Các nhà khoa học Nga cho rằng tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân có thể làm chệch hướng tiểu hành tinh. Ảnh: AFP.
Hãng tin TASS của Nga dẫn thông báo của Viện khoa học TsNIIMash trực thuộc công ty nhà nước Roscosmos ngày 17/1 cho biết cộng đồng khoa học quốc tế đã đề nghị các nhà khoa học Nga phát triển một hệ thống có khả năng làm chệch hướng tiểu hành tinh dựa trên các quy tắc của một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian.
Thông báo cho biết: “Theo cơ chế hợp tác thuộc chương trình phát triển và nghiên cứu khoa học công nghệ giữa Nga và EU, dự án NEOShield nghiên cứu các biện pháp cần thiết có thể tác động tới những vật thể gây nguy hiểm ngoài không gian vũ trụ. Đây là dự án có sự tham gia của nhiều đối tác đến từ các nước. Nhiệm vụ của dự án là làm chệch hướng của các vật thể có nguy cơ đe dọa tới Trái Đất bằng các vụ nổ hạt nhân do đại diện của Nga là Viện khoa học TsNIIMash tiến hành”.
Bên cạnh đó, dự án trên cũng thu hút sự tham gia của các chuyên gia trong các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cũng như Học viện Khoa học Nga.
Các nhà khoa học Nga cho rằng một vụ nổ hạt nhân gần tiểu hành tinh gây đe dọa là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn vụ va chạm với Trái Đất, dù các vụ nổ hạt nhân ngoài không gian bị cấm trong thời gian qua.
“Tuy nhiên, nếu mối đe dọa từ tiểu hành tinh đó gia tăng và gây nguy hại tới sự tồn tại của sự sống trên Trái Đất, lệnh cấm tiến hành vụ nổ hạt nhân ngoài không gian sẽ được dỡ bỏ”.
Theo các chuyên gia, một vụ nổ hạt nhân ngoài không gian có thể được tiến hành ở khoảng cách hợp lý, hạn chế nguy cơ các mảnh vỡ từ tiểu hành tinh rơi xuống Trái Đất.