1. Ba lô quá nặng
Theo tiêu chuẩn vệ sinh, trọng lượng ba lô cùng với các vật dụng bên trong ở lớp 1 - 2 không được quá 2 kg, ở lớp 3 - 4, không quá 2,3 kg. Trên thực tế, riêng ba lô cộng với 3 - 4 cuốn sách giáo khoa cỡ A4 đã nặng quá tiêu chuẩn. Ngoài ra, còn có vở, hộp bút, giày dép để thay, quần áo thể thao (đôi khi để ở trường, nhưng mỗi tuần một lần phải mang về nhà để giặt), chai nước, quả táo, điện thoại, thêm một dụng cụ nào đấy cho giờ lao động... Vì vậy, đa số học sinh tiểu học hiện nay rất vất vả khi phải mang ba lô đến trường, nhiều em không đủ sức.
Lời bàn: Tốt hơn cả là học sinh để tất cả tài liệu học tập ở trường và không giao bài tập về nhà.
2. Chế độ học tập không phù hợp với trẻ
Học sinh tiểu học giống như một nhà quản lý nhỏ. Phải ăn mặc nghiêm chỉnh và cả ngày bắt cơ thể phục tùng kỷ luật bên ngoài. 4 - 5 tiết học, mỗi tiết 45 phút các em phải ngồi bất động. Tiếc rằng, một số giáo viên thậm chí không cho học sinh đi vệ sinh. Trong giờ giải lao có thể đi lại, nhưng không được chạy, không thể ra ngoài chơi. Em nào không thể tự về nhà hoặc được bố mẹ đón lúc 1 - 2 giờ, còn phải học thêm buổi chiều. Buổi tối lại phải học. Chế độ học tập đó quả là có hại đối với một đứa bé từ 7 - 10 tuổi, lẽ ra mỗi ngày các em phải chơi không dưới 2 - 3 tiếng, có điều kiện thay đổi tư thế của cơ thể và ăn nhẹ mỗi khi đói.
Lời bàn: Ở nhiều nước, trẻ em được phép đi lại trong lớp lúc đang học bài, thay quần áo, đến một độ tuổi nhất định, các em không nhất thiết phải ngồi vào bàn học nữa. Nhà trường cần phải có chỗ cho các em ngồi, nằm, chạy nhảy, chơi đùa, ví dụ như sân trường. Trong ngày, các em cần phải có một khoảng thời gian tự do, hoặc ít nhất là 1 - 1,5 giờ để ăn trưa, di dạo và giao tiếp.
3. Đám đông và tiếng ồn
Liệu bạn có thích ngồi làm việc trong một căn phòng có 30 người không? Không có vách ngăn, mọi người đều nhìn thấy nhau. Ngột ngạt, cho dù mở hết cửa sổ. Chuông điện thoại réo liên tục, còn một số đồng nghiệp không muốn làm việc và không cho người khác làm việc. Hiện tại học sinh tiểu học chúng ta đang ở trong những điều kiện như vậy.
Lời bàn: Sẽ rất tốt nếu thầy giáo được phép làm việc với một lớp từ 10 - 12 học sinh, chứ không phải 30. Ví dụ, trong hệ thống giáo dục mới ở Đức không còn lớp học như vốn có. Thật khó hình dung, nhưng lớp học gồm học sinh các lứa tuổi khác nhau, thành phần khác nhau và học các môn khác nhau. Hệ thống này sắp sửa được áp dụng bắt buộc trên cả nước Đức.
4. Học tập không có hiệu quả
Ở trường tiểu học, đứa trẻ nhiều khi không biết làm gì. Nó ngồi đợi bạn nào đó trả lời, hoặc nghe giáo viên nhắc lại những điều đã biết và không có gì thú vị. Bao giờ các em được học một điều gì đấy mới mẻ, lý thú, bổ ích cho bộ não? Hầu như chẳng bao giờ. Có thể nói, trường tiểu học hiện nay giống như cái bánh ngọt quá nhiều bột và hầu như không có nhân.
Lời bàn: Trong thời đại chúng ta, học sinh không chỉ học thầy giáo. Các em đặt ra một mục tiêu mà để đạt được mục tiêu đó có thể học cả thầy giáo lẫn bạn bè, tự mình tìm kiếm thông tin. Thầy giáo không phải là một cái máy nói và kiểm tra, mà là một nhà tổ chức quá trình học tập, người hướng dẫn các em tự làm bài tập.
5. Sự đơn điệu
Bộ não của học sinh hiện nay được hình thành trong điều kiện thừa thông tin. Còn hệ thống kiến thức nhà trường cho đến nay vẫn định hướng vào điều kiện ít thông tin. Kết quả là chương trình giáo dục phổ thông không cạnh tranh được với những tác nhân kích thích ngoài nhà trường. Nó không có gì để thuyết phục và thu hút học sinh.
Lời bàn: Để trở nên hấp dẫn hơn nhà trường tiểu học (cũng như bất cứ nhà trường nào) phải tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động nhận thức đa dạng. Ví dụ, đối thoại với những người lớn thông minh và với những trẻ em khác. Tham gia các dự án thú vị. Niềm vui lao động trí tuệ.
6. Cần tập trung chú ý
Lại phải so sánh nhà trường tiểu học với cơ quan. Ai cũng biết rằng, các cán bộ văn phòng thực sự làm việc không đủ 8 tiếng. Não tự động ngắt khi sự chú ý bị quá tải. Nhưng các cán bộ văn phòng có thể đi hút đi thuốc, uống nước lúc muốn. Còn các em học sinh tiểu học không được phép xao lãng , mặc dù khả năng chú ý của các em hạn chế, chỉ 5 phút. Thầy giáo giảng chung cho cả lớp, nếu không tập trung theo dõi là bỏ qua kiến thức. Vì vậy, hiệu quả tiếp thu bài học của giáo viên đối với nhiều học sinh chỉ là số không.
Lời bàn: Cần cho phép học sinh vui chơi, giải trí. Vì rằng việc cấm đoán là vô nghĩa. Não của các em không thể tập trung chú ý như một tiết học chuẩn ở trường đòi hỏi. Nghĩa là phần lớn quá trình dạy học phải được xây dựng theo cách khác.
7. Ít thời gian giao tiếp
Đối với đứa trẻ từ 7 đến 10 tuổi, giao tiếp là một trong những nhu cầu cơ bản. Tiếc rằng nhà trường và giáo viên không đề ra mục đích tổ chức và điều chỉnh giao tiếp cho học sinh. Các giờ giải lao ngắn, trên lớp không được nói chuyện riêng. Thầy giáo ít khi tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với nhau. Một tập thể gồm 30 người cùng tuổi không phải là một môi trường lý tưởng.
Lời bàn: Nhà trường tiểu học có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu giao tiếp ngay trong phạm vi của mình. Chỉ cần giáo viên đề ra mục tiêu như vậy. Hãy để cho học sinh học cách sống trong tập thể, tồn tại trong xã hội, kết bạn với nhau, hình thành quan hệ với những học sinh khác và thể hiện bản thân, hợp tác, giúp đỡ và hiểu được cảm xúc của người khác. Nếu như tất cả điều đó diễn ra trong nhà trường thì giao tiếp là một ưu điểm lớn, nó giúp cân bằng những nhược điểm khác.
8. Học sinh không được chơi tự do
Theo các nhà giáo pháp học, hoạt động chủ yếu của đứa trẻ từ 7 - 10 tuổi là học tập, của trẻ từ 5 - 6 tuổi là chơi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trẻ em 4 - 5 tuổi đã rất thích học. Các em ngồi bên bàn và lấy bút chì viết cái gì đấy rất chăm chú, nhưng chỉ được khoảng 10 phút. Nhiều trẻ em 8 - 9 tuổi lại có thể chơi búp bê hàng giờ, nhưng các em không có thời gian. Nói chung, không nên phân chia tỷ lệ thời gian chơi và học một cách rạch ròi như vậy.
Lời bàn: Đứa trẻ cần thời gian để chơi tự do. Hàng ngày. Ở trường cũng vậy. Vâng, cả khi đã 10 tuổi. Đối với một đứa trẻ bình thường, không bị khuyết tật trí tuệ, việc tiếp thu chương trình tiểu học không có gì khó khăn. Vì vậy, vai trò của nhà trường quan trọng ở chỗ tạo điều kiện cho các em tự do tiếp xúc với các bạn cùng lứa và thầy giáo giỏi.