Nga tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học

GD&TĐ - Trong động thái tái thiết lập nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Chính phủ Nga thông báo sẽ tăng số lượng trường đại học được tài trợ trong năm 2022, 2023.

Trường Đại học Liên bang Siberia.
Trường Đại học Liên bang Siberia.

Cụ thể, hơn 30.000 trường đại học sẽ được Nga tăng tài trợ từ tháng 9/2022. Nguồn vốn tập trung cho các ngành gồm kỹ thuật, công nghệ thông tin, di truyền học, lịch sử, nghiên cứu phương Đông...

Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Nga, Valery Falkov, khẳng định số trường được nhận tài trợ đã tăng cao kỷ lục trong lịch sử nước Nga. Với hơn 30.000 trường được thêm vào danh sách, tổng số trường đại học đang được nhà nước quan tâm đầu tư là 588.000 trường, nhiều hơn năm 2021 là 11.561 trường.

Các khoản đầu tư tập trung vào nâng cao cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học; chương trình đào tạo, tập huấn dành cho giáo viên; chương trình thực hành, trải nghiệm ngoài trường học cho sinh viên; học bổng, đãi ngộ cho sinh viên xuất sắc... Ngoài ra, các trường sẽ được nâng chỉ tiêu tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ.

Ông Maksim Rumyantsev, người đứng đầu Trường Đại học Liên bang Siberia (SibFU), một trong những trường danh tiếng nhất nước Nga, cho biết: “Nguồn tài trợ dành cho nhà trường đang tăng lên.

Trong năm học 2023 - 2024, chúng tôi được phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên hơn 6.000 ở các cấp cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, nghiên cứu sau đại học... Chỉ tiêu nhiều nhất dành cho các lĩnh vực truyền thống như khoa học, kỹ thuật”.

Năm 2022, tại SibFU, 60% nguồn tài trợ dành cho các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật còn 10% dành cho khoa học tự nhiên.

Theo các chuyên gia, chương trình mới nhằm bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt và là một phần của cải cách hệ thống giáo dục đại học.

Ngoài 30.000 trường được tài trợ, chính phủ sẽ tăng cường tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ cho các công dân từng du học tại các nước phương Tây.

Nếu theo học thạc sĩ, tiến sĩ, những đối tượng này sẽ được nhận học bổng, miễn chi phí sinh hoạt hoặc đóng học phí giá phải chăng. Việc thu hút sinh viên du học phương Tây trở lại Nga là một trong những biện pháp để nước này đối phó với làn sóng di cư ngày càng tăng của những người trẻ có tay nghề cao.

Trong khi các trường đại học Nga đang tăng cường đào tạo và tự đào tạo nhằm nâng cao chất lượng, giới học thuật thế giới cảnh báo ngành Giáo dục nước này đang hứng chịu thiệt hại tương đối nặng nề.

Đầu tiên, chiến tranh gây ra tình trạng “chảy máu chất xám” đối với các học giả Nga. Ngày càng nhiều tri thức trẻ tại Nga chọn di cư sang nước ngoài với mức lương cao hơn và được tự do tham gia các nghiên cứu quốc tế.

Các hội nghị học thuật, dự án nghiên cứu chung bị đình trệ và đóng băng xuyên biên giới. Các nhà khoa học Nga bị ngừng cấp quyền truy cập vào các ấn phẩm khoa học toàn cầu. Điều này cũng ảnh hưởng đến các nghiên cứu khoa học giữa Nga và các nước phương Tây.

Trên hết, việc dừng liên kết với các cơ sở giáo dục phương Tây có thể giảm sức hút của giáo dục đại học đối với sinh viên trong nước. Nhiều học sinh, sinh viên sẽ muốn du học để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và khám phá văn hóa mới. Tuy nhiên, những lo ngại này chưa được chứng minh do còn quá sớm để đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt lên ngành Giáo dục Nga.

Theo UNW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.