Giáo dục đại học Nga đối phó với những rủi ro

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 và chính sách cấm vận của phương Tây, sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina khiến nền kinh tế Nga nói chung, giáo dục đại học nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Tình hình bất ổn buộc các thí sinh phải thay đổi kế hoạch của mình, còn các trường đại học phải xem xét lại chiến lược.

Nhiều sinh viên Nga từ bỏ ý tưởng du học.
Nhiều sinh viên Nga từ bỏ ý tưởng du học.

Những thay đổi

Bà Olga Sokhneva - Tiến sĩ kinh tế, trưởng ban giáo dục đại học của công ty Netologya (chuyên về giáo dục trực tuyến) cho rằng, giáo dục đại học Nga đang phải đối diện với một số xu hướng mới và nhiều rủi ro.

Cụ thể, trước đại dịch Covid-19, các chuyên ngành về công nghệ thông tin (CNTT) tại các trường đại học của Nga vẫn tăng ổn định. Trong đại học, dạy học trực tuyến bắt đầu được áp dụng khắp nơi, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, mà còn trong các trường đại học. Trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên học các chương trình sử dụng công nghệ từ xa đã tăng gấp 4 lần.

Đồng thời, các trường đại học đôi khi gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ và mở các chuyên ngành mới. Vì vậy họ hợp tác với các công ty EdTech và xây dựng các chương trình chung. Từ năm 2020, gần 30 chương trình như vậy đã xuất hiện tại các trường đại học ở Nga. Chúng tạo cơ hội cho sinh viên học các chuyên ngành theo yêu cầu mà không cần phải di chuyển đến các thành phố lớn hoặc du học.

Trong tình hình hiện nay, những nhu cầu này đang tăng lên, và hiện nay ngành giáo dục Nga đã có thể xác định một số xu hướng mà các trường đại học có thể tận dụng.

Giáo dục đại học Nga ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Giáo dục đại học Nga ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu cao về các chuyên ngành CNTT

Do có nhiều chuyên gia CNTT Nga bỏ ra nước ngoài và nhu cầu phát triển các sản phẩm kỹ thuật số, các trường đại học và các công ty EdTech phải tăng cường xu hướng đào tạo này để bù đắp nguồn nhân lực chất lượng cao. Họ mở các chương trình, tổ chức thực tập trong các công ty CNTT và điều chỉnh các chương trình phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Giờ đây, các chương trình đào tạo đại học về CNTT sẽ có lợi thế hơn. Chúng tạo cơ hội cho sinh viên không những có được một nghề “thời thượng” mà còn tận dụng các ưu tiên của Nhà nước, chẳng hạn như hoãn nhập ngũ và được hỗ trợ học phí.

Ví dụ, 5 trong số 9 chuyên ngành thạc sĩ CNTT của “Netologya” tương ứng với danh sách các chuyên ngành mới của Chính phủ. Nếu sinh viên tốt nghiệp các chương trình này kiếm được việc làm trong một công ty CNTT, họ có thể được hoãn nhập ngũ đến năm 27 tuổi.

Ít cơ hội đi du học hơn

Trong tình hình hiện nay, sự bất ổn về tài chính và những khó khăn trong việc thanh toán với nước ngoài khiến một số sinh viên từ bỏ việc học tập ở các trường đại học nước ngoài. Vì vậy, các trường đại học Nga có thể hy vọng gia tăng số lượng sinh viên. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu của những sinh viên đó, cần phải xây dựng các chương trình theo các chuyên ngành đang có nhu cầu trên thị trường và phấn đấu đáp ứng nhu cầu của một bộ phận sinh viên có yêu cầu cao về chất lượng dịch vụ giáo dục.

Các chuyên ngành về CNTT tăng ổn định.

Các chuyên ngành về CNTT tăng ổn định.

Thu hút sinh viên quốc tế

Ngược lại, những du học sinh, sinh viên nước ngoài có thể chọn học các chương trình hiện đại tại các trường đại học của Nga. Vì chúng rẻ hơn chương trình nước ngoài và không yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ. Đối với những người hiện nay muốn có một nghề mới, các chương trình trực tuyến của các trường đại học và công ty Nga sẽ là giải pháp tốt nhất. Điều kiện chính là việc đào tạo hoàn toàn trực tuyến, không cần đến dự các buổi học, như các chương trình tại chức. Ví dụ, người ta tổ chức các chương trình chung, nơi tất cả các tiết học, kỳ thi và thậm chí cả bảo vệ luận án đều diễn ra trên nền tảng trực tuyến.

Những rủi ro đối với các chương trình đào tạo

Tất nhiên, bên cạnh những cơ hội, hiện nay có rất nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học Nga.

Thứ nhất, giảm khả năng thanh toán của người dân: Do tình hình kinh tế và địa chính trị phức tạp, các thí sinh sẽ không có khả năng chi trả học phí dài hạn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu sinh viên, giảm doanh thu và có nguy cơ không bù đắp được chi phí xây dựng các chương trình.

Thứ hai, tăng chi phí xây dựng chương trình: Do giá dịch vụ tăng và lạm phát, việc xây dựng chương trình đào tạo mới cũng trở nên đắt đỏ hơn. Trong đó, giá ghi âm nội dung, chuẩn bị tài liệu dạy học và thuê cộng tác viên ngày càng cao. Đặc biệt điều này có thể liên quan đến sinh viên ở ngoài nước Nga và việc thu hút chuyên gia các nước khác.

Thứ ba, quảng cáo trên mạng xã hội gặp khó khăn: Do việc đóng cửa các kênh tiếp thị, chẳng hạn như quảng cáo trên Google và các dịch vụ Instagram, Facebook của hãng Meta (từ ngày 21/3/2022, tổ chức này bị toà án Nga coi là cực đoan và các mạng xã hội của nó bị cấm), việc tiếp cận các sinh viên tương lai gặp khó khăn và điều này có thể làm tăng chi phí tiếp thị lên rất cao.

Thứ tư, xuất hiện những sự cố kỹ thuật: Việc ngừng cung cấp các dịch vụ được sử dụng trong công việc có thể gây khó khăn cho quá trình đào tạo và giảm chất lượng của nó. Những rủi ro này cần được tính đến khi thực hiện các chương trình đào tạo. Cần phải xác định những chương trình quan trọng nhất đối với hoạt động tiếp theo và dự kiến cơ chế làm việc với chúng.

Các biện pháp ứng phó với rủi ro

Các trường đại học của Nga sẽ phải xây dựng chiến lược hành động theo những cách khác nhau. Điều quan trọng là phải chuẩn bị các biện pháp ứng phó với mỗi rủi ro, hoặc đưa ra các thay đổi ngay bây giờ để trong tương lai có thể xử lý các vấn đề xảy ra.

Theo bà Olga Sokhneva: “Chúng tôi xem xét lại chiến lược và thay đổi quy trình để ngay cả trong trường hợp xấu nhất, vẫn tiếp tục làm việc và hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với sinh viên và các trường đại học đối tác.

Ví dụ, đối với rủi ro thứ nhất là giảm khả năng thanh toán của người dân, trong tình hình hiện nay, cần phải xây dựng một hệ thống thanh toán linh hoạt: Trả góp và thay đổi thời hạn thanh toán. Ngoài việc trả góp, cần tạo cơ hội cho sinh viên vay vốn đi học với sự hỗ trợ của Nhà nước từ ngân hàng Sberbank, phần lớn số tiền này có thể được thanh toán sau khi tốt nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ giúp sinh viên hoàn trả chương trình trong thời gian sớm nhất. Để làm được điều này, chúng tôi bố trí cho sinh viên thực tập tại các công ty CNTT và chuẩn bị các buổi tư vấn nghề nghiệp để giúp sinh viên tìm được việc làm khi học xong...”

Theo trends.rbc.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.