Theo thống kê, Nga đã triển khai ít nhất 127 tên lửa và 109 máy bay không người lái. Một yếu tố bất ngờ trong cuộc tấn công này là sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược Tu-95, phóng tên lửa hành trình từ khu vực Volgograd và Biển Caspian.
Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine thông báo rằng tổng cộng 77 tên lửa hành trình Kh-101 đã xâm nhập không phận nước này. Vào khoảng 5 giờ sáng, báo cáo về mối đe dọa cho biết có 11 máy bay Tu-95MS đang hoạt động.
Mỗi chiếc Tu-95 có thể mang tới 8 tên lửa Kh-101. Để làm rõ, giá phóng dạng trống quay bên trong thân Tu-95 chứa được 6 quả Kh-55/Kh-555, nhưng vì tên lửa Kh-101 lớn hơn và không vừa với khoang vũ khí nên Nga đã sử dụng giá treo bên ngoài để phóng chúng.
Theo truyền thống, một chiếc Tu-95 thường phóng từ 1 đến 3 tên lửa. Ví dụ vào đêm ngày 21 tháng 3 năm 2024, một nhóm gồm 11 chiếc Tu-95 đã phóng tổng cộng 29 tên lửa. Gần đây nhất, vào ngày 27 tháng 8, Không quân Ukraine báo cáo rằng một số oanh tạc cơ Tu-95 đã tham gia vào một cuộc tấn công, chúng phóng 5 tên lửa Kh-101.
Vì vậy việc nhìn thấy Tu-95 được chất đầy vũ khí thực sự là một cảnh tượng hiếm hoi, có lẽ trước đó Moskva tin rằng việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược với tải trọng chiến đấu tối thiểu sẽ giúp giảm thiểu hao mòn trên những cỗ máy này.
Trước diễn biến mới, quyết định chất đầy vũ khí lên oanh tạc cơ Tu-95 có thể cần thêm sự cho phép từ cấp trên, hoặc nhiều khả năng đến trực tiếp từ Điện Kremlin.
Một sự kiện bất ngờ khác trong cuộc tấn công bằng tên lửa ngày 26 tháng 8 liên quan đến Tu-22M3. Máy bay này đã phóng Kh-22 từ bầu trời vùng Voronezh.
Điều thú vị là các báo cáo chỉ ra rằng chỉ có 3 tên lửa Kh-22 được bắn ra, trong đó 1 quả bị bắn hạ. Vì mỗi chiếc Tu-22M3 có thể mang tối đa 3 tên lửa Kh-22, điều này ngụ ý rằng tổng số đạn lẽ ra lên đến 18 quả. Thông thường, mỗi oanh tạc cơ loại này mang theo 1 hoặc 2 tên lửa, và việc triển khai chúng khá rời rạc.
Theo một nguồn tin từ Ukraine, lý do dẫn đến sự khác biệt này có thể là do các phi công Nga gặp trục trặc, hoặc Lực lượng vũ trang Ukraine đã phản ứng nhanh trước những vụ phóng. Ngoài ra một số tên lửa Kh-22 có thể đã rơi xuống khu vực Voronezh.
Các nhà phân tích và chuyên gia quân sự phương Tây có nhiều ý kiến khác nhau về máy bay ném bom Tu-22 và Tu-95 của Nga, thừa nhận chúng có thiết kế lỗi thời nhưng vẫn hiệu quả trong các nhiệm vụ cụ thể.
Tu-95 có nguồn gốc từ thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên bất chấp tình trạng cổ điển của nó, chiếc phi cơ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí chiến lược của Nga, nhờ một loạt nâng cấp.
Ví dụ, các nhà phân tích quân sự Hoa Kỳ nhận ra rằng việc trang bị cho Tu-95 tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-95 mang lại cho nó "một sức sống mới đáng gờm" trong thế kỷ 21.
Những tên lửa này có khả năng đáng kinh ngạc, tự hào với tầm bắn 3.000 km và khả năng bay ở tốc độ Mach 2,8, khiến chúng trở nên khó bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện đại.
Các chuyên gia phương Tây cũng chỉ ra rằng mặc dù Tu-95 chậm và dễ bị tiêm kích hiện đại tấn công, nhưng khả năng mang phóng tên lửa hành trình tàng hình tầm xa cho phép nó hoạt động hiệu quả từ khoảng cách an toàn, bên ngoài hệ thống phòng thủ của đối phương.
Lợi thế chiến lược này khiến một số nhà phân tích tin rằng oanh tạc cơ Tu-95 sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể trong nhiều năm tới.
Về máy bay ném bom Tu-22M3, giới chuyên gia coi đây là một hệ thống mạnh mẽ nhưng đã cũ. Tu-22M được thiết kế cho các nhiệm vụ tấn công tầm xa trên biển và có thể mang tên lửa chống hạm, gây ra mối đe dọa đáng kể cho lực lượng hải quân.
Tuy nhiên giống như Tu-95, nó phải đối mặt với những thách thức do tuổi đời cao và sự xuất hiện của những hệ thống phòng không tiên tiến hơn và máy bay tàng hình.
Tóm lại, mặc dù máy bay ném bom Tu-95 và Tu-22 có vẻ lỗi thời ở một số khía cạnh, nhưng khả năng mang tên lửa tầm xa hiện đại đảm bảo rằng chúng vẫn là một phần quan trọng và đáng gờm trong kho vũ khí chiến lược của Nga.