Sức hút từ phúc lợi
Đối tượng được đặc biệt tập trung “lôi kéo” ban đầu sẽ là các nhà khoa học gốc Nga làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch dài hạn mà Nga đang soạn thảo, tỉ lệ các nhà khoa học nước ngoài trong đội ngũ giảng dạy của mỗi trường đại học hàng đầu ở Nga sẽ không dưới 10%.
Tổng thống Nga, Valdimir Putin, nói: “Chính phủ Nga cần tạo ra các điều kiện thu hút các nhà khoa học hàng đầu tới dạy ở các khoa công nghệ của các trường đại học Nga. Chương trình hỗ trợ ngân sách khổng lồ hiện tại có thể được coi là một ưu đãi cho người nước ngoài tới dạy tại các trường ĐH Nga”.
Một trong những ưu đãi được lên kế hoạch là chế độ phúc lợi cho các nhà khoa học nước ngoài sau khi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Khoa học cùng với các trường ĐH Nga dự kiến thiết kế một chương trình làm việc đặc biệt cho người nước ngoài tại các trường ĐH Nga, giảm khối lượng công việc giảng dạy theo quy định (có thể vượt quá 25 giờ/tuần) - mà cao hơn đáng kể so với các trường ĐH phương Tây.
Cũng có kế hoạch giảm giảm thuế thu nhập đối với các nhà khoa học nước ngoài làm việc tại Nga từ 17% hiện tại xuống còn 13%.
Nhu cầu tăng lên
Theo người phát ngôn của Bộ Giáo dục và Khoa học, nhu cầu làm việc tại Nga của các nhà khoa học nước ngoài đã tăng mạnh trong những năm gần đây, và một trong các nguyên do là cải thiện thứ hạng của các trường đại học Nga trên bảng xếp hạng quốc tế.
Năm nay, ĐH Quốc gia Moscow đứng sát với tốp 100 trường ĐH hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng ĐH QS. Trong khi số trường ĐH Nga trong tốp 400 bảng xếp hạng ĐH THE 2015 - 2016 đã tăng gấp đôi lên 4 trường (xếp hạng này đã mở rộng từ xếp hạng 400 trường ĐH hàng đầu lên xếp hạng 800 trường, 9 trường ĐH khác của Nga có mặt trong tốp 800).
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH vẫn tụt hậu so với phương Tây. Báo cáo Khoa học UNESCO, công bố gần đây cho thấy số lượng công trình khoa học được công bố đã giảm trong những năm gần đây, và tỉ lệ nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ là 0,51%, bằng một nửa tỉ lệ trung bình của nhóm G20 (20 quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới).
Hiện tại, một số trường ĐH hàng đầu Nga đã bắt đầu nỗ lực thu hút các nhà khoa học nước ngoài, một trong số đó là Trường ĐH Kinh tế Nga (Russian Higher School of Economics), một trong những trường ĐH danh tiếng nhất của Nga về lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Maria Yudkevich, Phó Hiệu trưởng cho biết trường thu hút các chuyên gia nước ngoài đa dạng từ tiến sĩ tới các nhà khoa học nổi tiếng. Yudkevich cho biết: “Hiện tại theo luật thì không có chế độ đặc biệt dành cho các nhà khoa học nước ngoài làm việc tại các trường ĐH quốc gia; tuy nhiên điều này có thể thay đổi trong những năm tới”.
Từ năm 2009, người nước ngoài được yêu cầu nộp đủ bộ giấy tờ mới được cấp phép làm việc trong các trường ĐH Nga. Điều này bảo đảm cho hệ thống ĐH Nga ngăn chặn nguy cơ tuyển dụng giảng viên kém chất lượng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, một số giấy tờ sẽ được loại bỏ nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc tuyển dụng.
(Theo University World News)