Nga: Trẻ mồ côi - “phao cứu sinh” duy trì trường học

GD&TĐ - Nhiều người dân tại những vùng nông thôn ở Nga đã lựa chọn nhận nuôi trẻ mồ côi để có được trợ cấp từ chính phủ. Qua đó, các gia đình có thể góp sức trong việc duy trì sự hoạt động của các ngôi trường, cũng như giúp ngôi làng có thể tồn tại.

Nhận nuôi trẻ mồ côi đã trở thành giải pháp duy trì trường học ở nhiều vùng quê Nga
Nhận nuôi trẻ mồ côi đã trở thành giải pháp duy trì trường học ở nhiều vùng quê Nga

Duy trì trường học

Trong căn phòng nhỏ với một chiếc bảng đen, cậu học sinh lớp 1 Danya đang chăm chú lắng nghe cô giáo của mình giải thích các khái niệm về nguyên âm và phụ âm. Tại ngôi trường của làng Brodi chỉ vỏn vẹn với 36 người học này, Danya là một trong 13 người được nhận nuôi.

“Nhận nuôi là cách giúp cho trường học này cũng như ngôi làng có thể tồn tại. Nếu như không phải vì các em nhỏ, thì ngôi trường của chúng tôi đã phải đóng cửa”, Hiệu trưởng nhà trường, ông Gennady Chistyakov chia sẻ.

Nhận nuôi trẻ em đã trở thành một giải pháp không chỉ đối với làng Brodi - nơi cách phía Bắc thủ đô Mát-xcơ-va khoảng 500km, mà còn cả với rất nhiều các cộng đồng nông thôn khác. Lý do của việc này là bởi, những khu vực trên đang phải đối mặt với một “cái chết từ từ” do thất nghiệp và suy giảm dân số. Thậm chí, kéo theo sau đó là các trường học và phòng khám phải đóng cửa.

Chia sẻ với truyền thông, bà Vera Galindabayeva, nhà xã hội học tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga, người nghiên cứu về hiện tượng nhận nuôi, cho biết: “Hầu hết mọi người đã rời đi cùng với gia đình, con cái họ, chỉ để những người đã về hưu ở lại. Chính vì thế, hàng loạt trường học phải đóng cửa. Đến cuối cùng thì, tôi e là những ngôi làng như vậy sẽ biến mất”.

Tại những khu vực mà tình trạng thất nghiệp đã trở thành điều hiển nhiên như Novgorod - làng quê nằm giữa Mát-xcơ-va và Saint Petersburg, nơi Brodi tọa lạc, khoản bồi thường đi kèm với việc nuôi dưỡng một đứa trẻ được coi là đáng kể, ở mức gần 6.000 rúp/tháng (93 USD).

Bởi tình hình khó khăn, cư dân ở một số ngôi làng tại Nga đã đưa ra giải pháp nhận nuôi một số lượng lớn trẻ em trong cùng một khoảng thời gian. Bằng cách này, họ có thể ngăn chặn các trường học địa phương đóng cửa, hoặc giúp duy trì một tổ chức quan trọng hoạt động mà vẫn có đủ điều kiện để chi trả cho nhân viên.

Theo bà Galindabayeva, nhờ phương pháp này, có tới khoảng hàng trăm trường học đã thành công trong việc thoát khỏi “tối ưu hóa” - từ ngữ được chính phủ Nga sử dụng để nói về việc đóng cửa các cơ sở y tế và GD khi chúng được coi là không cần thiết.

Theo thống kê, dân số Nga đã giảm hơn 5 triệu người kể từ năm 1991 sau cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trầm trọng do sự sụp đổ của nền kinh tế Liên Xô.

Trong những năm gần đây, chính phủ Nga thường xuyên đưa ra các sáng kiến, chẳng hạn như khuyến khích tài chính để người dân có con sớm hơn hoặc có nhiều hơn một con. Tuy nhiên, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, dân số của nước này vẫn giảm 68.000 người so với những năm trước đó.

Mặc dù một số thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Mát-xcơ-va đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng nhiều, nhưng sự sụp đổ nhân khẩu học đã mang lại ảnh hưởng nặng nề đối với các ngôi làng tại Nga. Dữ liệu cho thấy, trong số 26.000 trường học ở nước này phải đóng cửa trong vòng hai thập kỷ qua, có tới 22.000 cơ sở GD thuộc khu vực nông thôn.

Tại quận Moshenskoy - nơi bao gồm cả ngôi làng Brodi, từng là nơi có 15 trường học. Tuy nhiên, hiện tại, chỉ có 3 tổ chức GD tại khu vực này. Với âm thanh vui vẻ của những đứa trẻ đang chơi đùa, làng Brodi hoàn toàn đối lập so với những thị trấn xung quanh, khi người dân đã rời đi gần hết và để lại những ngôi nhà trống.

Khó khăn chồng chất

Chia sẻ với truyền thông, hiệu trưởng Chistyakov khẳng định, thành quả này có được là nhờ nỗ lực của người dân trong việc nhận nuôi nhiều trẻ nhỏ. “Nếu trường học mở cửa, ngôi làng sẽ tiếp tục tồn tại.

Trong khi đó, chính phủ hỗ trợ tài chính cho những người chăm sóc trẻ mồ côi”, ông Chistyakov nói và cho biết thêm, những người dân trong làng đã không phải tuyệt vọng để tìm cách chuyển đi nơi khác và tìm việc làm để mưu sinh.

Các chuyên gia nhận định, giải pháp này không chỉ giúp duy trì các trường học ở làng quê nghèo, mà còn có lợi cho trẻ mồ côi khi các em không phải lớn lên trong các tổ chức nhà nước. Chia sẻ với truyền thông, bà Irina

Kudryavtseva, một quan chức GD của chính quyền địa phương cho biết, trẻ em sống tại các trại trẻ mồ côi ở Nga thường là những em nhỏ bị bỏ rơi bởi cha mẹ nghiện rượu và phải sống “trong tình trạng thiếu thốn tình cảm”.

Kể từ năm 1998, nữ giáo viên dạy lịch sử tại Brodi, bà Nikolina Solovyova (52 tuổi) và chồng - một huấn luyện viên thể thao, đã nhận nuôi 11 đứa trẻ. “Vào ngày sinh nhật của tôi, căn nhà tôi trở nên chật cứng”, bà Solovyova vừa nói vừa mở album ảnh gia đình một cách đầy tự hào.

Gia đình bà Solovyov hiện nhận nuôi Danya (7 tuổi) và những người con nuôi khác cho đến khi họ 17 tuổi, cùng với cậu con trai ruột của hai vợ chồng. Nữ giáo viên 52 tuổi chia sẻ, có một gia đình lớn là cách sống mà bà muốn; đồng thời, phủ nhận rằng, việc nhận nuôi trẻ mồ côi là một chiến lược nhằm duy trì công việc của bà tại trường. “Chúng đều là con của tôi”, bà Solovyova nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi vừa được vực dậy sau cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, ngôi làng Brodi lại đang phải đối mặt với một thách thức lớn khác, đó là thiếu thế hệ giáo viên mới. “Không có giáo viên trẻ trong làng. Các trường có thể sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi thế hệ giáo viên hiện tại nghỉ hưu”, nhà xã hội học Galindabayeva dự đoán.

“Không có việc làm, vì vậy người trẻ lần lượt rời đi”, Hiệu trưởng Chistyakov lý giải về nguồn gốc của vấn đề. Và gia đình Solovyov là bằng chứng rõ ràng của xu hướng này, khi hai vợ chồng dự định sẽ rời đi cùng 11 người con, để có được cuộc sống cũng như công việc tốt hơn ở nơi khác. 
Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.