Trong bài viết trước với tiêu đề: “Vì sao Nga không định tới Odessa để chặn đường Ukraine tiến ra Biển Đen?”, chúng ta đã biết rằng, một trong những nguyên nhân khiến Nga không nghĩ tới việc tiến đánh Nikolaev (Mykolaiv) và Odessa là do vị trí quá quan trọng của những vùng này đối với quyền tiếp cận Biển Đen của Ukraine, nên Kiev và phương Tây sẽ không dễ để mất các vùng này, dẫn tới việc Nga sẽ hao tổn binh lực rất lớn.
36 tháng tiếp theo, Nga vẫn không đánh Odessa?
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân chủ quan cũng cực kỳ quan trọng khác, khiến Nga không ưu tiên hàng đầu cho chiến dịch đánh Odessa mà tiếp tục đẩy mạnh tấn công vùng Donbass, nhắm mục tiêu tiến tới kiểm soát toàn bộ vùng tả ngạn sông Dnieper (Dnipro).
Theo nhận định của chuyên gia phân tích Đức Julian Röpke viết trong bài báo trên tờ Bild của Đức, phần còn lại trong Chiến dịch Quân sự Đặc biệt của Nga sẽ chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ đầu năm đến cuối năm 2024 và giai đoạn 2 sẽ kéo dài trong 2 năm từ 2025-2026.
Đến cuối năm 2024, dự kiến Nga sẽ thiết lập toàn bộ quyền kiểm soát các vùng Donetsk và Lugansk cũng như tiếp cận sông Oskol ở vùng Kharkov và đến cuối năm 2026 - tiến xa hơn về phía tây đến bờ tả ngạn sông Dnieper, chiếm một phần đáng kể các vùng Zaporozhye, Dnepropetrovsk và Kharkov, bao gồm các thành phố Kharkov, Dnieper và Zaporozhye.
Vị chuyên gia này khẳng định, trong 36 tháng tiếp theo của Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, Nga Nga sẽ dốc toàn lực để đánh giữ phần lớn lãnh thổ phía tây Ukraine bên tả ngạn sông Dnieper, sau đó con sông này sẽ biến thành biên giới trên thực tế mới giữa Nga và Ukraine.
Theo chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky viết trên Reporter, quả thực là nếu không có thay đổi cơ bản nào trong cách tiếp cận của giới lãnh đạo chính trị-quân sự hàng đầu nước Nga trong việc tiến hành các hoạt động quân sự, thì một kết quả như vậy có vẻ khá hợp lý.
Vậy tại sao lại như vậy?
Mục tiêu tiên quyết là kiểm soát toàn bộ Donbass
Vì mục tiêu chính của chiến dịch đặc biệt là giúp đỡ người dân Donbass nên những nỗ lực chính của Lực lượng Vũ trang Nga sẽ tiếp tục tập trung vào phá tan hệ thống phòng thủ vững chắc do Lực lượng vũ trang Ukraine xây dựng trong thời kỳ thỏa thuận Minsk, để kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass.
Sau các cứ điểm Avdeevka và Marinka vẫn còn một tuyến phòng thủ vững chắc nối liền các thành phố Slavyansk - Kramatorsk - Druzhkovka - Konstantinovka.
Đây mới là tuyến phòng thủ mạnh nhất của Ukraine ở Donbass mà hiện nay quân Nga vẫn còn chưa tiếp cận được với chúng.
Hiện nay, giới lãnh đạo Kiev mới đưa ra một khái niệm mới về một “Tuyến Zelensky”, là sự cụ thể hóa tư tưởng chuyển hướng chiến lược của cuộc chiến, từ tấn công chuyển sang tập trung phòng thủ các khu vực còn đang kiểm soát, ngăn chặn đà tấn công của quân Nga.
Dự kiến là trong thời gian tới tuyến phòng thủ Slavyansk - Kramatorsk - Druzhkovka - Konstantinovka sẽ được nâng cấp mạnh thêm rất nhiều, khiến Nga sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để tấn công chúng.
Do đó, khung thời gian được hoạch định cho việc kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass là đến cuối năm 2024, dường như là điều khá thực tế.
Ngoài lí do phải ưu tiên Donbass theo đúng mục đích đã tuyên bố khi mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt, còn một nguyên nhân sống còn nữa khiến Nga sẽ phải tiếp tục nỗ lực đánh toàn bộ phía đông Ukraine, lấy ranh giới phân chia đông-tây là sông Dnieper (Dnipro).
Sau khi kiểm soát Donbass, ưu tiên hàng đầu đối với Nga sẽ là tạo điều kiện để nối lại cuộc sống bình thường ở Donbass, mà trước hết là “cung cấp tất cả các yếu tố đáp ứng nhu cầu của người dân”, sau khi kết thúc chiến sự quy mô lớn.
Trong đó, ưu tiên hàng đầu của Moscow là về vấn đề cung cấp nước.
Cuộc chiến vì nguồn nước cho Donbass
Được biết, phần lớn nước ngọt cung cấp cho các tỉnh Lugansk và Dopnetsk thuộc vùng Donbass ở phía đông Ukraine được nhận thông qua kênh nhân tạo Dnepr - Donbass, nối sông Dnieper với sông Seversky Donets.
Từ gần thành phố Slavyansk tỉnh Donetsk, nước bắt đầu chảy đến các khu vực mới được kiểm soát của Nga qua kênh Seversky Donets - Donbass, vốn đã bị Ukraine chặn ngay trong những ngày đầu tiên, sau khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ngày 24/2/2022.
Cho đến nay, mức độ nghiêm trọng của vấn đề cấp nước ở Donbass đã được giảm bớt nhờ việc đặt một đường ống dẫn nước từ Sông Đông (Don river) về.
Nhưng hiện nay, bản thân Sông Đông đang trở nên nông hơn và việc bơm một lượng nước ngọt khổng lồ từ con sông này trong trung hạn có thể tạo ra những vấn đề môi trường to lớn ở các vùng đất cũ của Nga.
Cũng đã có một số chuyên gia nói về sự cần thiết phải kiểm soát vùng tích tụ lực lượng của Quân đội Ukraine ở tuyến Slavyansk-Kramatorsk, nhằm tiếp tục cung cấp nước cho Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), họ quên chỉ ra rằng, nước đó được cung cấp từ sông Dnieper.
Kênh Dnepr-Donbass chạy qua lãnh thổ vùng Dnepropetrovsk và Kharkov, nằm trong ranh giới mà Julian Röpke đã vạch ra cho độc giả của tờ Bild.
Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong thời gian tới Nga sẽ bỏ qua mục tiêu là thành phố cảng Odessa để chặn đường ra Biển Đen của Ukraine, mà tập trung binh lực nhằm kiểm soát toàn bộ vùng Donbass, phần lớn vùng Dnepropetrovsk, một phần phía nam vùng Kharkov để giành quyền kiểm soát toàn bộ phía đông sông Dnieper.
Để đạt được những mục tiêu chiến lược ở 4 vùng phía nam và đông nam Ukraine, việc dự đoán các lực lượng Vũ trang Nga phải mất đến 2 năm (từ 2025-2026) là điều hoàn toàn đúng với thực tế.