độ xuân sắc nhất, hùng hồn như chính tinh thần võ sĩ đạo Samurai.
Mặt khác, anh đào vốn không đẹp khi đứng một mình, mà chỉ rực rỡ khi nở rộ thành tảng, cũng như tinh thần tập thể vĩ đại của người Nhật vậy.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, từ một nước bại trận, không có tài nguyên thiên nhiên mà đồng lòng vực dậy, triệu người như một, vươn lên thành một Nhật Bản như ngày nay.
Chính vì lẽ đó, người Nhật đặc biệt trân quý loài hoa này. Tự ý ngắt cánh hoa anh đào là điều cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản. Người Nhật cho rằng những cánh anh đào rơi là những linh hồn được tái sinh, và vẻ đẹp của nó cần được thưởng thức trọn vẹn.
Oanh tâm sự, tính đến thời điểm này cô mới sang Nhật học tập được tròn 4 tháng, nhưng đã thu được không ít trải nghiệm thú vị, đồng thời rút ra rất nhiều bài học trong cuộc sống. Ngoài những giờ học tập căng thẳng trên lớp, khi có thời gian Oanh thường cùng bạn bè cùng đi đây đó.
“Mình hay tìm đến sự thư thái, yên bình, không tô vẽ. Mỗi lần đi như thế là thêm một lần mở rộng tầm nhìn, trau dồi vốn sống cho bản thân”. Oanh cười vui vẻ.
Cô bạn nhắn nhủ thêm: “ Mình biết hầu hết các bạn du học sinh sang Nhật tuổi đời còn rất trẻ, mang trên mình ước vọng đổi đời cho gia đình, sau mới đến những mong muốn riêng của bản thân. Gánh nặng trên vai các bạn không chỉ có cặp sách dầy cộm, mà còn là biết bao khó nhọc của cuộc đời.
Nhưng hãy cứ như cánh anh đào kia - khiêm nhường nhưng đừng khuất phục. Rồi gió sẽ nhẹ nhàng thổi bay hết thảy những xót xa, thổi khô cả những giọt nước mắt đêm về cô lẻ. Dù sau lưng là gánh nặng, nhưng trước mặt là tương lai”.
Mùa xuân nào cũng là mùa của những mầm xanh lộc biếc, mùa xuân nào cũng là mùa của những hy vọng chứa chan. Hãy cứ đi, đi để học, đi để trở về. Trở về với đất mẹ thân thương, cùng xây dựng, cùng làm đẹp cho một Việt Nam trong tương lai, khai hoa nở nhụy rực rỡ hơn!