Không còn sùng bái đại học
Theo kết quả khảo sát của nền tảng trực tuyến SuperJob, năm 2021, chỉ có 43% phụ huynh Nga nói rằng con họ muốn học đại học, ngược với năm 2010 là 80%. Đồng thời, cứ 5 người được hỏi thì 1 người nói con họ có ý định thi vào trường nghề. Tỷ lệ này lớn hơn nhiều so với một thập kỷ trước, khi chỉ có 1/10 học sinh tốt nghiệp THPT có ý định vào học các trường trung cấp kỹ thuật và trường nghề.
Ý kiến cho rằng chỉ những học sinh học kém mới vào trường nghề là hoàn toàn không có cơ sở. Tất nhiên, vào học trường nghề, học sinh sẽ không phải dự kỳ thi quốc gia thống nhất, còn phụ huynh khỏi tốn tiền thuê gia sư. Nhưng vấn đề không phải như vậy. Nhiều thanh niên hiện nay không còn sùng bái giáo dục đại học, họ thực dụng hơn thế hệ trước và không thấy có sự liên quan trực tiếp giữa bằng đại học và mức lương mà họ sẽ nhận được. Mục đích của họ là có một nghề thực sự và nhanh chóng tham gia thị trường lao động. Thời gian đào tạo trong các trường nghề và trường trung cấp kỹ thuật ngắn hơn, học phí thấp hơn so với bậc đại học từ 30 - 50%. Hơn nữa, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp rộng hơn so với mạng lưới các trường đại học. Điều này đặc biệt quan trọng đối với cư dân ở các vùng xa xôi của nước Nga và cư dân ở các đô thị nhỏ. Vì đối với họ, việc mỗi năm hai lần đi từ nhà đến trường để học tập trung là khá tốn kém.
Học sinh Trường Trung cấp Nông nghiệp Anapa. |
Lựa chọn ngành nghề
Theo ông Natalya Roschina - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề toàn Nga (Park Buduschego): Trước hết, cần chú ý đến sở thích và khả năng của học sinh. Học sinh có nguyện vọng vào trường nghề có thể làm bài kiểm tra hướng nghiệp trực tuyến hoặc tại một trung tâm đặc biệt. Hiện nay, giáo viên trường nghề thường đến các trường phổ thông để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Họ giới thiệu về trường của mình, mời học sinh tham quan các nhà máy, xí nghiệp và tìm hiểu nghề. Ngoài ra, có thể cho học sinh tham gia khóa trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, nơi các em được thử làm công nhân và được tiếp xúc với các trang thiết bị hiện đại.
Đối với học sinh vùng nông thôn, các em cũng được tư vấn kỹ hơn các ngành nghề nông nghiệp. Khi học sinh đã xác định phương hướng nghề nghiệp, các em cần được giới thiệu những trường nghề và trường trung cấp kỹ thuật phù hợp ở địa phương.
Khi học sinh đã có quyết định học nghề, các em cần kiểm tra xem trường đã chọn có nằm trong chương trình “Professionalitet” (nghề nghiệp) không. Năm 2022, đã có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào chương trình này. Danh sách đầy đủ có trên trang web “Professionalitet” trong mục “Học ở đâu?”. Học sinh có thể tìm trường nghề đã chọn ở đó, hoặc có thể định hướng theo danh sách này, nếu chưa biết rõ vào học trường nào.
Học sinh nghề thực tập tại xưởng sản xuất rượu vang. |
Khởi động chương trình “Professionalitet”
“Professionalitet” là chương trình thực nghiệm đào tạo nhân lực sẽ được áp dụng tại Nga từ ngày 1/9 năm nay. Ngay trước khi bắt đầu chương trình này, các xí nghiệp có thể đưa ra yêu cầu về những năng lực cụ thể đối với người học đạt được sau tốt nghiệp và giúp các cơ sở đào tạo nghề hoàn thiện công nghệ.
Ví dụ như ở Trường Trung cấp Nông nghiệp Anapa. Tại đây, người ta đã làm việc trước với các nhà máy, xí nghiệp để gửi học sinh đến thực tập và dẫn học sinh phổ thông đi tham quan. Hiện nay, sự hợp tác này thậm chí còn trở nên chặt chẽ hơn và các trường nghề đang chuẩn bị “xây dựng lại” hoàn toàn hệ thống đào tạo. Cụ thể, rút ngắn khoảng cách về công nghệ giữa thiết bị dạy học và thiết bị mà học sinh tốt nghiệp sẽ sử dụng trong sản xuất. Các doanh nghiệp sẵn sàng hưởng ứng và đề nghị thành lập một số xưởng mới, ví dụ như xưởng sản xuất rượu vang. Một số nhà máy nhỏ sẽ xuất hiện tại trường kỹ thuật, nơi học sinh được thực hành, xử lý các công nghệ sản xuất lên men.
Để đối phó với những thách thức mới về phương pháp luận trong đào tạo, giáo viên của Trường Trung cấp Nông nghiệp Anapa được tham gia các khóa bồi dưỡng về tổ chức công tác giáo dục tại Trung tâm Thiếu nhi toàn Nga “Smena”. Chương trình bao gồm các bài tập thực hành về quản lý thời gian, giải quyết các tình huống xung đột và kỹ năng thuyết trình trước đám đông. Tổng cộng, có 3.400 giáo viên từ khắp nước Nga tham gia chương trình “Professionalitet”.
Trung tâm Đào tạo nghề “Park Buduschego”. |
Tăng cơ hội việc làm
Theo kế hoạch, chương trình “Professionalitet” phải đào tạo nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động. Học sinh sẽ học để làm một công việc cụ thể, nơi các doanh nghiệp đang chờ đón. Điều này giúp tăng cơ hội kiếm việc làm của học sinh tốt nghiệp lên 80 - 90%. Khoảng 10% học sinh tốt nghiệp các trường nghề tiếp tục vào các trường đại học. Theo quy chế tuyển sinh mới, học sinh tốt nghiệp các trường nghề muốn vào đại học có thể tham gia kỳ thi quốc gia thống nhất, hoặc tham gia kỳ thi do trường đại học tổ chức. Về nguyên tắc, điều này sẽ làm cho việc nhập học dễ dàng hơn.
“Professionalitet” là chương trình thực nghiệm đào tạo nhân lực, được áp dụng tại Nga từ ngày 1/9 năm nay. Dự kiến, sau hai năm nữa, chương trình sẽ được áp dụng đại trà. Chương trình có 3 điểm mới quan trọng. Thứ nhất, việc đào tạo trở nên chuyên sâu hơn và thời gian ngắn hơn. Điều này giúp giảm chi phí từ ngân sách nhà nước và cho phép người học sớm tham gia thị trường lao động. Thứ hai, các trung tâm sáng kiến thanh niên khởi nghiệp đa dạng sẽ được thành lập tại các cơ sở đào tạo. Thứ ba, các doanh nghiệp và đại diện các hội nghề nghiệp sẽ tham gia tích cực vào quá trình đào tạo.